1.083.089 đồng cho mỗi cổ phần 100.000 đồng
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về kết quả đấu giá bán cổ phần của Công ty Cổ phần Chế biến Kinh doanh Lương thực Thực phẩm Hà Nội (Hanoi Food) do Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) sở hữu.
Theo đó, ngày 08/05/2017, tại HNX, đã diễn ra phiên đấu giá 19.600 cổ phần Hanoi Food do Vinafood 1 sở hữu. Số cổ phần này tương đương với 20% tổng số cổ phần đang lưu hành của Hanoi Food.
Tuy mỗi cổ phần Hanoi Food có mệnh giá 100.000 đồng nhưng mức giá khởi điểm cho phiên đấu giá lại được xác định ở mức cao hơn cả chục lần. Cụ thể tại 1.050.600 đồng/cổ phần.
Kết quả vừa được HNX công bố cho thấy, đã có tổng cộng 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, gồm 01 tổ chức và 03 cá nhân; Với tổng số khối lượng đăng ký mua là 31.500 cổ phần; Tổng số phiếu tham dự đấu giá hợp lệ là 4 phiếu và tổng khối lượng đặt mua hợp lệ là 31.500 cổ phần.
Khối lượng đặt mua cao nhất là 19.600 cổ phần, tức là trọn số cổ phần Hanoi Food mà Vinafood 1 muốn thoái. Khối lượng đặt thấp nhất là 100 cổ phần.
Giá đặt mua cao nhất là 1.350.000 đồng/cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 1.050.600 đồng/cổ phần. Cả hai mức giá đều được đấu thành công. Bởi, theo HNX, giá đấu thành công cao nhất là 1.350.000 đồng/cổ phần; còn giá đấu thành công thấp nhất là 1.050.600 đồng/cổ phần
Vì giá đấu thành công bình quân là 1.083.089 đồng/cổ phần nên có thể hiểu, nhà đầu tư trúng giá nhiều nhất đã bỏ mức giá không cách quá xa mức giá sàn đấu giá.
Đáng nói, theo như công bố, cả 4 nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá - gồm 01 tổ chức và 03 cá nhân –đều trúng giá.
Kết quả, phiên đấu giá thoái vốn của Vinafood 1 tại Hanoi Food đã thành công tốt đẹp. 19.600/19.600 cổ phần Hanoi Food đem ra đấu giá đã được bán “hết veo”, khi lượng cầu lớn hơn hẳn lượng cung.
Với giá đấu bình quân lên tới 1.083.089 đồng/cổ phần – gấp hơn chục lần mệnh giá, nhưng cũng chỉ quanh quẩn giá khởi điểm – Vinafood 1 đã thu về 21.228.540.000 đồng cho 19.600 cổ phần Hanoi Food.
Lưu ý, Hanoi Food tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1967, chính thức chuyển sang hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần từ 30/03/2006.
Theo tìm hiểu của VietTimes, trong tổng số vốn điều lệ 9,8 tỷ đồng của Hanoi Food, Vinafood 1 nắm giữ 20% (1,96 tỷ đồng); 65,48% vốn còn lại (6,4167 tỷ đồng) thuộc sở hữu của 295 cổ đông khác.
Món “hời” của Vinafood 1?
Thoạt nhìn, cái giá 1.083.089 đồng cho mỗi cổ phần Hanoi Food (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần) là kết quả có vẻ khá “hời” cho Vinafood 1. Đặc biệt là xét trên kết quả kinh doanh thua lỗ ở Hanoi Food và thực tế thoái vốn nhọc nhằn của nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước khác.
Theo Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh mà Hanoi Food công bố, chốt đến cuối quý 3/2016, tổng tài sản của công ty đạt 109,652 tỷ đồng, giảm so với con số tương ứng ở cuối năm 2015 (124,514 tỷ đồng) và cuối năm 2014 (136,550 tỷ đồng).
Doanh thu thuần của Hanoi Food cũng giảm sâu từ mức 99,690 tỷ đồng của năm 2014 về còn 48,202 tỷ đồng trong năm 2015, rồi còn 31,223 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016.
Nếu như năm 2014, Hanoi Food vẫn báo lãi ngót 4 tỷ đồng trước thuế, thì năm 2015, công ty đã lỗ 2,22 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2016, lỗ 1,999 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh thua lỗ, vậy điều gì đã khiến cổ phần Hanoi Food có giá khủng tới hàng triệu đồng?
Giống như câu chuyện tại nhiều doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước khác, giá trị của Hanoi Food không hẳn nằm ở các con số trên bảng cân đối kế toán hay báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Lợi thế bất động sản, hay các quỹ “đất vàng” mới là cái đáng quan tâm.
Dự án 67A Trương Định
Tuy chỉ có vốn điều lệ ở mức rất kiêm tốn – 9.8 tỷ đồng – nhưng Hanoi Food lại nắm quyền quản lý sử dụng của 10.239 m2 đất tại số 67A Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số ADD 692375 cấp ngày 01/09/2008, Mã quản lý số CQ-1034.
Theo hợp đồng thuê đất số 18-08/HĐTĐTN ngày 30/01/2008, Hanoi Food được thuê lô đất này trong vòng 50 năm và trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất đến hết ngày 30 tháng 01 năm 2058. Mục đích cho thuê là làm trụ trở văn phòng công ty. Nhưng “hiện công ty đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh xây dựng tổ hợp nhà ở thấp tầng, kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê”, như chính Hanoi Food đã công bố.
Lưu ý rằng, theo quy định, đất thuê trả tiền hàng năm sẽ không phải hạch toán vào danh mục tài sản của công ty, qua đó không làm tăng giá trị tài sản khi bán cổ phần.
Theo thông báo trước đây, đối tác của Hanoi Food trong Dự án đầu tư Tổ hợp nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại số 67A Trương Định là Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng (Sông Hồng). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 916 tỷ đồng, chính thức được UBND TP Hà Nội tra văn bản chấp thuận hồ sơ đề xuất vào tháng 04/2011.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án 67A Trương Định nhiều khả năng đã được Sông Hồng chuyển nhượng.
Cái tên thay thế rất có thể là CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu (GP.Invest). Trên website chính thức của mình (http://www.gpinvest.vn/), GP.Invest hiện cũng đang liệt kê Dự án 67A Trương Định trong danh sách các dự án đang và sắp triển khai của công ty.
Trở lại với Hanoi Food, được biết, bên cạnh lô đất 10.239 m2 tại số 67A Trương Định, doanh nghiệp có vốn điều lệ chưa đến 10 tỷ đồng này còn đang quản lý sử dụng 40.000 m2 đất tại thôn Cầu – xã Lạc Đạo – huyện Văn Lâm – tỉnh Hưng Yên. Lô đất được Hưng Yên cho Hanoi Food thuê trong 35 năm theo hình thức trả tiền hàng năm; Thời hạn thuê đất đến ngày 12/02/2038; nhằm mục đích xây dựng Nhà máy liên hợp Thực phẩm Đông Nam Á.
Với tiềm năng bất động sản vừa nêu, liệu rằng Vinafood 1 có thực sự “hời” với 21 tỷ đồng thu về từ việc thoái 20% vốn tại Hanoi Food (?!)./.