Thừa Thiên - Huế
Thừa Thiên - Huế

E-magazine Vì sao một tỉnh nhỏ như Thừa Thiên - Huế luôn dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT?

VietTimes – "Bí kíp" giúp Thừa Thiên - Huế luôn ở vị trí top đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong hoạt động hành chính công đã được chia sẻ qua góc nhìn của ông Nguyễn Dương Anh - Giám đốc Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh Thừa Thiên - Huế.  

Phải nói rằng Thừa Thiên - Huế là một địa phương gây ấn tượng mạnh với giới làm CNTT cả nước. Là một tỉnh có diện tích nhỏ nhưng Thừa Thiên - Huế đã rất coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng đô thị thông minh. Chỉ số Chính phủ điện tử của tỉnh này (do Bộ TT&TT công bố) luôn dẫn đầu cả nước (năm 2017 xếp thứ nhất, năm 2018 xếp thứ 2 và năm 2019 xếp thứ nhất).

"Bí kíp" nào giúp Thừa Thiên - Huế đạt được những thành công như vậy. Cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Dương Anh - Giám đốc Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh (Hue IOC)  - đã phần nào làm sáng tỏ điều này. Được biết, mới đây ông Nguyễn Dương Anh đã đại diện cho Trung tâm Hue IOC nhận giải thưởng Sao Khuê 2020 cho dịch vụ "Giải pháp phản ánh hiện trường".  


11 dịch vụ đô thị thông minh đang được triển khai


PV: Trong vài năm nay, Thừa Thiên - Huế là một tỉnh thành luôn đứng đầu cả nước trong ứng dụng CNTT vào hoạt động hành chính công. Ông có thể giới thiệu một vài dịch vụ có ứng dụng công nghệ mà Tỉnh đã triển khai thành công?

Ông Nguyễn Dương Anh: Các dịch vụ công có ứng dụng CNTT (dịch vụ đô thị thông minh) của Tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, cụ thể nhất là sự tham gia đông đảo của người dân. Người dân bắt đầu nhận biết được những lợi ích của dịch vụ đô thị thông minh nói riêng và của ứng dụng CNTT nói chung. Người dân thực sự cảm thấy họ là đối tượng được nhà nước phục vụ qua việc tạo ra những cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về kinh doanh.

Thừa Thiên - Huế hiện nay đang triển khai 11 dịch vụ đô thị thông minh. Trong các dịch vụ này nổi bật nhất có “Hệ thống phản ánh hiện trường”. Trọng tâm của "Hệ thống phản ánh hiện trường" là ghi nhận và xử lý một cách sớm nhất các phản ánh của người dân, giái quyết một cách nhanh nhất những mong muốn và bức xúc của họ trong hoạt động thường nhật. Người dân có thể dùng hệ thống này để thông tin đến cho UBND tỉnh. Bộ phận tiếp nhận phản ánh của UBND tỉnh (Hue IOC) sẽ xử lý bằng phần mềm trên mạng, sau đó chuyển cho các cơ quan liên quan để giải quyết cho người dân. Trong giai đoạn Covid-19, hệ thống đã nhận được rất nhiều yêu cầu của người dân.

Khởi phát của “Hệ thống phản ánh hiện trường” vốn là một dịch vụ đi kèm với chương trình “Chủ nhật Xanh”, với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một tỉnh Xanh, Sạch, Sáng. Đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh - là người đưa ra sáng kiến này. Ban đầu chỉ là phản ánh các vấn đề về môi trường. Sau đó khi người dân đã hài lòng với những vấn đề về môi trường thì họ lại có nhu cầu phản ánh các vấn đề khác. Vì vậy, hiện nay “Hệ thống phản ánh hiện trường” ghi nhận các phản ánh rất đa dạng. Bất cứ vấn đề nào người dân bức xúc, phát hiện thấy có bất cập thì đều có thể phản ánh qua hệ thống để Tỉnh rà soát và giải quyết.

ông Nguyễn Dương Anh nói về "Giải pháp phản ánh hiện trường"

Hệ thống thứ hai tôi muốn đề cập đến là “Hệ thống giám sát dịch vụ công” cùng với việc vận hành hệ thống cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đa cấp (tỉnh, huyện, xã).

Các hệ thống này đã có tài khoản doanh nghiệp điện tử, tài khoản công dân điện tử, có hồ sơ điện tử đi kèm các tài khoản đó. Các giao dịch, xử lý hồ sơ, thủ tục dịch vụ công đều được thực hiện trên môi trường mạng. Các doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích của hệ thống này, đặc biệt khi hồ sơ nộp trực tuyến của họ được giải quyết rất nhanh.

Hệ thống giám sát dịch vụ công và Hệ thống dịch vụ công có cùng hai mục tiêu: thứ nhất là nâng cao chất lượng giải quyết công việc của cán bộ và các cơ quan, thứ hai là giám sát được quá trình giải quyết đó. Người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi được từng bước cơ quan nhà nước đang xử lý dịch vụ công. Họ được phản ánh và đánh giá mức độ hài lòng, mọi thủ tục được minh bạch hóa, người dân thực sự được phục vụ, nên hệ thống này có hiệu ứng lan tỏa rất tốt.

