Ngày 13/1, Tòa án Nhân dân Tp HCM tiếp tục xét phiên bị cáo Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và tập đoàn Thiên Thanh, ông Trầm Bê - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank và 44 bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, khi tiến hành các thủ tục cho phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập tới 3 lần, nhưng ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang vẫn vắng mặt.
Tại phiên xử sáng ngày 13/1, đại diện VKS tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) áp dụng biện pháp áp giải bắt buộc với ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – và ông Trần Lục Lang - Phó Tổng giám đốc BIDV.
Lý do, theo đại diện VKS, tòa đã do nhiều lần triệu tập ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang phải có mặt với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tuy nhiên hiện hai ông này vẫn vắng mặt.
Theo HĐXX, ông Trần Bắc Hà đã có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị bệnh ung thư gan, còn ông Trần Lục Lang cũng đang điều trị bệnh. HĐXX cho biết, hồ sơ bệnh án của ông Hà và ông Lang được chuyển đến VKS, nên nếu cần hỏi thêm thì sẽ triệu tập.
Theo đại diện VKS, ông Trần Bắc Hà bị bệnh ung thư gan từ năm 2012, đơn tái khám gần nhất của ông gửi tới tòa thì thời gian tái khám đúng vào ngày 8/1 (ngày mở phiên tòa này – PV).
Do đó, đại diện VKS đề nghị cần làm rõ ông Trần Bắc Hà có thực sự đi nước ngoài chữa bệnh hay không. VKS đề nghị HĐXX làm rõ điều này tại Cục xuất nhập cảnh – Bộ Công an.
Với trường hợp ông Trần Lục Lang, đại diện VKS cho biết, hồ sơ gửi về tòa chỉ có sổ khám bệnh và đơn thuốc của bệnh viện Nhân dân Gia Định, chứ không có bệnh án.
Từ đây, đại diện VKS nhận xét cả ông Hà ông Lang đều không gặp trở ngại về sức khỏe, đủ điều kiện tham dự phiên tòa. Do đó, cần tiếp tục triệu tập hai ông này tới phiên tòa nhằm làm rõ nhiều vấn đề trong vụ án.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư Tp.HCM - Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, điều 127 về áp giải, dẫn giải cũng tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không thuộc các đối tượng này. Theo đó, việc áp giải, dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng; người bị hại; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan - luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu