CTCP Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã CK: VEA) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019 trên cổng thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình kế hoạch doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ VEAM chỉ bằng 82% so với thực hiện năm 2018 đạt 2.398 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu tài chính được đặt kế hoạch ở mức 7.243 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Bên cạnh đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ VEAM năm 2019 cũng được đặt ở mức 6.402 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận đạt 48,2%.
Được biết, năm 2018, cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch doanh thu cho Công ty mẹ VEAM ở mức 3.539 tỷ đồng đối với doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ và 5.137 tỷ đồng từ doanh thu tài chính.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Công ty mẹ VEAM mới chỉ hoàn thành được 82% kế hoạch doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ với giá trị lũy kế đạt 2.927 tỷ đồng. Ở chiều hướng ngược lại, doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2018 lại vượt 7% kế hoạch đề ra, đạt 5.495 tỷ đồng. Điều này giúp cho lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Công ty mẹ VEAM đạt tới 5.224 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch.
VEAM cho biết nguyên nhân doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không đạt mục tiêu kế hoạch do nhà máy ô tô tiêu thụ sản phẩm xe tải có tiêu chuẩn khí thải Euro 2 không đạt kế hoạch, sản phẩm có tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chưa kịp phát triển trong năm đầu tiên sản xuất.
Lợi nhuận vượt kế hoạch đến từ doanh thu tài chính khi các công ty mà VEAM tham gia góp vốn có kết quả hoạt động tốt. Trong đó, đáng chú ý là các khoản góp vốn của VEA vào Công ty Honda Việt Nam (30%; vốn điều lệ 1.190,8 tỷ đồng) và Công ty Toyota Việt Nam (20%; vốn điều lệ 746,5 tỷ đồng).
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018, sau khi trích lập các quỹ, Công ty mẹ VEAM dự kiến sẽ thực hiện chi trả cổ tức tỷ lệ 39,3%, tương đương với số tiền lên tới 5.161 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 của Công ty mẹ VEAM (Nguồn: VEA)
|
Bầu bổ sung TVHĐQT độc lập, chuyển sàn HOSE
Ban lãnh đạo VEAM cũng trình cổ đông thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên độc lập nhiệm kỳ 2017 - 2022 để đảm bảo các quy định của pháp luật.
Về việc chuyển sàn giao dịch, HĐQT cũng trình cổ đông xem xét thông qua thực hiện niêm yết cổ phiếu VEA trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE). Thời gian dự kiến là trong năm 2019.
Cũng trong năm nay, HĐQT VEAM sẽ thực hiện tập trung vào kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong đó, HĐQT đặt mục tiêu hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện bàn giao giữa công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với công ty mẹ.
Bên cạnh đó, VEAM cho biết sẽ thực hiện đăng ký công ty địa chúng, đăng ký giao dịch UPCoM hoặc niêm yết đối với các công ty con đủ điều kiện gồm Matexim, Cơ khí An Giang. Đồng thời, VEAM cũng lên kế hoạch tăng vốn tại một số công ty cổ phần như Matexim, Fomeco cho phù hợp với quy mô và định hướng phát triển.
Ở chiều hướng ngược lại, VEAM cũng sẽ thoái vốn tại một số đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc không nằm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp này. HĐQT VEAM cũng sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng sở hữu chéo giữa các đơn vị như FUTU1 và Cơ Khí Vinh; DISOCO và Matexim.
Ngoài ra, HĐQT VEAM cũng sẽ phối hợp với các bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ./.
Thoái vốn nhà nước tại VEAM gặp khó vì thỏa thuận với Honda và Toyota? Vào đầu tháng 3/2019, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, đại diện VEAM thông báo kế hoạch thoái vốn của nhà nước hiện vẫn chưa rõ ràng. Theo đó, Bộ Công Thương - tổ chức đại diện vốn Nhà nước – dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 88,5% xuống còn 36%, nhưng mới phát sinh những vấn đề cần thảo luận về thời gian thoái vốn liên quan đến thỏa thuận giữa VEAM và liên doanh Honda, Toyota. Cụ thể, VEAM và Toyota thống nhất thành lập Toyota Việt Nam vào năm 1995 và hợp tác sẽ chấm dứt vào năm 2035. Trong đó, Toyota có điều khoản liên quan việc mua lại cổ phần của VEAM tại doanh nghiệp này nếu nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống dưới 51%. Trong khi đó, Honda Việt Nam được thành lập sau một năm và thỏa thuận cũng kéo dài 40 năm (VEAM sở hữu 30%, Honda Motor Thái Lan nắm 28% và Honda Motor Nhật Bản nắm 42% vốn điều lệ). Dù không quy định việc mua lại cổ phần, nếu đối tượng thực hiện là một doanh nghiệp cùng ngành và xuất hiện mối đe dọa tiềm ẩn với hoạt động kinh doanh của Honda Việt Nam thì điều khoản này có thể được kích hoạt. Điều này có thể khiến Bộ Công Thương cẩn trọng hơn trong việc thực hiện thoái vốn tại VEAM./. |