Thông tin IPO
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hà Nội (HNX) vừa công bố thông tin về việc thông báo đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam).
Theo đó, số cổ phần Vigecam đưa ra đấu giá là 6.350.580 cổ phần; Số cổ phần người nước ngoài được phép mua là 6.350.580 cổ phần.
Giá khởi điểm là 10.100 đồng cho mỗi cổ phần mệnh giá 10.000 đồng. Vốn điều lệ doanh nghiệp sau cổ phần hóa là 220 tỷ đồng, chia làm 22 triệu cổ phần.
Tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đều có thể tham gia phiên đấu giá trên.
Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ 08 giờ 30 phút ngày 20/04/2017 đến 15 giờ 30 phút ngày 12/05/2017 (Sáng từ 08h30 – 11h30; chiều từ 13h30 - 17h00 các ngày làm việc). Địa điểm tại các đại lý đấu giá có tên trong phụ lục.
Thời gian nộp Phiếu tham dự đấu giá: chậm nhất 16 giờ 00 phút ngày 17/05/2017. Địa điểm: Bỏ trực tiếp vào thùng phiếu tại Trụ sở và chi nhánh của các đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký.
Thời gian đấu giá được xác định vào 08 giờ 30 phút ngày 19/05/2017. Địa điểm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội .
Thời gian nộp tiền mua cổ phần được xác định từ ngày 20/05/2017 đến 16 giờ ngày 29/05/2017.
Thời gian hoàn trả tiền đặt cọc được xác định từ ngày 23/05/2017 đến ngày 26/05/2017.
Vigecam
Tiền thân Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) là một đơn vị của Hợp tác xã mua bán Trung ương, năm 1960 chuyển thành tổ chức quốc doanh trực thuộc Bộ Nội thương; Năm 1962, chuyển sang ngành Nông nghiệp với tên gọi là Cục Tư liệu sản xuất, sau được đổi tên thành Cục Vật tư nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp.
Vigecam hiện hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 28/04/2016, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Quyết định số 723/QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hóa Vigecam.
Theo phương án này, Vigecam sẽ được cổ phần hóa theo hình thức: Kết hợp bán toàn bộ phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Vốn điều lệ của doanh nghiệp sau cổ phần hóa được xác định là 220 tỷ đồng. Trong đó: Cổ phần Nhà nước là không cổ phần, chiếm 0% vốn điều lệ; Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong Tổng công ty: 238.200 cổ phần, chiếm 1,08% vốn điều lệ; Cổ phần bán cho Tổ chức công đoàn: 11.220 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường: 6.350.580 cổ phần, chiếm 28,87% vốn điều lệ; Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 15.400.000 cổ phần, chiếm 70% vốn điều lệ.
Bản công bố thông tin của Vigecam trên HNX cho thấy, sau khi IPO, Vigecam sẽ tiếp tục thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược – theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Giá bán được xác định là không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.
Nhà đầu tư chiến lược
Thực hiện theo Văn bản số 7534/VPCP-ĐMDN ngày 09/9/2016 và Văn bản số 2069/VPCP-ĐMDN ngày 09/3/2017 của Văn phòng Chính phủ, nhà đầu tư chiến lược của Vigecam được xác định gồm 02 cái tên: Tổng công ty Rau quả, Nông sản - Vegetexco (đăng ký mua 45% vốn điều lệ) và Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không - VNI (đăng ký mua 25% vốn điều lệ).
Trong đó, VNI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ với số vốn điều lệ là 500 tỷ VNĐ được thành lập theo Giấy phép số 49 GP/KDBH ngày 23/04/2008 của Bộ Tài chính. 5 cổ đông sáng lập nên VNI gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama); Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Công ty cổ phần Nam Việt.
Năm 2013, hai cổ đông sáng lập nên VNI, là Lilama và Vinacomin, thực hiện thoái toàn bộ số cổ phần sở hữu tại VNI. Nhưng chưa rõ đâu là nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng 10 triệu cổ phần, tương ứng với 20% vốn điều lệ VNI mà hai doanh nghiệp nhà nước này đã thoái. Chỉ biết tổ chức tư vấn là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).
