Theo nghiên cứu mới của Đại học Portsmouth, những KOLs trên mạng xã hội đang tiếp tay cho việc bán hàng giả.
Sau khi phân tích khảo sát 2.000 người ở Vương quốc Anh, nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 22% người tiêu dùng hoạt động tích cực trên mạng xã hội đã mua phải hàng giả do các KOLs quảng cáo. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những kẻ làm hàng giả đang lợi dụng sự nổi tiếng của các KOLs để bán sản phẩm kém chất lượng.
Tiến sĩ David Shepherd, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các sản phẩm giả đã gây thương tích và giết chết hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới. Điều kiện làm việc trong các nhà máy sản xuất hàng giả thường không an toàn. Đừng để bị lừa bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội”.
Sự bảo chứng của các KOLs đặc biệt thu hút những người trẻ tuổi. Theo nghiên cứu, những người từ 13 đến 16 tuổi có khả năng mua phải hàng giả cao gấp ba lần so với những người từ 34 đến 60 tuổi. Trong khi đó, nam giới chiếm 70% tổng số người mua.
Theo nghiên cứu, người tiêu dùng thường có xu hướng nhận thức về rủi ro thấp, có xu hướng biện minh về mặt đạo đức cho việc mua hàng giả. Các yếu tố như giá rẻ cũng khiến họ dễ bị ảnh hưởng hơn. Người mua hàng giả có xu hướng bị ảnh hưởng bởi bạn bè và mạng xã hội hơn gấp đôi so với những người tiêu dùng thông thường.
Giáo sư Mark Button, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Thương mại xã hội là một thế giới mới cho tiếp thị và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội thực sự có tiếng nói trên thị trường này. Người tiêu dùng online thường dựa vào các đề xuất của bên thứ ba mà không màng tới việc đánh giá rủi ro mua hàng của chính họ”.
Mặc dù nghiên cứu mới chỉ được thực hiện ở Vương quốc Anh, nhưng phát hiện này đã nêu bật một vấn đề trên toàn thế giới.
Các KOLs và thương mại điện tử đã biến phương tiện truyền thông xã hội trở thành một địa chỉ chuyên cung cấp hàng giả, với những tác động kinh tế và xã hội sâu sắc. Theo một nghiên cứu của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của EU, hàng giả như túi xách, quần áo và đồ điện tử đã tiêu tốn của EU khoảng 60 tỉ euro và 434.000 người mất việc làm mỗi năm.
Giáo sư Mark Button chia sẻ: “Nghiên cứu này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tác động của tiếp thị có ảnh hưởng lệch lạc đối với hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với những nhóm nhân khẩu học dễ bị tổn thương. Điều quan trọng là các thương hiệu, cơ quan quản lý và cơ quan thực thi pháp luật phải hành động và ngăn chặn hoạt động của các KOLs bất hợp pháp này cũng như các nền tảng hỗ trợ họ”.
Vấn nạn quảng cáo hàng kém chất lượng tại Việt Nam
Ngay tại thị trường Việt Nam, việc buôn bán hàng giả cũng là một vấn đề gây nhức nhối. Thời gian gần đây, rất nhiều người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ, hoa hậu, người đẹp..., xuất hiện ngày càng nhiều trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên mạng xã hội. Các sản phẩm được quảng cáo thường là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh), ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Để tăng độ tin cậy, nhiều người còn sử dụng sản phẩm ngay khi livestream. Facebook, YouTube, Tik Tok... đang là những kênh chính phát những quảng cáo này.
Cách đây một thời gian, NSƯT CT liên tục quảng cáo về công dụng của một loại sữa. Trong video clip quảng cáo được đăng tải rất nhiều trên YouTube, TikTok…, nghệ sĩ này kêu gọi uống loại sữa này để hết đau xương khớp, tê bì chân tay, ngăn ngừa thái hóa...
Nghệ sĩ QL cũng đã quảng cáo "lố" các sản phẩm chức năng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Cụ thể, nam MC giới thiệu một thực phẩm chức năng mà anh cho rằng có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư, giúp tập trung điều trị vết loét, khoẻ dạ dày và tốt hơn 70 lần curcumin bình thường.
Tuy nhiên, theo giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe này thực chất chỉ có công dụng giúp hỗ trợ chống oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật, giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh. Do đó, những công dụng mà MC QL nói trong video hoàn toàn không có trong nội dung được cấp phép quảng cáo.
Nhiều tài khoản nghệ sĩ với tích xanh trên Facebook thậm chí còn quảng cáo xem bói tử vi ngay trên trang cá nhân. Sau khi nhận nhiều lời chỉ trích, ngay sau đó họ đã xóa bài đăng.
Cách đây không lâu, Hoa hậu T cũng "nối gót" các sao Việt khác lên tiếng xin lỗi vì hành vi quảng cáo sai sự thật về một sản phẩm giảm cân trên trang cá nhân. Sản phẩm được hoa hậu nhận lời quảng cáo có "tác dụng giảm mỡ nhanh chóng". Trong đoạn clip PR, cô cho biết mình đã giảm 5kg trong 1 tháng. Tuy nhiên, ngay sau đó sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thu hồi các giấy phép và xử phạt vì quảng cáo không đúng. Điều này khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Mặc dù đã lên tiếng nhận sai nhưng Hoa hậu T vẫn nhận không ít ý kiến trái chiều của dư luận.
Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người muốn có thu nhập thêm, hàng loạt nghệ sĩ đã đồng loạt đăng bài quảng cáo coin rác, mặc dù tiền ảo là vấn đề nhạy cảm và vẫn chưa được chấp nhận tại Việt Nam. Trong khi diễn viên NT ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi và nhận toàn bộ trách nhiệm về mình, thì người mẫu NT, diễn viên KMT, LDBL cùng loạt nghệ sĩ khác vẫn chưa lên tiếng về vụ việc này.
Được biết, quá trình hợp tác giữa nghệ sỹ với các nhãn hàng khá đơn giản. Đối tác, khách hàng chỉ cần gửi sản phẩm, chuyển tiền qua tài khoản và sẽ nhận video từ diễn viên này đã thu nội dung về việc quảng bá sản phẩm. Nếu cần chi tiết hơn, nhãn hàng và các doanh nghiệp có thể gửi kèm kịch bản theo mong muốn. Tuy nhiên, tùy tên tuổi và sự nổi tiếng, mỗi diễn viên sẽ đưa ra mức giá và điều kiện của mình đối với các nhãn hàng.
Nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều phải công nhận việc có sự quảng cáo của người nổi tiếng, sản phẩm bán chạy hơn trông thấy. Song, không ít người tiêu dùng cho biết họ lựa chọn sản phẩm vì tin tưởng ca sĩ, diễn viên, người mẫu... đã sử dụng và có hiệu quả. Tuy nhiên, chất lượng của một số sản phẩm lại gây thất vọng, không "thần kỳ" như nghệ sĩ quảng cáo.
Sau nhiều lần bị chỉ trích, phải xin lỗi trên trang cá nhân, gỡ bỏ các quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, số lượng các video clip quảng cáo của nghệ sĩ có giảm nhưng hiện tại vẫn tràn lan trên nhiều nền tảng. Một số nghệ sĩ cho rằng bản thân bị cắt ghép hình ảnh chứ không tham gia quảng cáo lố các loại thuốc, thực phẩm chức năng này.