ông Nguyễn Dương Anh phát biểu tại Hội thảo về Bảo vệ Quyền dữ liệu cá nhân
ông Nguyễn Dương Anh phát biểu tại Hội thảo về Bảo vệ Quyền dữ liệu cá nhân 

Thứ ba là các hệ thống giám sát đô thị thông qua cảm biến camera. Đây không phải là việc ứng dụng một công nghệ mới, nhưng Thừa Thiên - Huế có một cách làm riêng biệt. Theo quy hoạch là tỉnh sẽ lắp đặt 1.500 camera, hiện đã lắp được gần 500 chiếc tại các địa điểm đã được đầu tư và kết nối camera xã hội. Tỉnh cũng có quan điểm “camera nối dài” – biến mỗi camera trên điện thoại di động của người dân thành camera của hệ thống – giúp người dân nhanh chóng phản ánh mọi vấn đề thường nhật. Thông tin sẽ được chuyển về Trung tâm Hue IOC để lưu trữ, xử lý.

Hệ thống camera giám sát đã giúp giải quyết nhiều vấn đề cho người dân và doanh nghiệp. Ban đầu là những vấn đề về trật tự an toàn giao thông. Người dân bây giờ đã có ý thức tham gia giao thông tốt hơn. Những vi phạm trước đây gần như là hiển nhiên thì giờ đã được chấn chỉnh. Mục đích cũng là để đảm bảo cho người dân được an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Hệ thống camera này còn hỗ trợ giám sát trật tự đô thị. Đường phố xanh sạch hơn, các hộ kinh doanh bán hàng đúng vị trí, khu vực. Những hiện tượng như lấn chiếm vỉa hè của người đi đường, kinh doanh sai quy định, hàng rong, xả rác bừa bãi đã được xử lý và cải thiện rất nhiều.

Nhưng hệ thống camera này không chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước. Vừa qua có những vụ việc người dân phản ánh qua hình thức điện báo, chụp ảnh gửi trên Hue-S, mà họ thấy có những vụ việc đó vẫn tái diễn. Họ đã đề nghị chính quyền tỉnh lắp đặt camera ở chỗ đó để phục vụ cho họ, nên câu chuyện bây giờ không phải là lắp camera để giám sát người dân mà để phục vụ cho người dân. Đó cũng là một giải pháp mà Thừa Thiên - Huế đang phát huy hiệu quả.

PV: Đối với “Hệ thống phản ánh hiện trường”, số lượt phản ánh được thống kê là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Dương Anh: Từ đầu năm 2019, khi hệ thống này được triển khai, số lượng phản ánh chưa nhiều. Nhưng qua một năm rưỡi hoạt động, cho đến nay, Hệ thống đã tiếp nhận 14.000 phản ánh. Những phản ánh này đã kéo theo sự tham gia của hơn 186 cơ quan, trong đó có những cơ quan chuyên môn của chính quyền, cơ quan TW trên địa bàn, kể cả các khu vực doanh nghiệp, dân sự. Khi phát sinh vụ việc của cơ quan nào, Tỉnh yêu cầu các cơ quan đó tham gia vào hệ thống để xử lý cho người dân. Tỷ lệ xử lý bị quá hạn chỉ là 1,5% - đây là một tỷ lệ giải quyết rất tốt, thấu đáo và triệt để.

ông Nguyễn Dương Anh trả lời phỏng vấn báo chí
ông Nguyễn Dương Anh trả lời phỏng vấn báo chí

Tỉnh đã có Quyết định số 75/2018/QĐ-UBND ngày 29/12/2018 ban hành quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tỉnh Thừa Thiên Huế – một văn bản quy phạm pháp luật, hình thành một quy trình để giúp cho Trung tâm Hue IOC phối hợp được với các đơn vị giải quyết cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xử lý là 80%. Người dân giờ đây đã có thể phản ánh những vấn đề nóng, khó, bức xúc, nhạy cảm. Nỗ lực của chính quyền để giải quyết cũng rất tốt. Con số 20% còn lại là sự kỳ vọng của người dân, mong muốn chính quyền giải quyết tốt hơn nữa. Tôi cho rằng 80% là một con số ấn tượng.


Đề án 325 tỷ, chính quyền đầu tư phần cốt lõi, hai phần ba kinh phí từ xã hội hóa

PV: Việc ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ công của tỉnh có tốn nhiều chi phí không khi chúng ta đều biết rằng Thừa Thiên - Huế là một tỉnh có diện tích nhỏ, ngân sách không nhiều?

