Về Sapharco - DN được nhập 5 triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sapharco là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thuốc, có doanh thu hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Sapharco – DN được nhập 5 triệu liều vaccine Sinopharm làm ăn ra sao?
Sapharco – DN được nhập 5 triệu liều vaccine Sinopharm làm ăn ra sao?

Cục Quản lý Dược phẩm vừa cho phép Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) được nhập khẩu 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc) nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch. Lô hàng do hãng Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd sản xuất.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Sapharco tiền thân là Công ty Dược Sài Gòn, được thành lập từ năm 1993, do UBND Tp. HCM sở hữu 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, gồm các đơn vị trực thuộc và 16 công ty liên kết.

Sapharco hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc (bao gồm mua bán thuốc, mua bán thực phẩm chức năng, nguyên liệu sản xuất thuốc, dịch vụ bảo quản và kiểm nghiệm thuốc).

Sở hữu hệ thống phân phối đáng nể, Sapharco là một trong những ‘ông lớn’ phân phối dược phẩm ở thị trường Tp. HCM, với doanh thu lên tới hàng nghìn tỉ đồng trong giai đoạn 2018 – 2020.

Đỉnh điểm là năm 2019, doanh thu của Sapharco đạt mức 4.410,1 tỉ đồng, tăng 4,8% so với năm 2018. Tuy nhiên, chỉ tiêu này bất ngờ giảm tới 38% vào năm ngoái, chỉ đạt 2.711,5 tỉ đồng.

Dù kinh doanh có lãi, song biên lợi nhuận của Sapharco tỏ ra khá khiêm tốn. Trong cả giai đoạn 2018 – 2020, doanh nghiệp này đem về tổng cộng 88,8 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trên bảng cân đối, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng thường xuyên chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Sapharco.

Tính đến cuối năm ngoái, số dư phải thu ngắn hạn của Sapharco đạt 596 tỉ đồng, chiếm tới 43% tổng tài sản. Trong đó, một số khách hàng có số dư phải thu lớn như: CTCP Vacxin Việt Nam (99,8 tỉ đồng), Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Tiến Phúc (50,7 tỉ đồng), CTCP Dược phẩm Cần Giờ (20 tỉ đồng).

Trong các công ty liên kết, Sapharco có khoản đầu tư đáng chú ý vào CTCP Dược phẩm và Sinh học y tế (Mebiphar).

Doanh nghiệp này được cổ phần hoá từ năm 2014, đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng tới nay vẫn chưa thể niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tính đến ngày 31/3/2021, Mebiphar có 69 cổ đông, trong đó CTCP Dược Aikya (Aikya Pharma) là cổ đông lớn nhất, nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 67,1%; tiếp đến là Sapharco với tỉ lệ sở hữu 37% vốn điều lệ.

Aikya Pharma, như VietTimes từng đề cập, đã nhận được sự hậu thuẫn lớn từ nhóm cổ đông có liên quan với nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (‘Shark’ Liên)./.