Trang tin Warisboring mới đây có bài viết nhận định rằng Mỹ lâu nay không phát triển tên lửa liên lục địa đặt trên bệ phóng di động như Nga và Trung Quốc làm, là có lý do.
Từ hàng chục năm nay, Không lực Mỹ âm thầm nghiên cứu bố trí tên lửa liên lục địa trên các dàn phóng di động như xe tải chuyên dụng hoặc trên các toa tàu, nhưng vào tháng 4.2016, tạp chí hàng tháng Arms Control Today tại thủ đô Washington cho hay phải đến năm 2050 thì Mỹ mới có thể triển khai các bệ phóng di động dùng phóng tên lửa liên lục địa đời mới, khi loại tên lửa Minuteman III đã về hưu.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta biết đến chương trình bố trí tên lửa liên lục địa trên bệ phóng di động của Lầu Năm Góc, trong khi Liên Xô (nay là Nga) và Trung Quốc đã triển khai từ hồi chiến tranh lạnh. Tuy nhiên các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng việc bố trí tên lửa hạt nhân trên dàn phóng di động là ý tưởng sai lầm.
Lâu nay sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ gồm 3 chân: tên lửa liên lục địa phóng từ các hầm ngầm, tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm, và máy bay ném bom mang bom hạt nhân. Tên lửa phóng từ hầm ngầm và máy bay ném bom hạt nhân do Không lực Mỹ quản lý, tên lửa phóng từ tàu ngầm do Hải quân phụ trách.
Mỗi “chân” như vậy đều có mặt thuận lợi và bất lợi của nó.
Tên lửa liên lục địa khi bắn đi từ hầm ngầm thì khó mà đánh chặn, bay rất nhanh, nhưng các nước đều biết chính xác vị trí các hầm ngầm này. Tàu ngầm thì khó phát hiện được dưới lòng biển mênh mông, nhưng chúng mất hàng giờ hoặc nhiều ngày mới tiếp cận được khu vực triển khai tấn công. Oanh tạc cơ mang bom hạt nhân thì có thể nhìn thấy được và có tác dụng răn đe, khi xong nhiệm vụ thì quay về nhưng cũng có nguy cơ cao bị bắn hạ hoặc bị phá huỷ trên mặt đất.
Còn các bệ phóng di động thì có thể cơ động ở bất cứ nơi đâu trên mặt đất và phóng tên lửa nhanh hơn về thời gian so với máy bay ném bom hạt nhân hay tàu ngầm. Và cũng như tàu ngầm, các dàn phóng cơ động này rất khó dò tìm để phá huỷ. Nếu dò được thì cũng tốn nhiều tên lửa để tấn công chúng.
Trên thực tế Lầu Năm Góc đã nghiên cứu các bệ phóng di động này từ hàng chục năm qua và phát hiện chúng có nhiều điểm bất lợi. Bệ phóng cơ động đặt trên xe lửa mang tên lửa liên lục địa Peacekeeper và bệ phóng trên xe tải chuyên dụng mang tên lửa Midgetman đã được áp dụng thử vào những năm 1980, nhưng sau đó phải huỷ bỏ do sức ép ngân sách và ý kiến từ Quốc hội Mỹ.
Tên lửa liên lục địa trên bệ phóng di động của Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Lý do là bệ phóng di động tên lửa liên lục địa là rất đắt tiền so với bố trí trong hầm ngầm rẻ tiền hơn. “Phát triển tên lửa liên lục địa trên dàn phóng di động sẽ tốn hơn 80 tỉ USD trong 50 năm tới so với duy trì việc bố trí tên lửa ở các hầm ngầm (silo)”, theo bài viết trên Arms Control Today.
Bất lợi kế tiếp là mỗi dàn phóng di động như vậy, thực ra là 1 loại xe tải khổng lồ, nặng cỡ 100 tấn. Loại xe này phải có khả năng chịu phóng xạ, chịu các chấn động xung điện đối với thiết bị điện tử và bình xăng thì luôn đầy nhiên liệu dễ cháy và độc hại. Khi chúng không di chuyển, chính phủ phải cần những khu đất rộng lớn để giấu chúng, và dĩ nhiên phải hy sinh vấn đề bảo vệ môi trường.
Còn khi di chuyển, hầu như không cây cầu nào có thể chịu nổi sức nặng của 1 dàn phóng di động như thế. Vì vậy chúng khó cất giấu hơn và còn tạo ra nguy cơ cao khi sử dụng hệ thống giao thông dân sự.
Còn hầm phóng tên lửa hạt nhân thường bố trí xa khu dân cư và ít nguy hiểm hơn.
Bệ phóng di động thử nghiệm của loại tên lửa Midgetman của Không lực Mỹ thời chiến tranh lạnh, đã bị huỷ bỏ. Nay có tin Không lực Mỹ đang nghiên cứu phục hồi dự án này - Ảnh: Wikipedia |
Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga, có hiệu lực từ năm 2011, hạn chế triển khai các căn cứ bố trí bệ phóng di động phóng tên lửa liên lục địa và các cơ sở sản xuất, sửa chữa và bảo quản các bệ phóng này. Hiệp ước này tính ra sẽ phủ nhận lợi thế của các dàn phóng di động trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân, vì sẽ mất thời gian để điều động các xe chuyên dụng chậm chạp rời căn cứ trong khi các tên lửa hạt nhân đã bay tới gần.
Tóm lại bệ phóng tên lửa liên lục địa di động thì đắt hơn so với tên lửa hầm ngầm, ít khả năng tàng hình so với tàu ngầm và dễ bị tổn thương như máy bay ném bom, theo Arms Control Today.
Xem clip lý giải ưu và khuyết của tên lửa liên lục địa trên bệ phóng di động:
Theo Thanh Niên