Về mức giá tiền triệu của mỗi cổ phần Hanoi Food

VietTimes -- Vốn điều lệ chỉ là 9,8 tỷ đồng, nhưng giá trị vốn chủ sở hữu của Hanoi Food lại lớn hơn rất nhiều lần. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm nên nhìn qua, tình hình tài chính của Hanoi Food có vẻ rất đáng ngại. Song thực tế, chất lượng tài sản ở doanh nghiệp mà Vinafood 1 vừa thoái vốn là rất ổn.
Trên nền trụ sở 67A Trương Định của Hanoi Food sẽ sớm mọc lên một tổ hợp bất động sản quy mô. (Ảnh: N.G)
Trên nền trụ sở 67A Trương Định của Hanoi Food sẽ sớm mọc lên một tổ hợp bất động sản quy mô. (Ảnh: N.G)
Như VietTimes đã đề cập, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) vừa bán đấu giá thành công toàn bộ 19.600 cổ phần của Công ty Cổ phần Chế biến Kinh doanh Lương thực Thực phẩm Hà Nội (Hanoi Food) với mức giá trung bình 1.083.089 đồng/cổ phần.

Thoạt nhìn, đó là một kết quả ấn tượng. Nếu chỉ xét đơn thuần trên vốn cổ phần, Nhà nước (thông qua Vinafood 1) đã lãi.

Tuy nhiên, mức giá đấu thành công bình quân 1.083.089 đồng/cổ phần – dù rất lớn nếu so với mệnh giá 100.000 đồng của mỗi cổ phần – nhưng không cách quá xa giá khởi điểm: 1.050.600 đồng/cổ phần.

Mức giá khởi điểm trên được xác định tại Quyết định số 20/QĐ-TCTLTMB-HĐTV ngày 17/01/2017 của Hội đồng Thành viên Vinafood 1. Phương pháp tính giá, như công bố của tổng công ty này, là theo Chứng thư thẩm định giá số 108/2017/CTTDG-VFAVIETNAM do Công ty TNHH Thẩm định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFA) ký phát hành ngày 05/01/2017, giá trị doanh nghiệp của Hanoi Food.

Trong đó, mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phiếu Hanoi Food tính dựa trên các căn cứ:

(i) Chứng thư thẩm định giá số 108/2017/CTTDG-VFAVIETNAM ngày 05/01/2017 do VFA ký phát hành.

(ii) Theo Quyết định số 20/QĐ-TCTLTMB-HĐTV ngày 17/01/2017 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Lương thực miền Bắc về việc phê duyệt giá khởi điểm và phương án chuyển nhượng vốn của Tổng công ty tại Hanoi Food”- Vinafood 1 cho hay.

Vì Vinafood 1 không công bố nội dung chứng thư thẩm định nên chưa rõ chi tiết tính toán ra sao.

Chất lượng tài sản

Nếu chỉ nhìn vào báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (đính kèm trong Bản công bố thông tin thoái vốn mà Vinafood 1 phát hành), tình hình tài chính ở Hanoi Food là không sáng sủa. Công ty này đang lỗ.

Năm 2015, Hanoi Food lỗ 2,220 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2016, lỗ 1,999 tỷ đồng. So sánh với mức vốn điều lệ 9,8 tỷ đồng của doanh nghiệp, đó thực sự là một con số đáng ngại. Trước đó, năm 2014, Hanoi Food vẫn lãi trước thuế 3,982 tỷ đồng.

Mà không chỉ vấn đề lợi nhuận, các chỉ tiêu quan trọng khác như tổng giá trị, doanh thu thuần ở Hanoi Food đều diễn biến theo chiều hướng suy thoái.

“Hiện nay, Công ty đang trong chu kỳ khó khăn, do hợp đồng gia công với Pepsi đã chấm dứt; một số hợp đồng hợp tác với đối tác mới đã bị dừng trước thời hạn do đối tác gặp khó khăn về thị trường và phải tạm thu nhỏ quy mô kinh doanh”, Hanoi Food lý giải và cho biết, trước mắt Công ty tập trung đầu tư và phát triển sản phẩm mới.

