Sàn giao dịch bất động sản Newtechco Land được Newtechco - một trong ba cái tên thuộc liên danh được Đà Nẵng chọn để nghiên cứu đầu tư “siêu” dự án 2 tỷ USD Danang Gateway. (Ảnh: Internet)
|
Nhân dịp tổ chức sự kiện “Tọa đàm mùa Xuân 2019”, UBND TP. Đà Nẵng đã trao thông báo nghiên cứu đầu tư đối với 12 dự án với tổng quy mô vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng dự án Danang Gateway đã có tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, chiếm quá nửa tổng giá trị các dự án được khảo sát, nghiên cứu đầu tư được công bố tại sự kiện này.
Được biết, Danang Gateway hướng tới mục tiêu trở thành khu phức hợp chung cư cao tầng, trung tâm thương mại - tài chính, casino, khu vui chơi giải trí. Nếu được thực hiện triển khai, Danang Gateway nhiều khả năng sẽ đem lại những sự thay đổi đột phá trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng.
Năm 2018, UBND TP. Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.340,6 tỷ đồng; có 126 dự án FDI được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký 155,9 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2017. |
Liên danh các nhà đầu tư Sakae Holdings Ltd (Sakae Holding) - Fission Holdings Pte. LTd (Fission Holding) - CTCP Xuất nhập khẩu Newtechco (Newtechco) là đối tác được UBND TP. Đà Nẵng “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện khảo sát, nghiên cứu dự án này.
Mặt khác, công ty con của Sakae Holdings là Sakae Corporate Advisory cũng đang tham gia liên danh với Surbana Jurong Consultant để thực hiện tư vấn cho UBND TP. Đà Nẵng lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.
Do vậy, dù mới chỉ được trao quyết định thực hiện khảo sát, nghiên cứu tại dự án Danang Gateway, liên danh các nhà đầu tư Sakae Holdings, Fission Holdings và Newtechco vẫn nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Vậy thực lực của các công ty trong liên danh này ra sao?
Từ những đối tác ngoại...
Trong số 3 công ty tham gia liên danh, Sakae Holdings là doanh nghiệp duy nhất đang thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore (SGX).
Như VietTimes đã từng đề cập, Sakae Holdings được thành lập vào năm 1997 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng ăn uống (F&B), khá nổi tiếng trong việc phục vụ các món ăn truyền thống của Nhật Bản là sushi và sashimi.
Về Sakae Corporate Advisory - nhà tư vấn chiến lược cho Đà Nẵng |
Tính tới ngày 30/9/2018, tổng tài sản hợp nhất của Sakae Holdings đạt 111,8 triệu SGD, tương ứng với khoảng 81,16 triệu USD.
Lý do giúp Sakae Holdings và UBND TP. Đà Nẵng có những sự hợp tác đáng chú ý như hiện nay phải có lẽ phải nhờ tới “cầu nối” là ông Douglas Foo - Chủ tịch điều hành của Sakae Holdings (đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF) và Chủ tịch Sakae Corporate Advisory).
Ông Douglas Foo tại hội thảo Quy hoạch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức vào chiều 11/6/2018 (Nguồn: thanhnien.vn)
|
Ông Douglas Foo đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với việc đầu tư tại Đà Nẵng. Vị doanh nhân từng chia sẻ rằng “trong khi Singapore xây dựng vườn trong thành phố thì Đà Nẵng lại có nhiều cơ hội để xây dựng thành phố trong vườn tự nhiên” và đại phương này hoàn toàn có thể trở thành trung tâm triển lãm, hội nghị của thế giới.
Khởi đầu bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa SMF và UBND TP. Đà Nẵng (ngày 27/11/2017), ông Douglas Foo đã có nhiều hoạt động kết nối cho các doanh nghiệp Singapore tìm kiếm cơ hội đầu tư vào địa phương này.
Trên cương vị Chủ tịch SMF, ông Douglas Foo cũng đại diện cho “nhóm các nhà đầu tư Singapore” thực hiện ký kết (diễn ra vào ngày 26/4/2018) các biên bản ghi nhớ triển khai các nội dung hợp tác trên cơ sở MOU đã ký với lãnh đạo TP. Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
“Nhóm các nhà đầu tư do công ty Sakae Corporate Advisory chủ trì, gồm tập đoàn Sakae Holdings, tập đoàn Surbana Jurong, tập đoàn Fission, công ty bất động sản Centra, tập đoàn YCH và các doanh nghiệp khác do SMF giới thiệu” - thông tin về sự kiện của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nêu rõ.
“Tập đoàn Fission” nhiều khả năng có liên quan tới Fission Holdings, một công ty tư nhân của Singapore cũng tham gia khảo sát nghiên cứu đầu tư tại dự án Danang Gateway. Do chưa thực hiện niêm yết, hoạt động kinh doanh của Fission Holdings vẫn còn nhiều “bí ẩn”.
Thông tin về công ty này được đề cập nhiều xuất phát từ một thương vụ thâu tóm dự án bất động sản đã diễn ra cách đây gần 9 năm. Cụ thể, vào tháng 4/2010, Fission Holdings cùng một số đối tác đã thâu tóm dự án bất động sản Marina House của tập đoàn Hong Leong Group với mức giá 148 triệu SGD. Sau thương vụ này, các thông tin về Fission Holdings khá mờ nhạt.
Đến “cầu nối” trong nước
Là công ty trong nước duy nhất góp mặt trong liên danh, Newtechco ít nhiều thể hiện được năng lực trong lĩnh vực bất động sản khi thành lập một sàn giao dịch bất động sản (Newtechco Land) vào năm 2017.
