Theo chương trình mới xây dựng, học phần của các môn cơ bản sẽ chuyển về những năm học sau để các năm học đầu tiên được tập trung vào các kiến thức toàn cảnh và các kỹ năng. Chỉ cần học xong năm thứ nhất, sinh viên ngành CNTT ở đây sẽ có đủ kinh nghiệm và hiểu biết cần thiết về các hệ thống máy tính để có thể hỗ trợ kỹ thuật cho hầu hết các yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp. Hết năm thứ hai, sinh viên sẽ lập trình thông thạo theo yêu cầu thiết kế. Hết năm thứ ba, sinh viên sẽ thiết kế được các ứng dụng theo yêu cầu của khách hàng. Năm thứ tư, khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ biết tích hợp các hệ thống phức tạp áp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó sinh viên ngành CNTT có thể lấy thêm các chứng chỉ chuyên gia công nghệ mới nhất để tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường toàn cầu.
Đại học Đại Nam chú trọng đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp CNTT. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng của mình để sinh viên có điều kiện theo đuổi các bài toán ứng dụng CNTT thực tế. Không dừng lại ở đó, Khoa CNTT cũng phối hợp với các ngành học khác trong trường để hình thành các dự án chung với sự tham gia của sinh viên các ngành kinh tế - thương mại, cơ khí – chế tạo máy, kiến trúc – xây dựng, Y-Dược, ngoại ngữ,… cho những yêu cầu về ứng dụng CNTT của các ngành học này, nhằm đưa năng lực ứng dụng CNTT thành điểm mạnh của sinh viên các ngành tại Đại học Đại Nam.
Kỳ vọng về tương lai của ngành học CNTT, TS Nguyễn Ái Việt cho biết đây là ngành học có sự thay đổi rất nhanh chóng và vì thế, bên cạnh sự hợp tác với các doanh nghiệp thì bản thân các giảng viên cũng phải luôn cập nhật kiến thức nhằm đổi mới giáo trình giảng dạy cho chính mình. Vì CNTT là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều nhu cầu ứng dụng nên mong muốn của TS Nguyễn Ái Việt là trong thời gian tới sẽ thường xuyên có những hội thảo chuyên đề cho sinh viên và các doanh nghiệp về những nhu cầu này.