Vì sao Trung Quốc tức giận phản ứng mạnh Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan lần này?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước việc Bộ Ngoại giao Mỹ liên tiếp phê chuẩn hai thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan chỉ trong vòng một tuần, Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ khác thường. Truyền thông Hoa ngữ đã thử phân tích nguyên nhân...
Các tên lửa Mỹ bán cho Đài Loan sẽ là mối đe dọa đối với các lực lượng đổ bộ tấn công (Ảnh: Dwnews).
Các tên lửa Mỹ bán cho Đài Loan sẽ là mối đe dọa đối với các lực lượng đổ bộ tấn công (Ảnh: Dwnews).

Phía Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ cả về mặt ngoại giao lẫn trên thực địa. Theo trang tin Hồng Kông Dongfang, chiều 27/10, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã phê phán, “việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và ba Thông cáo chung Trung-Mỹ, đặc biệt là Thông cáo ngày 17/8, gửi tín hiệu sai tới các thế lực ly khai đòi độc lập cho Đài Loan”; ông yêu cầu Mỹ rút lại việc bán vũ khí cho Đài Loan và tuyên bố Trung Quốc “sẽ áp dụng các biện pháp thích đáng và cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích an ninh của quốc gia”.

Bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố: “Việc chính quyền Đảng Dân Tiến (DPP) ‘dĩ vũ mưu độc’ (sử dụng vũ lực để đòi độc lập) sẽ chỉ phá hoại thêm hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan và gây thêm tai họa cho dân chúng Đài Loan”.

Mỹ đã bán cho Đài Loan 100 xe phóng tên lửa hành trình bờ đối hạm cho Đài Loan đủ để thành lập 25 phân đội tên lửa (Ảnh: Dongfang).

Mỹ đã bán cho Đài Loan 100 xe phóng tên lửa hành trình bờ đối hạm cho Đài Loan đủ để thành lập 25 phân đội tên lửa (Ảnh: Dongfang).

Ông Nhiệm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (27/10): “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính phủ Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Vấn đề Đài Loan không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài”. Ông chỉ ra rằng: “Một số người ở Mỹ và khu vực Đài Loan muốn ‘dĩ Đài chế Hoa’ (dùng Đài Loan để chế ngự Trung Quốc). Việc ‘dĩ vũ cự thống’ (dùng vũ lực chống lại thống nhất) sẽ không có tác dụng; cuối cùng chắc chắn sẽ đi vào ngõ cụt”.

Ông nói, Trung Quốc mạnh mẽ yêu cầu Mỹ hủy bỏ ngay kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. PLA có ý chí kiên định, hoàn toàn tự tin và đủ khả năng để đánh bại mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài và các mưu đồ ly khai nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (26/10) đã ra tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm Lockheed Martin, Boeing Defense và Raytheon.

Vào một thời điểm nhạy cảm, cùng ngày 27/10, quân đội Trung Quốc (PLA) đã lần đầu tiên cho một máy bay gây nhiễu Y-8 bay vào vùng trời Tây Nam của Đài Loan. Đây là lần thứ 25 máy bay PLA bay vào không phận Đài Loan kể từ ngày 19/9. Máy bay chiến đấu của Đài Loan đã cất cánh cảnh giới, phát thanh xua đuổi; các tên lửa phòng không Đài Loan cũng theo dõi, giám sát. Một máy bay tuần tra biển P-8A của Hải quân Mỹ và một máy bay trinh sát CL-604 của lục quân Mỹ đã lần lượt bay vào Biển Đông và biển Hoa Đông vào sáng 27 để trinh sát. Một máy bay trinh sát E-8C của không quân Mỹ đã bay lượn nhiều vòng từ bán đảo Triều Tiên tới ngoài khơi Hoàng Hải từ tối thứ Hai đến sáng thứ Ba.

Tên lửa tấn công mục tiêu mặt đất phóng từ trên không AGM-84H/K SLAM-ER được Mỹ bán cho Đài Loan lần này với số lượng lớn (Ảnh: Dwnews).

Tên lửa tấn công mục tiêu mặt đất phóng từ trên không AGM-84H/K SLAM-ER được Mỹ bán cho Đài Loan lần này với số lượng lớn (Ảnh: Dwnews).

Vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ như thế? Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 27/10, trước hết bởi các vụ bán vũ khí cho Đài Loan được Mỹ thực hiện dồn dập và với số lượng lớn. Chỉ trong vòng một tuần, hai thương vụ đã được thực hiện với tổng số tiền lên tới 4,17 tỉ USD. Điều quan trọng hơn là trái với tuyên bố của cả Washington và Đài Bắc là Mỹ chỉ bán các “vũ khí phòng vệ” cho Đài Loan, các thương vụ lần này Mỹ đã bán các vũ khí mang tính chất tấn công rất rõ, chẳng hạn như các tên lửa tấn công mặt đất tầm xa từ máy bay AGM-84H/K SLAM-ER, các hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và số lượng rất lớn các hệ thống tên lửa hành trình đất đối hạm Harpoon (HCDS).

Theo phân tích của Dongfang, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thông báo hôm thứ Hai (26) theo giờ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán 100 bộ hệ thống tên lửa hành trình Harpoon (HCDS), bao gồm 400 tên lửa chống hạm Harpoon, với tổng giá khoảng 2,37 tỉ USD. Các chuyên gia phân tích rằng HCDS mua được trong đợt mua bán vũ khí này có thể bổ sung hiệu quả cho tên lửa chống hạm Hùng Phong-II (Hsiungfeng- II) của Đài Loan, đồng thời kết hợp với chiến lược quân sự của Mỹ để hình thành “chuỗi đảo tên lửa”.