Thực tế, tại Thông báo số 20/TB-UBND về việc cho phép nghiên cứu đầu tư dự án Danang Gateway mà Phó Chủ tịch Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký ban hành vào ngày 28/02/2019 thì phần nơi nhận, không kể các đơn vị liên quan của Đà Nẵng, chỉ được gửi cho "Công ty CP Xuất nhập khẩu Newtechco". Chứ không phải là 2 cái tên còn lại trong liên danh, là Sakae Holdings, hay Fission Holdings. Có thể vì Newtechco là doanh nghiệp trong nước nên tiện liên hệ hơn 2 cái tên ngoại còn lại, nhưng động thái này có lẽ cũng phần nào phản ánh vai trò "cầu nối"/đại diện của Newtechco trong mối quan hệ giữa liên danh này với Đà Nẵng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Newtechco được thành lập cách đây ít năm, cụ thể là vào ngày 20/5/2016, với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trang thiết bị Newtecspro, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Số 8, phố Láng Hạ, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là “Vận tải hành khách đường thủy nội địa”.
Quy mô vốn điều lệ của Newtechco giai đoạn đầu chỉ ở mức 6 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 2 nhà đầu tư cá nhân là: bà Võ Thị Tuấn Anh (sinh năm 1976, chiếm 50% vốn) và ông Phạm Sơn Dương (sinh năm 1951, sở hữu 50% vốn còn lại). Trong đó, bà Võ Thị Tuấn Anh đóng vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Chân dung nữ doanh nhân Võ Thị Tuấn Anh trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Newtechco (Nguồn: newtechcoland.com)
|
Công ty này sớm ghi nhận nhiều sự chuyển biến, chỉ sau ít tháng. Cụ thể, Newtechpro thực hiện chuyển loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần; đổi tên thành CTCP Xuất nhập khẩu Newtechco và thay đổi đăng ký địa chỉ trụ sở chính về T8, Tòa Tháp A, tòa nhà Sky Tower, số 88 Láng Hạ, Phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Quy mô vốn điều lệ cũng được nâng lên mức 18 tỷ đồng.
Trong đó, cơ cấu cổ đông cũng có nhiều sự thay đổi với sự tham gia của CTCP Tàu biển Thành Đạt; Công ty TNHH Đầu tư thương mại Nhật Minh Anh và ông Phạm Sơn Dương. Mỗi cổ đông tham gia góp vốn 6 tỷ đồng, chiếm 33,333% vốn điều lệ.
Người đại diện theo pháp luật cũng được thay đổi, do bà Bùi Minh Phương (sinh năm 1977, chức vụ Giám đốc) đảm nhiệm.
Theo thay đổi đăng ký kinh doanh cấp ngày 18/10/2016, các cổ đông nêu trên đều đã triệt thoái vốn khỏi Newtechco. Tới tháng 4/2018, quy mô vốn điều lệ của Newtechco đã được nâng lên mức 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông tin giới thiệu trên website newtechcoland.com thì cho biết, Newtechco được thành lập vào năm 2014, “tách” ra từ Công ty TNHH XNK trang thiết bị Newtechpro sau 5 năm phát triển. Bà Võ Thị Tuấn Anh đóng vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Website cũng cho biết doanh nghiệp này đang cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như: (1) Xuất nhập khẩu các mặt hàng (gỗ, than, xăng dầu); (2) Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; (3) Tư vấn đầu tư trong và ngoài nước; (4) Lập dự án, quy hoạch và (5) Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận. Nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của Newtechco lại không được website này tiết lộ chi tiết.
Newtechco là một trong những đối tác toàn diện của Sakae Holdings (Nguồn: newtechcoland.com)
|
Cũng theo newtechcoland.com, Newtechco đang hợp tác toàn diện với nhiều tập đoàn Châu Á lớn, trong đó có Sakae Holdings. Hình ảnh thể hiện trên website cũng ít nhiều minh hoạt về mối quan hệ này, trong đó có khá nhiều bức hình về các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Đà Nẵng với nhóm Sakae Holdings, cùng sự hiện diện của lãnh đạo Newtechco - bà Võ Thị Tuấn Anh.
Thông tin trên một số trang báo, bà Võ Thị Tuấn Anh còn được xuất hiện dưới vai trò Trưởng đại diện của Sakae Corporate Advisory tại Việt Nam.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, cuối năm 2017, bà Võ Thị Tuấn Anh đã từng bị một ngân hàng thương mại trong nước thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản (tại Tổ 13, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Đà Nẵng từng muốn đấu giá 4 khu đất A12, A13, A14, A15 trên đường Võ Văn Kiệt Cụ thể, đây là 4 trong tổng số 19 khu đất mà Đà Nẵng từng muốn đấu giá, căn cứ theo Phụ lục danh mục quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố (đợt 1) kèm theo Quyết định 3841/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 của UBND Tp. Đà Nẵng. Các khu đất này đều được đề cập là "đất lớn mặt tiền đường Võ Văn Kiệt, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà", với tổng diện tích là 37.551,3 m2. Tại Quyết định, UBND TP Đà Nẵng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất TP căn cứ danh mục quỹ đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất được phê duyệt tại Quyết định 3841/QĐ-UBND có trách nhiệm thực hiện các bước tiếp theo nhằm đảm bảo các thủ tục và điều kiện trước khi tổ chức đấu giá theo quy định./. |