Trên trang Lensrentals, một người cho biết anh vừa nhận lại ống kính Canon 70-200 mm f2.8 IS II sau hợp đồng cho thuê máy kèm theo "quà tặng" là 1 con ruồi đã chết bên trong.
Chính xác như thế nào con ruồi vào được bên trong thực sự là điều bí ẩn. Các kỹ thuật viên phải mất một giờ để tháo rời ống kính trước khi đến được lớp thấu kính là nơi an nghỉ cuối cùng của con ruồi.
Mất thêm 45 phút nữa để dọn sạch mọi thứ con ruồi bỏ lại, bao gồm phân, ruột khô vì con côn trùng đã bị nghiền nát giữa một cặp kính di chuyển trong lúc zoom.
Các kỹ thuật viên tại Lensrentals nghi ngờ con ruồi lọt vào ống kính qua đâu đó xung quanh vách ngăn phía sau (gần nơi ống kính gắn với máy ảnh). Nhưng với kích thước nhỏ của các khoảng trống trong khu vực đó, rất có thể nó đã lọt vào ống kính khi vẫn còn ở giai đoạn giòi, trải qua "thời niên thiếu" bị mắc kẹt trong một mê cung giữa các bộ phận chuyển động. Song làm thế nào nó có đủ thức ăn để tồn tại lại là một bí ẩn khác.
Chi phí ước tính cho việc cho việc tốn hàng giờ tháo gỡ, làm sạch, lắp lại và hiệu chỉnh ống kính vào khoảng 369 USD. Nhưng đây cũng là ví dụ tuyệt vời cho việc bạn không nên quá lo lắng nếu lỡ một hạt bụi nhỏ xuất hiện trong ống kính.
Ảnh thử nghiệm ở trên được chụp trong khi con ruồi vẫn bị dính vào lớp thủy tinh bên trong ống kính. Bạn có thấy bất kỳ dấu hiệu nào của nó không? Cho đến khi khép khẩu độ xuống f /13, lúc đó một bóng đen của con ruồi mới bắt đầu xuất hiện.
Bụi bẩn là một phần không thể tránh khỏi của nhiếp ảnh, ngay cả khi bạn chỉ chụp trong nhà. Đôi khi bạn sẽ gặp phải một số vấn đề (hãy cẩn thận mỗi khi cảm biến máy ảnh bị lộ ra trong quá trình thay ống kính), song cũng thật ngớ ngẩn nếu cứ giữ cho kĩ thiết bị và không bao giờ sử dụng nó.
"Một vết nhòe nhỏ trên ảnh sẽ tốt hơn là bỏ lỡ một bức ảnh đáng nhớ", tờ Gizmodo bình luận.