Việt Nam cần phát huy chất xám, trí tuệ
Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018, ông Nguyễn Quân – Hội trưởng Hội tự động hóa Việt Nam cho biết, trong mấy năm gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều thông tin lên quan đến khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp, cũng như cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, muốn Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp trong tương lai thì việc đầu tiên cần làm là dành sự ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro)...
Theo ông Quân, hiện nay ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp còn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, đặc biệt gần như còn thiếu hai thành phần quan trọng là các quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở dịch vụ mạnh.
Dẫn chứng về vấn đề này, Hội trưởng Hội tự động hóa Việt Nam cho hay, trên thế giới, đầu tư mạo hiểm cho các start-up năm 2017 đã đạt tới 140 tỷ USD và tổng giá trị kinh tế do các start-up toàn cầu mang lại trong khoảng thời gian 2015-2017 là 2300 tỷ USD. Ở Việt Nam, đến hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động, đa phần là quỹ của nước ngoài (IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-Vina Capital, 500 Start-up.
Ảnh minh họa
Một câu hỏi được đặt ra là, liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia khởi nghiệp?. Ông Nguyễn Quân cho rằng, nếu nhìn lại trên chặng đường đã qua, Việt Nam đã mất quá nhiều thời gian tiếp cận với kinh tế thị trường, tạo cơ chế đột phá để đưa đất nước tăng tốc phát triển. “Đã đến lúc chúng ta cần quyết liệt thực hiện những cơ chế, chính sách phù hợp để sớm đạt mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, ông Quân bày tỏ quan điểm.
Cũng theo Hội trưởng Hội tự động hóa Việt Nam, dù cho nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, Việt Nam vẫn còn nguồn tài nguyên giàu có và tiềm tàng, đó chính là chất xám, trí tuệ. Vì vậy, để đất nước có thể đạt được mục tiêu trên sớm hơn, cần tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh, khích lệ sự hình thành các doanh nghiệp dựa trên trí tuệ - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo- là giải pháp thích hợp để tăng tốc phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Cần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ môi
Chia sẻ về các giải pháp để đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, ông Nguyễn Quân cho rằng, việc đầu tiên cần làm đó chính là tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sinh ra và phát triển, hay nói một cách khác là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
“Mỗi năm chúng ta có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức Khoa học và Công nghệ trong doanh nghiệp và các nhà sáng chế không chuyên nghiệp, hàng nghìn công nghệ mới được nhận chuyển giao từ nước ngoài qua các con đường khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này còn rất hạn chế”, ông Quân nói.
Ông Quân cũng chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Ixraen… cho thấy, để khởi nghiệp sáng tạo thành công cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” có điều kiện nảy mầm tốt nhất - hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo - và cần được Nhà nước đứng ra xây dựng để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng quan điểm với vấn đề này, ông Lương Minh Huân – Viện Phát triển doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc ổn định kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, nhằm tạo thêm lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh. Các Bộ ngành gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, rà soát lại các những quy định về pháp luật có liên quan đến kinh doanh để không cản trở các hoạt động khởi sự kinh doanh. Nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Theo ông Huân, cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác thông tin, công khai minh bạch, nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), tuyên truyền và nâng cao năng lực về hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Huân cũng cho rằng, bên cạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có cơ chế khuyến khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về quỹ khởi nghiệp như các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, quỹ huy động vốn từ cộng đồng. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao…
Theo VnMedia