Tổng thống Nga Putin điện đàm với Tổng thống Mỹ Biden hôm 7/12 (Ảnh: TASS). |
Thế giới đã bước sang năm 2012, nhưng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga vẫn chưa dừng lại. Tối 30/12/2021 theo giờ Moscow, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm tập trung vào các vấn đề an ninh, bao gồm tình hình Ukraine, đàm phán về an ninh, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, v.v.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga gần đây ngày càng căng thẳng do NATO mở rộng về phía đông, đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa lãnh đạo hai nước chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Ngoài ra, Nga và Mỹ cũng có kế hoạch tổ chức cuộc gặp đối thoại chiến lược ở cấp Bộ Ngoại giao vào ngày 10/1 tới đây. Trọng tâm của cuộc đàm phán là bản danh mục của Nga về các cam kết mà Mỹ và NATO đưa ra đối với Nga, gồm có việc NATO không được mở rộng về phía đông; Mỹ và phương Tây chấm dứt hợp tác quân sự với các nước thuộc Liên Xô cũ; rút vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, đồng thời triệt thoái quân đội và tên lửa của NATO ra khỏi vùng gần biên giới Nga…
Xe tăng Ukraine triển khai ở gần biên giới với Nga (Ảnh: Đông Phương). |
Điều dư luận quan tâm hiện nay là, triển vọng của cuộc đối thoại chiến lược sắp tới giữa Mỹ và Nga là gì? Trong năm mới, mối quan hệ Nga - Mỹ liệu có kỳ vọng sẽ phá băng hay không?
Ngày 10/12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một tuyên bố về việc đối thoại đảm bảo an ninh với Mỹ và các nước phương Tây khác, yêu cầu Mỹ và NATO đưa ra đảm bảo pháp lý về việc loại trừ khả năng NATO mở rộng thêm về phía đông. Mấy ngày sau, Nga lại gửi tới Mỹ dự thảo hiệp ước đảm bảo an ninh Nga - Mỹ và hiệp định về các biện pháp an ninh giữa Nga và các nước thành viên NATO.
Tại sao Nga lại đột ngột đưa ra các dự thảo hiệp ước và hiệp định như vậy vào thời điểm này? Giới quan sát cho rằng, Thứ nhất, Nga và Mỹ sắp tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược, hai bên đều sẽ nêu ra chủ đề mà họ quan tâm; vấn đề mà Nga quan tâm nhất hiện nay là NATO mở rộng về phía đông. Thứ hai, NATO liên tục chèn ép và đe dọa Nga; làm thế nào Nga có thể đáp trả cả một khối quân sự như NATO với sức mạnh của một quốc gia? Nga đề xuất dự thảo hiệp ước và hiệp nghị như vậy vào lúc này là nhằm làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Thứ ba, khi đối đầu quân sự đã tồn tại và ngày càng trầm trọng thì chỉ có thể giải quyết thông qua thương lượng chứ không phải đối kháng; thực lực quân sự bên nào mạnh thì càng giành được nhiều kết quả trên bàn đàm phán. Thứ tư, Nga muốn chứng minh cho dư luận thế giới thấy cuộc đối đầu hiện nay không phải do Nga gây nên, Nga cũng không muốn chủ động tấn công Ukraine, nên về góc độ đạo lý, Nga phải đưa ra quan điểm và kế hoạch của riêng mình.
Quân đội Nga tập trận ở gần biên giới với Ukraine (Ảnh: QQ). |
Việc Nga chủ động tấn công ngoại giao, thể hiện lập trường kiên định về các vấn đề an ninh và thái độ mong muốn đối thoại. Theo giới truyền thông, sau khi Nga thẳng thừng yêu cầu NATO chấm dứt mở rộng về phía đông, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba liền tuyên bố: nếu đồng ý với những yêu cầu này sẽ tạo ra "nỗi nhục lớn nhất" trong lịch sử của Mỹ và NATO kể từ khi Liên minh châu Âu thành lập. Điều gì khiến Ukraine phản ứng mạnh mẽ như vậy?
Có ý kiến phân tích cho rằng, Ukraine đã trao tất cả vận mệnh của họ cho NATO và Mỹ. Xét về sự chênh lệch quá lớn giữa sức mạnh quân sự của Ukraine và Nga, nếu xảy ra xung đột quân sự, Ukraine sẽ sớm bị đánh bại. Ukraine cho rằng chỉ sau khi họ gia nhập NATO để các lực lượng quân sự của NATO can thiệp vào cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine thì an toàn của Ukraine mới có thể được đảm bảo. Nếu NATO khuất phục trước sức ép của Nga, không kết nạp Ukraine, thì Ukraine đã đánh cược sai và tương lai sẽ trở nên mờ mịt.
Ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU bác bỏ các đề xuất Ngoại giao của Nga (Ảnh: QQ). |
Vậy tới đây Ukraine có thể sẽ có những động thái mang tính thực chất gì? Giới quan sát nhận định, Ukraine chỉ có thể đi đến cùng một con đường. Bởi vì Ukraine đã nhận được cái gọi là "thông tin tình báo" do Mỹ cung cấp, nói rằng Nga sẽ tấn công Ukraine vào đầu năm 2022. Do đó, Ukraine chắc chắn sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh quốc gia của mình để tiến hành đối đầu quân sự với Nga, triển khai toàn bộ lực lượng ở biên giới Nga - Ukraine, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ NATO và mua vũ khí, trang thiết bị từ Mỹ.
Theo các cơ quan truyền thông Nga, trước đề xuất của Nga về việc ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU đã trả lời: “Các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh và việc ngừng mở rộng EU và NATO về phía đông hoàn toàn chỉ là chương trình nghị sự của Nga, các điều kiện hoàn toàn không thể chấp nhận được, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Ukraine”. Tại sao tuyên bố của ông Borell về vấn đề này lại cứng rắn và hầu như không có dư địa để xoay chuyển đến vậy?
Có chuyên gia cho rằng, chiến lược quân sự của NATO là coi Nga là đối thủ tiềm tàng hoặc kẻ thù. Không phải NATO hiện nay muốn xung đột quân sự trực diện với Nga, mà là muốn hình thành một cuộc chiến tranh Lạnh mới, tập trung nhiều binh lực bố trí xung quanh Nga, chặn Nga ngay ở cửa nhà. Tại sao NATO liên tục mở rộng về phía đông? Một mặt, một số quốc gia ở Đông Âu được phát triển thành thành viên NATO, các lực lượng của NATO sẽ "chốt chặt" trước cửa nhà của Nga. Mặt khác, nếu Ukraine, Lithuania, Ba Lan…gia nhập NATO, họ sẽ đương nhiên trở thành lá chắn cho các nước Anh, Pháp, Đức và Italy. Do đó, Nga muốn ngăn NATO mở rộng về phía đông e rằng không thể được.
Cũng theo giới truyền thông Nga, NATO đang chuẩn bị cho cuộc xung đột vũ trang với Nga. Ngoài ra, ngày 29/12/2021, NATO thông báo rằng Pháp sẽ luân phiên tiếp quản Lực lượng đặc nhiệm chung về an ninh của NATO (VJTF) từ ngày 1/1/2022 để đối phó với tình hình ở Ukraine, Trung Đông và những nơi khác.
NATO đã báo động lực lượng phản ứng nhanh (Ảnh: QQ). |
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, khả năng xảy ra xung đột quân sự trực diện giữa NATO và Nga là rất thấp. Lực lượng đặc nhiệm chung về an ninh của NATO (VJTF) bao gồm các binh sĩ điều từ mỗi quốc gia thành viên NATO và thay phiên nhau làm nhiệm vụ trực ban. Nếu có sự việc xảy ra, lực lượng này có thể lập tức được điều động và tập trung tại khu vực xảy ra xung đột quân sự, thực chất đây là lực lượng ứng cứu khẩn cấp.
Theo các thông tin của các bên, Nga và Mỹ sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân và tình hình căng thẳng do vấn đề Ukraine gây ra tại Geneva vào ngày 10/1/2022. Ngày 12/1, Nga sẽ tổ chức đối thoại với NATO tại Brussels, thủ đô của Bỉ. Ngày 13/1, Nga cũng sẽ tổ chức đối thoại với Tổ chức An ninh châu Âu (OSCE) tại Vienna, thủ đô của Áo. Liệu Mỹ, phương Tây và Nga có thể đạt được thỏa thuận về những yêu cầu liên quan mà Nga đưa ra hay không là điều rất đáng quan tâm.
Căn cứ tình hình hiện tại, ranh giới cuối cùng của Nga là Ukraine không được gia nhập NATO và NATO không được mở rộng về phía đông. Tuy nhiên, những điều kiện này là không thể chấp nhận được đối với NATO. Vì vậy có thể đoán trước rằng các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga với Mỹ và NATO sẽ kết thúc mà không mang lại kết quả gì.