Thực tế, tình hình ở Hanoi Food không đến nỗi tệ như vậy. Chất lượng tài sản của doanh nghiệp này là khá tốt.

Báo cáo tài chính công bố mới nhất của Hanoi Food cho thấy, tính đến ngày 30/09/2016, tổng cộng tài sản của Hanoi Food đạt 109,652 tỷ đồng, giảm 12% so với thời điểm đầu năm (124,514 tỷ đồng).

Trong đó, giá trị nợ phải trả là 18,048 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 16,5% tổng tài sản. An toàn hơn nữa, tất cả đều là nợ ngắn hạn, tuyệt đối không thấy nợ dài hạn. Đặc biệt, Hanoi Food không hề có nợ vay tài chính, không nợ ngân hàng.

Ngược lại, Hanoi Food lại gửi tiết kiệm ngân hàng khá nhiều. Phần lớn tài sản của doanh nghiệp này tồn tại dưới hình thức tiền gửi ngân hàng.

Phần lớn tài sản của Hanoi Food là các khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bảng cân đối kế toán thể hiện, tại thời điểm cuối Quý 3/2016, Hanoi Food có tới 74,350 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn, chiếm 68% giá trị tổng tài sản. Tuy phần thuyết minh tại báo cáo tài chính này có chút thiếu thống nhất, nhưng hồi soát lại các báo cáo tài chính kiểm toán trước đó, có thể hiểu rằng, tất cả giá trị đầu tư ngắn hạn này đều là các khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Trước đó, tại thời điểm 31/12/2015, tổng giá trị tiền gửi có kỳ hạn của Hanoi Food là 89,110 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản; Tại thời điểm 31/12/2014 là 97,800 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản; Tại thời điểm 31/12/2013 là 109,110 tỷ đồng, chiếm 81% tổng tài sản. Lưu ý rằng, thống kê này chưa bao gồm các tài khoản tiền gửi thanh toán.

Được biết, các ngân hàng mà Hanoi Food gửi tiết kiệm là Vietinbank, VIB, MB.

Nói thế để thấy, Hanoi Food sẵn tiền thế nào. Và khi hầu hết tài sản là tiền gửi ngân hàng, trong khi không vay nợ tài chính, thì tất nhiên, nó rất an toàn. Có nghĩa, chất lượng tài sản là rất tốt.

Vốn điều lệ và Vốn chủ sở hữu

Vốn điều lệ chỉ là 9,8 tỷ đồng, nhưng giá trị vốn chủ sở hữu của Hanoi Food lại lớn hơn rất nhiều lần.

Cập nhật tại thời điểm 30/09/2016, giá trị vốn chủ sở hữu (gồm cả nguồn kinh phí và quỹ khác) của Hanoi Food là 91,604 tỷ đồng. Trước đó, giá trị này còn lớn hơn nữa. Cuối năm 2015 là 93,729 tỷ đồng; Cuối năm 2014 là 105,216 tỷ đồng; Cuối năm 2013 là 105,683 tỷ đồng.

Phần lớn giá trị vốn chủ sở hữu của Hanoi Food tích tụ dưới dạng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Chứ không phải là vốn đầu tư của chủ sở hữu (cổ phần của các cổ đông).

Khảo sát tại 3 báo cáo tài chính mà Hanoi Food đã công bố thì giá trị lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt đỉnh cao vào cuối năm 2013, với quy mô 88,725 tỷ đồng về còn 86,258 tỷ đồng vào cuối năm 2014; rồi còn 71,847 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Hiện còn 69,948 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2016 – gấp hơn 7 lần vốn điều lệ, chiếm 76% vốn chủ sở hữu và bằng 64% tổng tài sản.

Vốn điều lệ "mỏng" nhưng vốn chủ sở hữu lại rất "dày".

Thực tế này sẽ khiến nhiều người băn khoăn, rằng tại sao Hanoi Food lại để khoản lợi nhuận tích lũy lưu cữu lâu đến vậy mà không tìm một phương án phân phối; Tại sao doanh nghiệp không tiến hành chia cổ tức bằng tiền hay phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ (?). Nhắc lại rằng, vốn điều lệ của Hanoi Food là khá mỏng, chỉ 9,8 tỷ đồng.