Ông Nguyễn Dương Anh: Theo hiểu biết của tôi thì phần chi phí cấp cho việc này không cao, những năm trước đây chỉ khoảng gần 10 tỷ/năm cho tổng thể các hoạt động triển khai, ứng dụng CNTT. Gần đây, đề án phát triển các dịch vụ đô thị thông minh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 đã được công khai, được HĐND thông qua và UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án với tổng kinh phí là 325 tỷ, trong đó phần xã hội hóa chiếm phần lớn, phần ngân sách Tỉnh bỏ ra chỉ khoảng một phần ba – xung quanh 111 tỷ. Quan điểm của tỉnh là ngân sách phải được dùng hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tỉnh, với các hướng đi như sau:

Thứ nhất, chính quyền sẽ đầu tư phần cốt lõi, tạo ra chuẩn để kết nối với phần xã hội hóa. Như vậy tỉnh sẽ huy động được sự tham gia của xã hội nhưng vẫn vận hành cái khung thiết yếu.

Đề án 325 tỷ của Thừa Thiên - Huế
Thứ hai, đầu tư hạ tầng dùng chung, dữ liệu tập trung. Chẳng hạn như phần mềm một cửa điện tử. Đây là phần mềm mà tỉnh có thể dùng được, các Sở có thể dùng được, các huyện xã cũng dùng chung được. Với cách đầu tư như vậy thì chi phí đầu tư của một gói sẽ cao nhưng chia ra nhiều đơn vị sử dụng thì chi phí rất nhỏ. Cách làm như vậy cũng đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống khi triển khai, vận hành. 

Trên quan điểm như vậy, việc đầu tư qua nhiều năm mặc dù không cao nhưng hiệu quả vận hành của các hệ thống khá tốt. Cụ thể nhất là các chỉ số về công nghệ thông tin - truyền thông của tỉnh luôn luôn ở trong top 5 tính trên phạm vi cả nước.       

PV: Ở nước ngoài, vấn đề quyền riêng tư dữ liệu cá nhân luôn được đặt lên hàng đầu. Như ông chia sẻ ở trên, Huế đã lắp đặt 500 camera và sắp tới còn nhiều hơn thế nữa. Liệu việc lắp đặt camera để giám sát người dân thế có vi phạm gì đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân hay không? Chính quyền làm thế nào để dung hòa được quyền giám sát của tỉnh với quyền riêng tư cá nhân?

Ông Nguyễn Dương Anh: Đứng trên quan điểm của người vận hành hệ thống này, tôi thấy có hai điểm cần phải nêu rõ:

Thứ nhất, đối với cơ chế để vận hành hệ thống thì việc bảo vệ, quản lý, khai thác dữ liệu là điều được Tỉnh quan tâm. Bảo vệ dữ liệu cũng là tránh các sự cố rò rỉ có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo khai thác sử dụng dữ liệu đúng mục đích.

Thứ hai, khi thu thập dữ liệu liên quan đến người dân thì không phải là dữ liệu nào của người dân cũng thu thập. Chẳng hạn về trật tự an toàn giao thông thì chỉ những xe máy hoặc xe ô tô nào vi phạm thì camera mới ghi và lưu lại hình ảnh và clip. Hoặc một đám đông nào gây lộn xộn, đánh nhau thì mới ghi lại để phục vụ cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc chứ Tỉnh không có quan điểm là lưu hết toàn bộ dữ liệu của camera. Nếu lưu toàn bộ thì có thể gây nghi ngại cho người dân, đồng thời một khối lượng lớn dữ liệu có thể gây thừa và quá tải cho hệ thống.

Giám đốc Hue IOC nói về hệ thống camera giám sát và quyền riêng tư của người dân

Tất cả hướng đi trên Tỉnh đã pháp lý hóa, đã đưa vào quy trình và triển khai trên thực tế. Các quy trình đều công khai để người dân biết và an tâm. Đôi lúc chính người dân cũng yêu cầu chính quyền phải dùng camera để theo dõi một số khu vực mà mục đích của việc theo dõi đó là để đảm bảo cho chất lượng cuộc sống của họ tốt hơn.

PV: Như lúc trước ông đã đề cập, Thừa Thiên - Huế chú trọng phát triển các dịch vụ đô thị thông minh. Tại sao Huế lại không hướng tới phát triển một mô hình thành phố thông minh đầy đủ khi mà đây là một xu hướng đang gia tăng ở nhiều nước Đông Nam Á. Được biết, Việt Nam gần đây cũng đã có 3 thành phố tham gia vào sáng kiến xây dựng thành phố thông minh Đông Nam Á là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM?

Ông Nguyễn Dương Anh: Ở đây không nên hiểu là Thừa Thiên - Huế không phát triển thành phố thông minh hay đô thị thông minh. Cách hiểu của Tỉnh về đô thị thông minh chính là phát triển các dịch vụ thông minh để giúp cho chính quyền vận hành bộ máy của mình phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, Thừa Thiên – Huế là chính quyền cấp tỉnh. Khi chúng ta nói đến thành phố thông minh hay đô thị thông minh, để tránh cho người ta hiểu nhầm là tại sao một thành phố lại áp cho một chính quyền cấp tỉnh thì việc dùng thuật ngữ “dịch vụ đô thị thông minh” là nó dung hòa được hai yếu tố: quy mô triển khai dịch vụ và nội hàm của nó, thực chất là triển khai những dịch vụ, công tác quản trị thông minh của chính quyền hướng đến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.