Được biết, cây cầu này do ông Tạ Quyết Thắng, ông chủ Công ty TNHH Sơn Trường, tự đầu tư, thi công tặng thành phố Hải Phòng.
Công nghệ thi công kiểu mới
Ông Tạ Quyết Thắng cho biết, để rút ngắn thời gian thi công xuống còn 50 ngày, ông đã chọn phương án thi công của Mỹ, khác với các phương án thi công hiện thường vẫn thực hiện.
Cụ thể, theo cách xây cầu mới này, đơn vị thi công sẽ không khoan cọc, đúc trụ, mà đóng cọc chịu lực thành từng hàng thẳng rồi tiến hành lắp dầm. Phương án thi công này giúp tiết kiệm cả thời gian và chi phí thực hiện.
Để minh họa cho tính ưu việt của phương án thi công kiểu mới này, Ông Thắng đưa ra so sánh:
Cầu Tam Bạc mà Công ty ông xây tặng TP. Hải Phòng có chiều dài qua sông 130m (không tính đường vượt), rộng 26,4m, tổng vốn đầu tư chưa đến 100 tỷ, thi công trong… 47 ngày. Trong khi cầu Rào 2 (cũng tại Tp. Hải Phòng – P.V) có chiều dài qua sông là 126m, rộng 25,4m, thi công hơn 2 năm và tiêu tốn 668 tỷ đồng.
Tuy cầu Tam Bạc kém cầu Rào 2 ở độ cao thông thuyền (độ cao thông thuyền của cầu Tam Bạc 5,5m còn Cầu Rào là 7m – PV) và tải trọng (chỉ đạt 65%) nhưng ông cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Cầu Tam Bạc cũng có thể đạt được các tiêu chuẩn như cầu Rào 2, với chi phí tăng thêm không đáng bao nhiêu, nhưng đây là do quy định nhà nước hạn chế các chỉ số khi xây cầu trong nội thành".
Vì vậy, ông Thắng kết luận: Giải pháp thiết kế mới là thứ quyết định cây cầu.
Hơn nữa, thi công theo kiểu mới này, khi xảy ra các sự cố, thời gian sửa chữa cũng sẽ nhanh hơn nhiều so với thi công theo kiểu cũ.
Ông Thắng lấy ví dụ, nếu chẳng may cầu Tam Bạc bị đánh bom, xấu nhất là hỏng trụ, thì công việc sửa chữa sẽ bao gồm việc nhổ cọc cũ, đóng cọc mới và lắp dầm, chỉ mất thời gian trong vòng 7 ngày. Còn nếu thi công theo kiểu cũ, sẽ mất thời gian để dọn dẹp đáy, sau đó mới khắc phục, mất ít nhất 2 năm mới khắc phục xong.
Ông cho biết thêm, điển hình của cách thi công kiểu mới này là tại cảng Cái Lân – Cái Mép – Thị Vải, do chính tay kỹ sư người Mỹ thiết kế. Hiện một số nơi cũng đã áp dụng cách thi công này, như tại cầu Tân Vũ (Hải Phòng).
Đúc cọc chống tại chỗ rút ngắn thời gian thi công
Điểm khác biệt lớn nhất với dự án cảng Cái Mép – Thị Vải do người Mỹ thiết kế (mà theo chủ đầu tư cho rằng đó là điểm độc đáo, sáng tạo hơn so với các cách thi công khác), là việc dự án cầu Tam Bạc đúc cột chống và dầm tại nhà máy, sau đó vận chuyển đến nơi thi công.
Cụ thể, theo tính toán hiện nay, nếu đúc tại chỗ một dầm cầu dài 26m thì cần phải đợi ít nhất 2 tuần mới có thể thi công tiếp. Xong với phương án đúc sẵn tại nhà máy, chở đến công trường khi thi công thì rút ngắn thời gian rất nhiều.
Tuy nhiên, việc đúc sẵn như vậy cũng yêu cầu rất cao về độ chính xác và về kỹ thuật. Chỉ riêng độ sai số của từng cọc trong toàn bộ 110 cọc trụ là không được quá 5cm so với thiết kế. Tương tự, yêu cầu về dung sai giữa cọc trụ và dầm cũng phải đạt không quá 5cm.
Ông Thắng cho biết, dự kiến đến ngày 13/5, cầu sẽ thông xe kỹ thuật và ngay lập tức sẽ có thể hoạt động. Nhưng cầu sẽ chính thức thông xe toàn tuyến sau 1 tuần do còn phải hoàn thiện toàn bộ việc rải nhựa, trang trí và đưa vào khai thác.
Ông kết luận, như vậy với cách thi công đóng cọc kiểu mới này, chỉ cần chưa đầy 50 ngày để hoàn thiện một chiếc cầu dài 130m, rộng 26,4m.
Ông khẳng định: “Nếu không có giải pháp về mặt thi công, chúng tôi không thể nhận làm cầu trong thời gian ngắn như vậy. Trước tôi tính thêm cả sai số khi thi công bị lỗi cọc nên kéo dài lên 90 ngày, người ta còn bảo tôi bị điên”.
Được biết, khi hoàn thiện, cầu sẽ được trang trí hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí tự động, có thể đặt sẵn giờ bật tắt từ trước. Ngoài ra cầu còn được trang trí bằng các chậu hoa, cây cảnh, kèm theo đó là hệ thống phun nước tự động, vừa tưới rửa mặt đường đồng thời chăm sóc cây cảnh.