Tất nhiên, những ông chủ và nhà điều hành Hanoi Food có những chủ kiến riêng của họ, vì lợi ích cao nhất và phù hợp nhất cho doanh nghiệp nên mới xác định duy trì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở quy mô lớn. Trong khi, chỉ giữ quy mô vốn cổ phần (vốn điều lệ) ở mức rất thấp.

Vinafood 1 – cổ đông nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ Hanoi Food – sẽ được “miếng bánh” tương xứng, nếu Hanoi Food tiến hành phân phối khoản lợi nhuận tích lũy kếch xù trên. Nhưng với điều kiện, “miếng bánh” phải được chia khi Vinafood 1 còn là cổ đông của Hanoi Food. Còn giờ, khi 19.600 cổ phần Hanoi Food đã được Vinafood 1 chuyển nhượng, mọi chuyện đã khác.

Tuy nhiên, không phải vì Hanoi Food chưa “chia bánh” mà Vinafood 1 phải chịu thiệt thòi trong thoái vốn. Bởi về mặt lý thuyết, tất cả đều được tính toán vào giá chuyển nhượng cổ phần. Không lạ khi 19.600 cổ phần Hanoi Food của Vinafood 1 được đem ra đấu giá với mức khởi điểm 1.050.600 đồng cho mỗi cổ phần mệnh giá 100.000 đồng.

Mức giá khởi điểm trên, thực ra, cũng không cách quá xa giá trị sổ sách của cổ phần Hanoi Food. Cụ thể, theo tính toán, giá trị sổ sách của cổ phiếu Hanoi Food (bằng vốn chủ sở hữu trừ tài sản vô hình chia cho lượng cổ phiếu lưu hành) tại thời điểm cuối quý 3/2016 là khoảng 935.000/cổ phiếu.

Song con số này chỉ là kết quả của một phép toán tài chính đơn thuần, mà chưa tính hết được các giá trị ẩn tàng và lợi thế khó có bên trong doanh nghiệp.

Pháp nhân dự án

Như đã đề cập, một trong các giá trị ẩn tàng đó là tiềm năng bất động sản mà Hanoi Food sở hữu. Đó là 10.239 m2 đất tại số 67A Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội), với thời hạn thuê đất lên tới 50 năm. Tức là rất “đẹp” đề triển khai một dự án bất động sản quy mô.

Thực tế, năm 2011, UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản chấp thuận hồ sơ đề xuất xây dựng dự án tổ hợp nhà ở, kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê, tại lô đất trên.

Theo công bố khi đó, dự án do Hanoi Food kết hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng (Sông Hồng) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo tìm hiểu, Sông Hồng đã rút lui mà thay vào đó, là một cái tên khác: CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP.Invest). Trao đổi với VietTimes, một đại diện của GP.Invest cũng xác nhận chuyện tập đoàn này là chủ đầu tư của dự án 67A Trương Định.

Mặt bằng "sạch" tại Dự án 67A Trương Định. (Ảnh: N.G)

Tài liệu thu thập được cho thấy, tháng 07/2015, pháp nhân dự án chính thức được thành lập trên cơ sở góp vốn của Hanoi Food và GP.Invest. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Hanoi Food là 26%, còn GP.Invest là 74%, trên vốn điều lệ 90 tỷ đồng.

Có nghĩa, pháp nhân dự án là công ty liên kết của Hanoi Food và là công ty con của GP.Invest.

Lưu ý, trong các tài liệu đã công bố liên quan đến hoạt động thoái vốn của Vinafood 1, không thấy tài liệu nào đề cập đến pháp nhân dự án nêu trên….

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai.

Đề xuất của Bộ Tài chính được thực hiện trên cơ sở kết quả rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH) theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ Tài chính nhận định hiện nay tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi giao đất, cho thuê đất đối với đất nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất bảo đảm minh bạch, sát giá thị trường. Do đó, nhiều dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xác định giá đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu cho ngân sách nhà nước./.

Đón đọc kỳ tới…