Với tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự ngày một lớn, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thay đổi trật tự quốc tế theo cách thách thức trực tiếp vai trò truyền thống của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước năm 2000, Mỹ không có đối thủ cho vai trò người bảo đảm ổn định trong khu vực. Bức tranh ngày nay đã rất khác. Những cuộc khủng hoảng tài chính liên tục, hai cuộc xung đột quân sự không có hồi kết và một hệ thống chính trị nội bộ chia rẽ khiến vai trò của nước Mỹ bị coi là đang suy giảm.
Nhưng Trung Quốc có thể đang cường điệu vai trò của họ và tạo cơ hội cho Mỹ củng cố vai trò ở Thái Bình Dương. Trên thực tế, những hành động từ năm 2007 đến nay của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực như Nhật Bản, Philippines Hàn Quốc...gần với Mỹ hơn. Trung Quốc cũng kích thích các quốc gia trong ASEAN nghi ngờ khẳng định của Trung Quốc rằng họ đang trỗi dậy hòa bình.
Chính sách “Tái cân bằng châu Á” của chính quyền Barack Obama là nhằm tái khẳng định với các đồng minh và đối tác trong khu vực và khẳng định những lợi ích cũng như vai trò của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương. Với những lý do rất rõ ràng, chính quyền Obama biết rõ rằng, theo kinh nghiệm lịch sử, cường quốc đang trỗi dậy và đang thống trị sẽ xung đột với nhau.
Nhưng lịch sử cũng cho thấy đối đầu với Trung Quốc là điều có thể tránh khỏi. Mỹ và các đồng minh sẽ không chọc giận, và chắc chắn sẽ cố gắng hết mức để tránh xung đột quân sự với Trung Quốc. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ xác định đó là mục tiêu rõ ràng. Dù không có gì bảo đảm chắc chắn quan hệ hòa bình giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng những chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng có thể giảm khả năng xảy ra xung đột, và nếu xung đột xảy ra, sẽ hạn chế tổn thất và hậu quả.
Năm 2012, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ hồi đó là ông Tom Donilon đã làm sáng tỏ và củng cố quyết tâm của chính quyền Obama rằng sẽ tiếp tục tái cân bằng sang châu Á: Để theo đuổi tầm nhìn này, Mỹ đang triển khai một chiến lược đa chiều và toàn diện: củng cố các đồng minh; làm sâu sắc quan hệ đối tác với các cường quốc đang lên; xây dựng quan hệ ổn định, xây dựng và hiệu quả với Trung Quốc; tạo sức mạnh cho các thể chế khu vực; giúp xây dựng cấu trúc kinh tế khu vực nhằm duy trì thịnh vượng chung.
Mỹ rõ ràng đang chìa củ cà rốt để khuyến khích sự phát triển hòa bình trong khu vực. Dù đang có những tranh cãi về việc chính quyền Obama có thể làm tốt chiến lược tái cân bằng đến mức nào ở khía cạnh ngoại giao, kinh tế và thông tin, nhưng ý định của họ đã rất rõ ràng.
Không may là cho đến nay Mỹ vẫn chưa nói rõ trong thời gian tới lực lượng quân sự của họ sẽ đóng vai trò như thế nào trong tầm nhìn về sự thịnh vượng và an ninh ở khu vực. Đặc biệt, họ sẽ dùng cây gậy của mình như thế nào để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực bắt nạt các nước láng giềng. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể hiện một chiến lược quân sự mạch lạc để ngăn cản Trung Quốc và bảo đảm cho các nước đồng minh, bạn bè trong khu vực.
Một cuộc xung đột lớn giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy với Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ khó có khả năng xảy ra. Nhưng Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho thấy, ngay cả giữa những nước có liên kết kinh tế chặt chẽ với nhau cũng có thể đánh nhau. Điều quan trọng là Mỹ và các nước bạn bè ở châu Á đang nỗ lực để điều đó không tái diễn. Hơn nữa, kinh nghiệm rút ra từ quan hệ Mỹ - Liên Xô cho thấy xung đột xuất phát từ lựa chọn và có thể ngăn chặn được.
Trận chiến không-biển
Với lý do này, khái niệm “trận chiến không – biển” (AirSea Battle) khiến các nhà quan sát lo ngại. Được đưa ra năm 2010 bởi Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) Trận chiến không-biển: Khái niệm chiến dịch điểm xuất phát trong trường hợp xảy ra chiến tranh “không mong muốn” với Trung Quốc.
Các lực lượng Mỹ nên tấn công và các hệ thống giám sát và hệ thống phòng không tích hợp của Trung Quốc, sau đó thực hiện chiến dịch đánh bom ồ ạt vào các hệ thống tên lửa chống hạm và tên lửa đạn đạo đặt trên mặt đất của Trung Quốc nhằm “chiếm và duy trì thế chủ động trên vùng biển, vùng trời và không gian mạng”. Đưa ra đề xuất dưới dạng ý tưởng chứ không phải chiến lược, CSBA cũng cung cấp bản thiết kế để phát triển một thế hệ vũ khí trên không và trên biển mới.