Giấy phép Điều chỉnh số 49/GPDDC8/KDBH, do Bộ Tài Chính cấp ngày 7/4/2014 cho thấy, tại thời điểm đó, cổ đông lớn nhất của VNI là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) góp 100 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ; Kế đến là Geleximco góp 76,1 tỷ đồng, chiếm 15,22% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu trên đã sớm thay đổi. Cuối năm 2014, Geleximco bán 2 triệu cổ phiếu VNI và đến năm 2015, bán nốt 5,61 triệu cổ phiếu VNI còn lại bằng hình thức thỏa thuận.
Cũng trong năm 2015, Vietnam Airlines đã thoái toàn bộ 10 triệu cổ phiếu VNI bằng hình thức đấu giá, với giá bình quân 10.955 đồng/cổ phần; Công đoàn Vietnam Airlines thoái 8.207.357 triệu cổ phiếu VNI khác bằng hình thức thỏa thuận.
Ngày 06/05/2016, CTCP Nam Việt cũng chuyện nhượng 4 triệu cổ phần, tương đương với 8% vốn điều lệ VNI.
Hiện, cơ cấu sở hữu tại VNI ra sao vẫn còn là một điều bí ẩn. Trụ sở tổng công ty vẫn đặt tại Tầng 15, Tòa nhà Geleximco, 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội; Chủ tịch HĐQT là bà Lê Thị Hà Thanh; Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Anh Đức.
Về nhà đầu tư chiến lược còn lại và cũng sẽ là cổ đông lớn nhất của Vigecam, Vegetexco – Đây vốn cũng là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, chính thức được cổ phần hóa từ năm 2015.
Vegetexco hiện chịu sự chi phối lớn từ các cổ đông là thành viên trong “hệ sinh thái” của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, bao gồm: CTCP Tập đoàn T&T (chiếm 35% cổ phần Vegetexco); Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (15%); CTCP Xuất Nhập Khẩu Thủ công Mỹ Nghệ (10%).
Với quy mô sở hữu được cơ cấu ở mức 70% cổ phần, chắc chắn hai nhà đầu tư chiến lược – là VNI và Vegetexco – sẽ trở thành ông chủ thực sự của Vigecam sau cổ phần hóa.
Tiềm năng “đất vàng”
Báo cáo tài chính cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh ở Vigecam không quá nổi bật.
Năm 2016, tổng công ty này báo lãi sau thuế chưa đầy 2,4 tỷ đồng – song đã là đầy tích cực, nếu so với mức lỗ 55,8 tỷ đồng của 2015.
Chốt tại 21/12/2016, tổng tài sản của Vigecam đạt 382,7 tỷ đồng; Vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 116 tỷ đồng.
Tương tự thực tế cổ phần hóa đã từng diễn ra ở nhiều tổng công ty nhà nước khác, không thể không đề cập đến chi tiết đất đai và tiềm năng bất động sản trong câu chuyện cổ phần hóa Vigecam.
Theo tìm hiểu, Vigecam quản lý và sử dụng diện tích đất đang thuê của nhà nước với tổng diện tích 28.468,34 m2, chia làm 07 thửa đất; Bao gồm: 4 thửa tại Hà Nội, 2 thửa tại Bà Rịa - Vũng Tàu và 1 thửa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là chưa kể tới thửa đất 88.880 m2 tại xã Kiến Bái, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã được Vigecam thực hiện góp vốn, thành lập Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK công suất 360.000 tấn/năm tại Thủy Nguyên – Hải Phòng. Tỷ lệ cổ phần Vigecam nắm giữ tại Công ty này là 26%.
Ngày 19/01/2017, UBND thành phố Hải Phòng đã cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp GFS Việt Nam.
VietTimes sẽ đề cập cụ thể hơn về tiềm năng “đất vàng” ở Vigecam trong bài viết tới./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu