Snapchat toan tính điều gì khi thâm nhập thị trường Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

(VietTimes) – Thị trường mạng xã hội Việt Nam vốn là "lãnh địa" của Facebook,TikTok và đâu đó là Instagram. Chỗ trống nào giúp Snapchat tự tin đặt chân vào cuộc chơi mạng xã hội tại Việt Nam? 

Ajit Mohan, Chủ tịch Snap khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về kế hoạch Snapchat tại Việt nam
Ajit Mohan, Chủ tịch Snap khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về kế hoạch Snapchat tại Việt nam

Mới đây, Snap đã mở cuộc họp báo để thông báo về sự hiện diện chính thức của ứng dụng Snapchat tại thị trường Việt Nam.

Snapchat là một ứng dụng mạng xã hội được phát triển bởi Evan Spiegel, Bobby Murphy, và Reggie Brown khi họ còn là sinh viên tại Đại học Stanford. Hiện tại thì Evan Spiegel vẫn là CEO của Snapchat.

Với Snapchat, người dùng có thể chụp ảnh và quay video, sau đó chèn văn bản và hình vẽ vào để tạo thành những “Snaps”. Người dùng có thể lựa chọn danh sách người nhận để gửi Snaps cho họ. Điểm đặc biệt của Snapchat đó là những tin nhắn gửi đi sẽ tự động biến mất sau 1 đến 10 giây khi người nhận xem chúng (tùy vào cài đặt của người gửi). Điều này tạo ra một cảm giác riêng tư và thoải mái hơn khi chia sẻ khoảnh khắc hằng ngày. Snapchat còn cung cấp tính năng “Stories”, cho phép người dùng đăng tải những Snaps lên hồ sơ của họ, nơi bạn bè có thể xem trong vòng 24 giờ.

Một trong những điểm hấp dẫn của Snapchat thu hút người dùng là các hiệu ứng vui nhộn, tính năng chia sẻ nhanh và không có giới hạn người nhận.

Snapchat rất phổ biến tại Mỹ với khoảng 86 triệu người sử dụng. Tại Việt Nam, ứng dụng này ít được biết đến hơn so với nhiều ứng dụng mạng xã hội khác như Facebook, TikTok, Instagram, Telegram, Zalo, Viber. Tuy nhiên vẫn có một cộng đồng sử dụng Snapchat tại Việt Nam.

Mục đích thâm nhập thị trường Việt Nam

Theo chia sẻ của ông Ajit Mohan, Chủ tịch Snap khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện tại Snapchat đang có 432 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, 850 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, đã tiếp cận được 90% thanh thiếu niên từ 13-24 tuổi ở hơn 25 quốc gia. Tất nhiên, không chỉ có người trẻ mà Snapchat cũng thu hút cả những người trưởng thành trên 30 tuổi.

Cũng theo ông Mohan, 65% người sử dụng Snapchat thì không sử dụng Facebook. 90% người dùng Snapchat trên thế giới cảm thấy hạnh phúc khi sử dụng nền tảng này. Cũng theo thống kê, có đến 300 triệu người sử dụng tính năng AI trên Snapchat. Mỗi ngày, người dùng mở ứng dụng trung bình 40 lần.

Vậy liệu Snapchat có đem những ưu điểm này để cạnh tranh với Facebook và TikTok nhằm thu hút người dùng tại Việt Nam?

Chia sẻ với báo giới, bà Karishma Daswani - Giám đốc tiếp thị sản phẩm Snap khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong thời điểm này, Snap chưa tính đến việc mở rộng quy mô người dùng tại Việt Nam. Mục tiêu mà công ty Snap nhắm đến là các doanh nghiệp Việt Nam muốn giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến người dùng cũng như doanh nghiệp nước ngoài thông qua ứng dụng Snapchat.

Bà Karishma Daswani nói rằng ứng dụng này có một giải pháp quảng cáo toàn phễu - từ giai đoạn khám phá, cân nhắc đến quyết định mua hàng.

vt_daswani.jpg
Bà Karishma Daswani, Giám đốc tiếp thị Snap khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Bổ sung cho chia sẻ của bà Daswani, ông Ajit Mohan nói rằng Snapchat nhắm tới 3 lĩnh vực chính khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thứ nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là lĩnh vực mà các đối tượng phục vụ của Snapchat chiếm tới 70%. Thứ hai là lĩnh vực du lịch với các đối tác là công ty du lịch, lữ hành. Thứ ba là game. Ông Ajit Mohan đánh giá Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu về game di động và Snapchat có thể giúp các nhà sản xuất game Việt Nam đến với thế giới.

Như vậy, tập khách hàng mà Snapchat hướng đến tại Việt Nam sẽ là các doanh nghiệp, không phải người dùng đại chúng.

Được biết, để nâng cao khả năng tiếp thị toàn cầu, Snapchat đã hợp tác với MediaDonuts by Aleph - công ty quảng cáo kỹ thuật số và tiếp thị dựa trên hiệu suất để cung cấp các giải pháp cho khách hàng. Với sự hợp tác này, Snapchat đã rất thành công tại thị trường Trung Quốc khi có những khách hàng lớn như AliExpress, Tencent Games, Oppo…