Con số 21 người nhiễm giun rồng ở Việt Nam chưa phải là con số cuối cùng, mà tới đây, có thể sẽ còn xuất hiện thêm những bệnh nhân mới. Đó là ý kiến của PGS.TS. Đỗ Trung Dũng - Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sau khi VietTimes đăng bài đăng bài “Báo động về bệnh giun rồng nguy hiểm xuất hiện ở Việt Nam”.
Theo PGS.TS. Đỗ Trung Dũng, bệnh giun rồng có tên khoa học là Dracunculiasis, là bệnh ký sinh trùng do giun thuộc giống Dracunculus gây nên. Dracunculus đã được biết đến ở Ai Cập vào đầu thế kỷ 15 trước công nguyên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bệnh giun rồng thuộc nhóm bệnh nhiệt đới bị lãng quên và là bệnh ký sinh trùng đầu tiên được hướng việc thanh toán trên toàn cầu.
PGS.TS. Đỗ Trung Dũng thông tin thêm: Giun rồng cái trưởng thành tròn và dài, có chiều dài 70-120 cm và chiều rộng 1–1,7 mm. Giun đực rất ngắn, chỉ dài khoảng 4 cm. Giun cái chứa khoảng 3 triệu ấu trùng.
Người và động vật bị nhiễm giun rồng thường do uống nước hoặc ăn thức ăn có chứa động vật chân đốt (giáp xác) như ăn sống cá, ếch, bị nhiễm ấu trùng giun rồng. Ấu trùng phát triển thành con giun trưởng thành trong cơ thể người. Sau khi giao phối, con đực chết, con cái di chuyển trong các mô dưới da và tiến sát bề mặt da.
Khoảng sau 1 năm lây nhiễm, giun cái gây ra vết sưng tấy trên da (thường ở chân) rồi vỡ ra chảy dịch. Ấu trùng có trong dịch tiết ra tại vết thương hoặc ấu trùng được thải ra từ giun trưởng thành ở trong nước, bị giáp xác nuốt.
Ấu trùng giun rồng sống tự do trong nước từ 3-6 ngày. Ấu trùng giun bị bọ chét nước ăn phải, có thể sống trong bị chét nước 14 ngày ở nhiệt độ 260 độ C và phát triển thành ấu trùng giai đoạn 3 có khả năng lây nhiễm. Đáng chú ý khi ấu trùng giai đoạn 3 của giun có thể tồn tại 8 tháng trong mô của cá. Đặc biệt, rất khó phát hiện ấu trùng giun trong nước.
Ai có nguy cơ lây nhiễm?
Theo chuyên gia, bất kỳ ai uống nước từ ao hồ hoặc nguồn nước tù đọng có bọ chét nước nhiễm ấu trùng giun rồng, ăn cá, ếch… có chứa ấu trùng giun chưa nấu chín, đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Những người sống ở các vùng có bệnh nhân bị bệnh giun rồng hoặc có động vật bị nhiễm giun rồng cũng có nguy cơ nhiễm cao.
Khi giun xuất hiện ở mô dưới da, con cái tiết ra một số hóa chất độc hại có thể dẫn đến buồn nôn, phát ban tại chỗ, tiêu chảy, chóng mặt, phù nề cục bộ, sẩn đỏ, phồng rộp và ngứa. Bệnh nhân có thể bị viêm khớp hoặc liệt nửa người, có thể do bị vôi hóa trong hoặc dọc theo khớp, trên đường vào mô thần kinh trung ương. Áp xe vô trùng và sưng nang cũng có thể xảy ra khi giun vỡ ra, gây ra phản ứng viêm cấp tính.
Dấu hiệu nhận biết bệnh giun rồng
Dường như không thể phát hiện bệnh này sớm vì người bị nhiễm giun rồng không có triệu chứng trong khoảng 1 năm.
Nhưng khi con giun cái bắt đầu di chuyển trong các mô dưới da, bệnh nhân sẽ bị sốt nhẹ, chóng mặt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn đỏ, tê cứng và ngứa tại chỗ giun khu trú. Khi nó di chuyển qua các mô dưới da, đặc biệt là ở khớp, bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội.
Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện những vết phồng rộp trên da, hầu hết ở phần thân dưới và lớn dần, gây đau rát. Chỉ vài ngày sau, vết sưng tấy vỡ, tiết ra dịch vàng nhạt và đây là nơi con giun chui ra ngoài. Nếu không có tác động thì con giun thường tự chui ra ngoài hoàn toàn sau 3-6 tuần.
Có một điều đáng lưu ý là bệnh nhân thường tìm cách giảm bớt đau rát bằng cách ngâm chỗ bị nhiễm bệnh vào nước, khiến giun co lại ở đáy vết loét và phóng ra hàng trăm nghìn ấu trùng vào nước.
Một số bệnh nhân tự kéo nhưng làm đứt nửa chừng, làm cho ấu trùng giun và các chất độc lây lan, khiến tình trạng viêm nhiễm trầm trọng hơn, có thể dẫn đến biến chứng như nhiễm trùng huyết hoặc uốn ván, thậm chí gây tàn tật vĩnh viễn nếu khớp bị nhiễm trùng.
Bệnh giun rồng cũng khiến bệnh nhân ốm kéo dài trong nhiều tháng, do phù nề đau đớn, ngứa toàn thân dữ dội, phồng rộp và loét ở nơi giun xuất hiện. Sự di chuyển của giun ở khớp sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn.
