Thông tin trên được Ths. Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết tại hội nghị đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm về đánh giá hồ sơ kinh tế dược trong xây dựng chính sách thuốc BHYT" do Bộ Y tế cùng Hội Khoa học Kinh tế y tế tổ chức sáng nay, 26/11.
Xem xét, đánh giá kỹ thuốc trong danh mục BHYT
“Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30 về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung cấp báo cáo đánh giá tác động lên ngân sách, khuyến khích thực hiện nghiên cứu kinh tế dược để xem xét, bổ sung thuốc mới vào danh mục do BHYT chi trả, chỉ định thuốc trong điều trị,… Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Thông tư này, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về đánh giá, phân tích kinh tế dược.” - TS. Hà Văn Thúy – Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế nói.
TS. Hà Văn Thúy phát biểu khai mạc hội nghị
|
Thời gian qua, Vụ BHYT đã phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế y tế, các trường đại học, các chuyên gia về kinh tế y tế trong nước và quốc tế đưa ra bộ tiêu chí đánh giá kinh tế dược và lựa chọn thuốc. Sau khi bộ tiêu chí này được hoàn thiện, việc lựa chọn thuốc trong danh mục BHYT bắt buộc phải có đánh giá, nghiên cứu chi phí và hiệu quả, đồng thời, xem xét thuốc mới được sử dụng có ảnh hưởng như thế nào đến ngân sách của BHYT nói riêng và ngành y tế nói chung.
Còn nhiều mâu thuẫn?
Chia sẻ về vấn đề thu – chi BHYT, Ths. Vân cho hay: “Thực tế, mâu thuẫn trong thu – chi BHYT đã xuất hiện ở các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, quỹ BHYT có giới hạn nhất định, nên việc chi trả BHYT cho người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do già hóa dân số, công nghệ y tế phát triển nhanh, khiến người dân có nhu cầu được tiếp cận với nhiều thuốc mới, vật tư y tế hiện đại trong quá trình khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các yếu tố tăng thu quỹ BHYT (bao phủ BHYT, mức đóng BHYT của người dân, tăng trưởng kinh tế) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chi trả BHYT.”
Ths. Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam)
|
Ngoài mâu thuẫn tồn tại trong thu – chi BHYT, quá trình quản lý, thanh toán thuốc, vật tư y tế cũng có nhiều bất cập. Đó là tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc cao, không đồng đều giữa các cơ sở khám, chữa bệnh; nhiều thuốc biệt dược gốc có giá cao so với thuốc generic nhóm 1; giá thuốc vật tư y tế chênh lệch lớn giữa các hãng sản xuất.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đánh giá công nghệ y tế là công cụ hữu hiệu trong việc ra quyết định chi trả BHYT. Bởi đánh giá công nghệ y tế sẽ đưa ra các bằng chứng về chi phí, hiệu quả của thuốc, tỷ lệ chi trả, điều kiện thanh toán để đảm bảo tính hiệu quả, công bằng. Từ đó, xác định rõ đối tượng chi trả BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Theo TS. Gregory O’Toole – nguyên Giám đốc Đánh giá Công nghệ Y tế của Hội đồng tư vấn Dược Quốc gia Úc, trong chương trình BHYT (PBS) tại Úc, giá thuốc sẽ bằng nhau khi thuốc có hiệu quả tương tự; nếu 2 thuốc trở lên nộp hồ sơ trong cùng một đợt với cùng một chỉ định thì thuốc có giá thấp nhất sẽ được lựa chọn.
Ngoài ra, không có mảng điều trị nào được ưu tiên so với các mảng còn lại – thuốc hen cũng được xét giống như thuốc ung thư, thuốc đái tháo đường, thuốc đa xơ cứng,… Cùng với đó, quá trình lựa chọn thuốc so sánh – thuốc có nhiều khả năng bị thay thế cần được cân nhắc kỹ. Bởi chọn sai thuốc so sánh dễ dẫn đến khả năng đánh giá cao hoặc thấp hơn giá trị thật của thuốc.
TS. Gregory O’Toole – nguyên Giám đốc Đánh giá Công nghệ Y tế của Hội đồng tư vấn Dược Quốc gia Úc chia sẻ kinh nghiệm
|
Ths. Vũ Nữ Anh – chuyên viên Vụ BHYT cũng cho hay, về cơ bản, các loại thuốc được cân nhắc dựa trên hiệu quả lâm sàng về lợi ích sức khỏe, những biến cố bất lợi, các chi phí,… Một loại thuốc được coi là đạt chi phí hiệu quả khi lợi ích sức khỏe lớn hơn các chi phí cơ hội phải bỏ ra để chi trả cho thuốc và phù hợp với quỹ BHYT tại Việt Nam.