Reuters: Nhà báo gặp khó khăn khi cạnh tranh với người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà báo hiện đang gặp khó khăn khi cạnh tranh với những nhân vật có sức ảnh hưởng trên các nền tảng hướng tới đối tượng người dùng trẻ như TikTok và Snapchat trong khả năng tiếp cận khán giả.

Ảnh: Business Insider
Ảnh: Business Insider

Báo cáo tin tức kỹ thuật số 2023 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters vừa phát hành cho biết xu hướng tin tức trên toàn thế giới. Theo đó, Reuters cho rằng, các tờ báo truyền thống đã bước đầu thành công trên các nền tảng mạng xã hội truyền thống như Facebook, song những nền tảng mới hơn như TikTok dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ.

"Chúng tôi phát hiện rằng trong khi nhà báo thường dẫn đầu các cuộc trò chuyện, thảo luận xoay quanh tin tức trên Twitter và Facebook, tuy nhiên họ lại gặp khó khi thu hút sự chú ý trên các mạng xã hội mới hơn như Instagram, Snapchat và TikTok, nơi những nhân vật ảnh hưởng trở nên nổi bật hơn, ngay cả trong lĩnh vực tin tức", báo cáo Reuters nên ý kiến của các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan truyền thông chính thống nổi tiếng trên TikTok. Ví dụ như "Planet Money" của NPR đã xây dựng một tài khoản TikTok thành công bằng cách biến một nhân viên trẻ trở nên nổi tiếng bằng cách xuất hiện xuyên suốt trên mọi video của hãng.

"TikTok là mạng xã hội phát triển nhanh nhất", báo cáo của Reuters nhấn mạnh, trong khi Facebook vẫn là nền tảng quan trọng nhất với 28% người tiêu dùng sử dụng nó để đọc tin trong tuần qua. Con số này đã giảm 14% so với đỉnh cao là 42% vào năm 2016.

Facebook từ lâu đã cắt giảm những vấn đề liên quan đến tin tức, giảm tỷ lệ bài đăng tin tức mà người dùng thấy trên dòng tin của họ (3% theo số liệu mới nhất của công ty từ tháng 3 năm 2023), nhưng trong năm qua, công ty này cũng đã giảm thiểu các khoản thanh toán trực tiếp cho các hãng tin và các chương trình hỗ trợ báo chí.

YouTube đứng thứ hai với 20%, tiếp theo là Whatsapp (16%), Instagram (14%), Twitter (11%), TikTok (6%, tăng từ 1% vào năm 2020), Messenger (6%) và Snapchat (2%).

Mặc dù tỷ lệ người dùng trung bình trên TikTok tương đối thấp, nhưng ứng dụng này lại được nhóm khách hàng trẻ tuổi sử dụng phần lớn ở một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Latinh và châu Phi.

Báo cáo của Reuters cũng phát hiện ra sự khác biệt trong các chủ đề được quan tâm trên các nền tảng khác nhau, điều này có thể gây trở ngại cho các nỗ lực phát triển của một số nhà báo và tổ chức tin tức.

"Người dùng Twitter có xu hướng quan tâm đến các chủ đề tin tức nghiêm túc như chính trị và tin tức kinh doanh hơn người dùng của các mạng xã hội khác, trong khi người dùng TikTok, Instagram và Facebook lại thích những bài viết vui nhộn giải trí hơn", các nhà nghiên cứu cho hay./.

Theo Business Insider