Ngoài ra, các vết loét do giun xuất hiện sẽ trở thành các bệnh nhiễm khuẩn thứ cấp, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và đau, dẫn đến tàn tật. Nếu không may làm vỡ giun trong các mô không gian, dễ dẫn đến các dị ứng nghiêm trọng.
Chỉ có thể xác định bệnh giun rồng nếu tìm thấy giun từ ổ áp xe, hay soi thấy có ấu trùng giun trong dịch thải của giun hoặc từ con giun; hoặc thấy khi chụp X-quang của một con giun đã bị vôi hóa.
Cần làm gì khi mắc bệnh giun rồng?
PGS. Dũng khẳng định không có thuốc để điều trị đặc hiệu bệnh giun rồng. Vì thế, chỉ có cách là khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy thì dùng một que tròn lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài, mỗi ngày kéo được vài cm (không kéo mạnh tránh làm đứt con giun). Đôi khi toàn bộ con giun có thể được lôi ra trong vài ngày, cũng có khi mất vài tuần.
Tuyệt đối không chích rạch dài vết thương theo thân giun để cố lấy giun ra ngoài. Hàng ngày, ngâm chỗ bị tổn thương do giun trong thùng nước sạch, để tác động cho nhiều giun chui ra ngoài.
Nếu một phần của con giun vẫn ở trong cơ thể, dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến các biến chứng. Bệnh nhân cần điều trị nội khoa sử dụng các thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau, giảm phù nề.
Bác sĩ lưu ý người bệnh không chỉ đau do phồng rộp, mà quá trình lấy giun ra cũng rất đau. Chưa kể, vết thương thường bị nhiễm trùng làm sưng, áp xe, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm
“Không có vắc xin để phòng bệnh giun rồng”, PGS. Dũng lưu ý và cho biết cách phòng duy nhất chỉ là thực hiện ăn chín uống sôi, ăn sạch uống sạch, không uống nước ở nguồn nước tự nhiên không an toàn, nếu uống thì phải được lọc và nấu chín. Ngoài ra, người dân cần nấu chín kỹ cá, ếch và các động vật thủy sinh khác trước khi ăn; Chôn hoặc đốt phần ruột cá, ếch còn sót lại sau quá trình chế biến cá, không cho chó ăn cá hoặc động vật thủy sinh sống, hoặc nấu chưa chín.
PGS. Dũng cũng lưu ý: Những người mắc giun rồng không được rửa tại ao hồ hoặc các nguồn nước khác để tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường, đồng thời, điều trị, làm sạch và băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy giun hoàn toàn ra khỏi cơ thể.
Bệnh gây ra đau đớn và tàn tật, khiến những người mắc bệnh trở thành gánh nặng kinh tế và gánh nặng xã hội bị ảnh hưởng.
Người lớn mắc bệnh có thể không tự làm việc và chăm sóc bản thân được. Trẻ em bị bệnh giun rồng cũng có thể không được đi học. Do đó, bệnh vừa là nguyên nhân của nghèo đói và vừa hậu quả mà nó gây ra.
"Sẽ có thêm người mắc bệnh giun rồng"
Dự báo tình hình bệnh giun rồng ở Việt Nam, PGS. Dũng cho biết trong khi số người mắc giun rồng trên thế giới chỉ còn khoảng 30 bệnh nhân tại 5 nước châu Phi và chương trình thanh toán bệnh này của WHO đã rất thành công trên toàn cầu, thì năm 2020 - 2023 Việt Nam lại xuất hiện bệnh giun rồng tại các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hoá.
Đây là dấu hiệu báo động sự xuất hiện những ca bệnh hiếm gặp lần đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Vì thế, WHO rất quan tâm đến tình hình bệnh này tại Việt Nam.
Tại sao thế giới đã gần thanh toán bệnh giun rồng, thì Việt Nam lại xuất hiện? PGS. Dũng giải thích do tập quán, thói quen ăn các thực phẩm, thức ăn sống hoặc chưa nấu chín đặc biệt là gỏi cá, cá nhảy, gỏi sinh cầm, uống nước chưa nấu chín, chưa lọc ở các vùng dịch tễ của bệnh sán lá gan nhỏ.
"Chúng tôi nhận định sẽ còn xuất hiện thêm các trường hợp bệnh trên nhiều tỉnh thành có các thói quen này. Đây là vấn đề đáng báo động trên cả nước", Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương nói.
Việt Nam được WHO cấp chứng nhận không có bệnh nhân bị bệnh giun rồng từ năm 1998. Nhưng bất ngờ, năm 2020 đã phát hiện 4 bệnh nhân, đều là nam, mắc giun rồng gồm:
- Nam thanh niên 23 tuổi tại xã Phúc Ninh, Yên Bình, Yên Bái đã điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tháng 5 năm 2020.
- Bệnh nhân nam 35 tuổi ở thôn Dụt Dâng, xã Thạch Kiệt, Tân Sơn, Phú Thọ đã điều trị tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương 9/2020.
- Một người đàn ông 36 tuổi tại thôn Làng Chạp (thôn 2), xã Khánh Hoà, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Yên vào tháng 11/2020.
- Trường hợp thứ 4 là bệnh nhân nam, 58 tuổi, thôn Thu Vi, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá đã điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vào tháng 12/2020.
Đến 12/2023, cả nước đã phát hiện 21 người nhiễm giun rồng.