Chiến lược không-biển ngay lập tức gây ra tranh cãi. Những người chỉ trích có thể được chia làm hai phe: một phe coi đó là sự gây hấn không cần thiết, còn một phe tin rằng đó chỉ là sự biện hộ để Hải quân và Không quân Mỹ nhận được nhiều tiền ngân sách quốc phòng hơn trong thời điểm đang có sự cạnh tranh gay gắt vì cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Việc “làm mù” các hệ thống giám sát mặt đất và trên không của Trung Quốc có thể hợp lý khi Trung Quốc có hành động thù địch, nhưng thật nguy hiểm khi mặc định một chiến dịch như vậy sẽ thành công trong thời đại nhan nhản khí cụ bay, máy bay không người lái giá rẻ và vệ tinh cỡ nhỏ.
Hơn nữa, một chiến dịch trên biển và trên không đủ sức tấn công các hệ thống tên lửa mặt đất và phòng không tích hợp của Trung Quốc sai lầm ở nhiều khía cạnh. Trước hết, đó là hành động gây hấn nguy hiếm. Quân đoàn pháo binh tên lửa thứ hai của Trung Quốc không chỉ kiểm soát các loại tên lửa mặt đất truyền thống mà còn sở hữu kho tên lửa hạt nhân mặt đất.
Một cuộc tấn công trực tiếp vào tổ chức kiểm soát lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh lãnh thổ và các lực lượng của Mỹ chưa bị tấn công sẽ khiến xung đột leo thang một cách không thể kiểm soát nổi. Trong khía cạnh này, dù được gọi là “ý tưởng chiến đấu”, Trận chiến không-biển theo mô tả bằng văn bản của CSBA cũng sẽ xâm phạm một cách bạo lực và trực tiếp vào lĩnh vực chính trị.
Trận chiến không-biển cũng không hiệu quả vì phải sử dụng những tài sản cực kỳ tốn kém của Mỹ để trực tiếp chống lại sức mạnh của Trung Quốc – nước sở hữu hệ thống phòng không mạnh và dày đặc. CSBA dựa vào năng lực của các lực lượng Mỹ để tìm và diệt các hệ thống tên lửa di động của Trung Quốc.
Đây là nhiệm vụ khó khăn, đặt biệt từ khi Mỹ thất bại cay đắng trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Theo Khảo sát Sức mạnh không quân vùng Vịnh, các lực lượng không quân Iraq thực hiện 42 vụ phóng tên lửa Scud, nhưng lực lượng liên quân Mỹ chỉ có thể thả bom 8 lần vào các mục tiêu họ xác định được.
Các tác giả cho rằng những xe cộ thương mại trên đường cao tốc làm tên lửa khó trúng đích hơn. Tuy nhiên, Đặc nhiệm Không quân Anh cho biết những người quan sát dưới mặt đất nhìn thấy tên lửa được phóng cách đó 30 dặm. Nói ngắn gọn, quân Iraq phóng những tên lửa lớn hơn từ một vùng sa mạc tương đối thoáng đãng. Ngoài ra, lực lượng liên quân Mỹ có lợi thế tuyệt đối, chưa kể hàng trăm máy bay có thể tấn công tự do khắp cả nước. Nhưng kết luận của cuộc khảo sát là: “Không có bằn chứng không thể chối cãi nào cho thấy các bệ phóng di động Scud của Iraq bị máy bay của lực lượng Mỹ phá hủy”.
Dù có nhiều nỗ lực lớn trong việc huy động hàng ngàn vũ khí mặt đất và trên không, lực lượng đồng minh vẫn không thể tiêu diệt hệ thống tên lửa nào của Iraq, trong khi Iraq phải mất ít nhất 30 phút để chuẩn bị, nạp nhiên liệu và phóng. Vì thế, các lực lượng trên không của Mỹ khó có thể làm tốt hơn khi nhằm vào các mục tiêu của Trung Quốc trong môi trường phức tạp, được canh giữ cẩn mật như Trung Quốc hiện nay. Những hệ thống này có thể được giấu trong ga-ra ô tô, các tòa nhà đang xây dựng, hang động hoặc đường hầm.
Có hàng ngàn những nơi như vậy để cất giấu, trú ẩn binh lính, vũ khí. Các bệ phóng tên lửa cũng có thể ngụy trang thành xe thương mại để di chuyển sang địa điểm khác. Hơn nữa, các hệ thống sử dụng nhiên liệu rắn tốn ít thời gian phóng hơn tên lửa Scud dùng nhiên liệu lỏng. Dù có cơ hội thành công, Mỹ cũng sẽ phải duy trì lượng máy bay đủ để kiểm soát không phận Trung Quốc để phát hiện tên lửa di chuyển vào vị trí bắn và triển khai vũ khí trong một khoảng thời gian.
(còn tiếp)
* Tác giả T. X. Hammes là nghiên cứu sinh ở Đại học Quốc phòng Mỹ và D. Hooker, Jr. là Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia tại Đại học Quốc phòng Mỹ.