Ngày 24/4 tới đây, Vietcombank và Saigonbank sẽ cùng tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Nếu không có gì thay đổi so với kịch bản của 2 ông lớn Vietinbank, BIDV, thì Vietcombank sẽ công bố kế hoạch sáp nhập SaigonBank vào hệ thống. Sau khi 3 thương vụ này hoàn tất, liệu có sự thay đổi nào về thứ bậc trong 3 ông lớn này?
Sau sáp nhập, Vietinbank vẫn “khủng” nhất
Theo tính toán, sau sáp nhập Vietinbank vẫn là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ, mạng lưới lớn nhất so với 2 ông lớn Vietcombank và BIDV.
Cụ thể, theo tài liệu đại hội cổ đông vừa công bố của Vietcombank và Saigonbank, nếu hai ngân hàng này sáp nhập theo thông tin trước đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình xác nhận thì ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ là 29.730 tỷ đồng, trong đó Vietcombank là 26.650 tỷ đồng, SaigonBank là 4.000 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động cũng được tăng lên là 534 điểm giao dịch, trong đó Vietcombank là 450, SaigonBank là 84.
Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập là 656.520 tỷ đồng, trong đó Vietcombank là 640.000 tỷ đồng, SaigonBank là 16.520 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của ngân hàng sau sáp nhập, tính đến cuối năm 2014, là 334.532 tỷ đồng, trong đó Vietcombank là 323.332 tỷ đồng, SaigonBank là 11.200 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2015, Vietcombank tăng trưởng tín dụng 13%.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông của BIDV (ngày 17/4), HĐQT của ngân hàng này đã công bố thương vụ sáp nhập MHB vào BIDV sẽ hoàn tất vào 25/5 tới. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1.
Sau khi thương vụ sáp nhập giữa BIDV và MHB hoàn tất, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ là 31.512 tỷ đồng (BIDV là 28.112 tỷ đồng, MHB là 3.400 tỷ đồng). Mạng lưới hoạt động cũng được tăng lên là 171 chi nhánh (BIDV có 127 chi nhánh và MHB có 44 chi nhánh) và 787 phòng giao dịch (BIDV có 600 và MHB có 187).
Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập là hơn 695.000 tỷ đồng, trong đó phần của MHB là 45.313 tỷ đồng, BIDV là 655.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của ngân hàng sau sáp nhập là 491.605 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2014, trong đó BIDV là 461.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, MHB là 30.605 tỷ đồng, tương đương 13,8%). Theo kế hoạch, năm 2015, BIDV dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%.
Nếu kế hoạch sáp nhập của BIDV và MHB diễn ra theo đúng kế hoạch thì đây là thương vụ diễn ra nhanh nhất hiện nay và yếu tố được cho là thuận lợi khi thực hiện sáp nhập là do cổ đông nhà nước chiếm 90% tại hai ngân hàng này.
Trước đó, ngày 14/4, tại đại hội cổ đông của Vietinbank, lãnh đạo của ngân hàng này cũng công bố thương vụ sáp nhập PGbank vào Vietibank với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,9.
Sau giao dịch sáp nhập này, Vietinbank sẽ là ngân hàng dẫn đầu trong các ngân hàng niêm yết về tổng tài sản và thị phần cho vay. Theo đó, ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 40.234 tỷ đồng (trong đó Vietinbank là 37.234 tỷ đồng, PGbank là 3.000 tỷ đồng).
Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập (tính đến cuối năm 2014) là 600.039 tỷ đồng (trongđó, Vietinbank là 574.260 tỷ đồng, PGbank là 25.779 tỷ đồng). Tổng dư nợ của ngân hàng sau sáp nhập là 454.507 tỷ đồng (trong đó, Vietinbank là 440.000 tỷ đồng, PGBank là 14.507 tỷ đồng). Dự kiến, năm 2015, Vietinbank tăng trưởng tín dụng khoảng 13 -15%.
Mạng lưới chi nhánh của Vietinbank sau sáp nhập là 168 chi nhánh và 1.063 phòng giao dịch (trong đó Vietinbank có 152 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch, PGBank có 16 chi nhánh và 63 phòng giao dịch) và nằm trong top 3 của toàn hệ thống, vị trí số 1 là của Agribank và vị trí số 2 là Lienvietpostbank.
Với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:0,9, thương vụ sáp nhập này có cơ cấu như sau: trước tiên, Vietinbank sẽ phát hành 2.700 tỷ đồng (tương đương 270 triệu cổ phiếu mới) để hoán đổi 3.000 tỷ đồng cổ phiếu PGBank. Sau đó Vietinbank sẽ phát hành 300 tỷ đồng (tương đương 30 triệu cổ phiếu mới) cổ phiếu thưởng cho cổ đông Vietinbank. Theo đó, mỗi cổ đông của Vietinbank sẽ nhận được 0,008 cổ phiếu cho 1 cổ phiếu sở hữu.
Ba ông lớn được gì sau sáp nhập?
Thực tế, những so sánh này chỉ mang tính tương đối, nhưng có vẻ Vietcombank thiệt thòi hơn so với Vietinbank và BIDV khi nhận SaigonBank vào hệ thống. Bởi theo đánh giá, SaigonBank không có thị trường tiềm năng nào cho Vietcombank khai thác khi nhận về. Hơn nữa, do chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông nên chưa biết được tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của 2 ngân hàng này là bao nhiêu.
Được coi là thương vụ sáp nhập dễ dàng nhất do cùng một cổ đông lớn là Nhà nước, BIDV còn có lợi thế khi nhận MHB vào hệ thống, đó là thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù mạng lưới ít, nhưng MHB chủ yếu tập trung vào thị trường nông thôn và có lãnh địa là đồng bằng sông Cửu Long.
Thế mạnh lâu nay của BIDV là phát triển dịch vụ tài chính tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, nay có thêm cơ hội đẩy mạnh tín dụng vào khu vực nông thôn. Ngoài ra, MHB là ngân hàng chuyên về bán lẻ, điều này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng cho BIDV, vốn chuyên cho vay những món lớn.
Nhiều quan điểm cho rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:0,9 là đắt đối với VietinBank. Tuy nhiên, có lẽ thương vụ sáp nhập giữa PGBank và Vietinbank do Deloitte tư vấn định giá và Mayer Brown tư vấn pháp lý đã không chỉ dựa vào những chỉ số hiện tại mà còn còn xét đến cả giá trị của tài sản vô hình; chẳng hạn như khách hàng, số lượng chi nhánh và mối quan hệ mật thiết của PGBank với Petrolimex.
Cổ đông chiến lược của PGBank là Petrolimex có hơn 2.000 trạm xăng toàn quốc và có số lượng khách hàng lớn. Một công ty liên kết là PJICO có hơn 5 triệu khách hàng.
Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh 2015, Vietinbank đặt kế hoạch tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ là 57%. Do vậy tỷ lệ hoán đổi nói trên có lẽ phản ánh các mối quan hệ tiềm năng và nhà đầu tư mà PGBank có thể đem lại trong tương lai.
Theo Bizlive