Tên lửa ành trình Harpoon được giớ chuyên môn quân sự đánh giá cao (Ảnh: Dwnews).

Tên lửa ành trình Harpoon được giớ chuyên môn quân sự đánh giá cao (Ảnh: Dwnews).

Được biết, vụ mua bán vũ khí này bao gồm 400 tên lửa chống hạm Harpoon RGM-84L-4 block 2, 4 tên lửa huấn luyện Harpoon RTM-84L-4 block2, 411 thùng bảo quản tên lửa, 100 xe phóng di động và 25 xe radar của hệ thống phòng thủ tên lửa Harpoon. Hãng Boeing sẽ đảm bảo giám sát kỹ thuật và chi viện về mặt công nghệ trong 8 năm.

Ông Tống Ngọc Ninh, biên tập viên của Tạp chí Quân sự Đài Loan, phân tích rằng tên lửa chống hạm Harpoon có thể chống nhiễu điện tử và có khả năng sát thương rất mạnh đối với tàu mặt nước. Nó giúp bổ sung cho loại tên lửa Xiongfeng-II của Đài Loan, sẽ làm tăng độ khó cho các biện pháp đối phó và phòng thủ của PLA.

Ông Tống cũng cho rằng 400 quả tên lửa Harpoon không phải là quá nhiều, nhưng có nhiều khả năng Đài Loan sẽ mua thêm sau khi các cơ sở cơ bản ban đầu đã được thiết lập. Với 25 xe radar và 100 xe phóng mua lần này, Đài Loan có thể thành lập 25 phân đội xe tên lửa hành trình dẫn đường, mỗi phân đội có 4 xe phóng, 16 quả tên lửa, tương đương với hỏa lực chống hạm của hai tàu hộ vệ tên lửa, có tác dụng thần kỳ chống lại các đội tàu đổ bộ của PLA, đồng thời có thể đảm bảo tỷ lệ sinh tồn của quân đội Đài Loan.

Học giả Tô Tử Vân của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan cũng cho rằng 25 xe radar và 100 xe phóng dự kiến ​​sẽ được tổ chức thành 25 phân đội được trang bị 16 tên lửa. Theo phân tích của ông, việc mua vũ khí gần đây của Đài Loan phù hợp với chiến lược nhảy đảo mới của quân đội Mỹ, hình thành một chuỗi các đảo tên lửa, có thể kết nối các đảo nhỏ ở phía tây nam Nhật Bản để phong tỏa eo biển Miyako ở phía bắc và khống chế eo biển Bashi ở phía nam.

Số lượng lớn các tên lửa Harpoon sẽ giúp Đài Loan đẩy nhanh việc nâng cao khả năng tác chiến phi đối xứng (Ảnh:VOA).

Số lượng lớn các tên lửa Harpoon sẽ giúp Đài Loan đẩy nhanh việc nâng cao khả năng tác chiến phi đối xứng (Ảnh:VOA).

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan ngày 27 lập tức lên tiếng “bày tỏ lòng biết ơn” đối với Mỹ vì đã bán tiếp vũ khí phòng thủ theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” và “6 điều bảo đảm” để tăng cường khả năng phòng thủ tổng thể của Đài Loan. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết đây là lần thứ 9 kể từ khi lên nắm quyền và thứ 4 trong năm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump bán vũ khí cho Đài Loan; nhấn mạnh “đối mặt với sự bành trướng và khiêu khích quân sự của Đại Lục, Đài Loan sẽ đẩy nhanh việc nâng cao khả năng tác chiến phi đối xứng”.

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 27/10, đáng chú ý, trong một động thái rất hiếm thấy, lần này Quốc Dân Đảng đối lập ở Đài Loan đã có cùng lập trường với chính quyền của Đảng Dân Tiến trong vấn đề mua vũ khí Mỹ. Họ đáp lại những tuyên bố đe dọa của ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bằng cách trực tiếp đánh dấu tài khoản twitter của ông Triệu và đăng một thông điệp trên tài khoản Twitter của Quốc Dân Đảng bằng tiếng Anh “Triệu Lập Kiên, ông bị điên sao?” , “Nếu thực sự muốn giải quyết tranh chấp trên eo biển Đài Loan, chỉ có cách Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ việc sử dụng vũ lực để xâm phạm Đài Loan là xong!”.

Đài Loan hiện có 3 loại tên lửa Harpoon phóng từ tàu ngầm, phóng từ tàu mặt nước và phóng từ trên không. Sau khi nhận được lô tên lửa phóng từ bờ mới này, Đài Loan sẽ trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới mua được đầy đủ các loại tên lửa Harpoon.

Một phân tích khác chỉ ra rằng Đài Loan vừa mua được 64 hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS), 135 tên lửa tấn công không đối đất mở rộng AGM-84H và 400 tên lửa phóng từ bờ RGM-84L-4 block 2, kết hợp với tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu và cơ sở dữ liệu của tàu chiến Mỹ đã giúp Đài Loan có được hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển. Đây có thể coi là một bước tiến lớn của Mỹ trong việc biến Đài Loan thành “con nhím” (ý nói khó có thể đánh chiếm dễ dàng).

Một số thông số của tên lửa hành trình Harpoon RGM-84L-4 block 2: trọng lượng 540 kg; tầm bắn từ 200 đến 300 km. Nhà sản xuất: Boeing Defense, Space & Security. Hiệu suất nổi bật: xe phóng có thể mang 4 tên lửa và có thể tấn công các mục tiêu tàu mặt nước, ven bờ biển, bến cảng và trên đất liền.