Độc quyền
Những ngày gần đây, thị trường vàng nổi lên hiện tượng các cửa hàng SJC không chịu mua vàng cong vênh, vàng 1 chữ số, dù đó là vàng do Công ty SJC sản xuất ra. Nếu người dân muốn bán phải chấp nhận chịu lỗ 500.000 - 1 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ có hiện tượng trên bởi từ cuối năm 2011, SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia cho đến nay, mọi giá mua vào, bán ra đều do doanh nghiệp SJC điều hành. Dù đại diện SJC luôn tuyên bố căn cứ vào giá thế giới để hình thành giá vàng SJC, nhưng hiện giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Các thương hiệu vàng khác như: AAA của Ngân hàng Nông nghiệp hay vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu... phải lấy giá SJC tham khảo để quyết định giá của mình. Và nghiễm nhiên, vàng SJC cao hơn vàng thương hiệu khác 2 triệu đồng/lượng, vì thương hiệu độc quyền của mình.
Sau khi SJC giải thích không mua lại vàng SJC 1 chữ bởi đã hết hạn mức dập lại vàng do NHNN cấp, lập tức ngày 12/1, NHNN cho phép Công ty SJC được tiếp tục gia công vàng miếng với hạn mức 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm 2016, khiến giá vàng SJC giảm còn: 32,63 triệu đồng/lượng mua vào – 32,89 triệu đồng/lượng bán ra. Mức giá này đã giảm tổng cộng khoảng 1,1 triệu đồng mỗi lượng (giảm 3,2%) so với thời điểm tháng 11/2015.
Trong hai phiên giao dịch gần đây (ngày 17 và 18/1), chênh lệch giá vàng ở chiều mua - bán cũng có sự khác biệt đáng kể ở các địa phương, đơn cử: Thị trường Hà Nội lên đến 280.000 đồng/lượng; TPHCM: 260.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu so với hơn 2 tháng trước đây, mức giảm 1 triệu đồng/lượng, tại các đơn vị thu mua lại vàng miếng SJC, cứ 1.000 lượng vàng nằm tồn kho sẽ bị “bốc hơi” khoảng 1 tỷ đồng. Vì vậy, đơn vị của SJC không dám mua vào thời điểm này là điều dễ hiểu.
Trao đổi với PV, bà Lê Thúy Hằng - Giám đốc chi nhánh SJC miền Bắc (Hà Nội) cho biết, mức chênh lệch mua vào, bán ra được căn cứ theo giá trên thị trường vàng thế giới và nhu cầu vàng trong nước. “Có thời điểm, mức chênh lệch vàng SJC khoảng 10.000 đồng/lượng, nhưng cũng có lúc mức chênh lệch lớn hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Bản thân doanh nghiệp phải đặt ra mức chênh lệch phù hợp từng thời điểm để đề phòng rủi ro”, bà Hằng nói.
Ông Lưu Quang Điền, nguyên Phó Tổng giám đốc SJC Hà Nội, phân tích, bản thân SJC cũng là doanh nghiệp nên phải cân nhắc lợi nhuận để điều chỉnh giá mua vào, bán ra. Việc dập lại vàng 1 chữ theo quy định mất 60.000 đồng/lượng và không hiểu lý do gì, Công ty SJC vẫn để mức chênh lệch mua vào, bán ra lên đến gần 300.000 đồng/lượng. “Người dân nên giữ vàng 1 chữ, không nên sốt ruột đi đổi sang vàng 2 chữ, vì chất lượng vàng như nhau”, ông Điền nói.
Theo ông Điền, thời điểm này, SJC đặt mua vào với giá thấp để đề phòng rủi ro. Nếu giá vàng xuống, SJC có thể nghiền thành vàng nguyên liệu để chế tác ra vàng trang sức. Nếu giá vàng lên, SJC thắng lớn.
Nên cho nhiều doanh nghiệp dập lại vàng SJC
Trong khi đó, ông Vũ Huy Tăng-Phó Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank cho biết, doanh nghiệp xin chuyển đổi thương hiệu vàng của Agribank nhiều năm nay nhưng NHNN chưa cho phép. Hiện, công ty vẫn phải mua vào vàng thương hiệu mình đã bán ra. Ông Tăng tính toán, thời điểm cách đây hai năm công ty mua vào của dân giá 35 triệu đồng/lượng. Số lượng mua vào lên đến hàng nghìn lượng. Bây giờ dù có chuyển đổi sang SJC thì mỗi lượng vàng doanh nghiệp thiệt hơn 2 triệu đồng/lượng.
Ngày 12/1/2016, NHNN có văn bản chấp thuận cho Công ty SJC được gia công vàng miếng SJC móp méo thành vàng miếng SJC với hạn mức 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm 2016. Cùng ngày, NHNN có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh TP. HCM thực hiện giám sát chặt chẽ quá trình gia công lại vàng miếng SJC móp méo thành vàng miếng SJC tại Công ty SJC theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu Công ty SJC khẩn trương thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm bảo hành sản phẩm vàng miếng do công ty sản xuất, gia công để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì thế, NHNN khuyến cáo người dân nên bình tĩnh trước mọi quyết định mua, bán vàng miếng SJC để tránh thiệt hại không đáng có.
Theo Tiền Phong