PV: Là một nhà giáo và cũng là một doanh nhân thành đạt, xin ông cho biết quan điểm của mình về giáo dục Đại học trong cơ chế thị trường nói chung và ở Đại học Đại Nam nói riêng?
TS Lê Đắc Sơn: Quan điểm cá nhân tôi, trong cơ chế thị trường thì giáo dục Đại học nói chung được coi là một loại hình dịch vụ, các trường đại học cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học với chất lượng tương ứng với chi phí (học phí) mà người học đã trả cho nhà trường.
Ở Việt Nam có 2 loại hình trường Đại học, đó là trường công lập và trường tư thục. Các trường công lập của Việt Nam không vận hành theo cơ chế thị trường, về cơ bản vận hành theo hình thức phân phối phúc lợi cho người học, người học tại các trường công không phải là người đầu tư cho tương lai của mình thông qua việc học mà người đầu tư ở đây là Nhà nước.
"Việc gì có hại đến người học dù nhỏ nhất cũng kiên quyết không làm. Việc gì tốt nhất cho người học thì hết lòng, hết sức" - câu nói cửa miệng của TS Lê Đắc Sơn và cũng là phương châm giáo dục của Đại học Đại Nam.
Đối với các trường tư thục như Đại học Đại Nam thì nhà trường là người cung cấp dịch vụ đào tạo cho sinh viên, sinh viên là khách hàng của nhà trường. Nhà trường có trách nhiệm làm hài lòng các khách hàng của mình bằng chất lượng đào tạo tương xứng với chi phí đầu tư (học phí) của sinh viên đóng cho nhà trường. Chính vì thế trong phần sứ mệnh của trường chúng tôi có nêu rất rõ “Đại học Đại Nam là nơi cung cấp dịch vụ đào tạo cho người học để người học ra trường có cuộc sống tốt, là công dân tốt"
PV: Vì Việt Nam là một nước đang phát triển nên thực tế khoa học là doanh nghiệp đã đi trước nhà trường. Theo ông, nhà trường phải chủ động bắt tay với doanh nghiệp như thế nào để chúng ta có được nguồn nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn?
TS Lê Đắc Sơn: Rất nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu dạy sinh viên những kiến thức hàn lâm mà nhà trường đang có (không cập nhật thường xuyên thực tiễn sản xuất kinh doanh ngoài xã hội) nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa làm việc được ngay.
Vì lẽ đó, để làm việc được, các doanh nghiệp phải đào tạo lại, bổ sung thêm kiến thức từ 6 tháng đến 1 năm cho các cử nhân, kỹ sư mới ra trường. Sự lệch pha đó gây ra tốn kém chi phí đào tạo lại và mất thêm nhiều thời gian để một kỹ sư hội nhập thực sự vào đội ngũ lao động có hiệu quả. Việc đào tạo để sinh viên ra trường có việc làm ngay cần thiết phải được đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Nhận thức được điều đó nên các trường đại học đã và đang bắt tay với doanh nghiệp để xây dựng được chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp. Đây là con đường tất yếu các trường đại học phải đi để nâng cao chất lượng đào tạo.
PV: Đã có những ý kiến cho rằng trong mối quan hệ này thì cả nhà trường lẫn doanh nghiệp đều không được coi mình là nhất thì quá trình hợp tác mới diễn ra tốt đẹp. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?
TS Lê Đắc Sơn: Mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được coi là mối quan hệ mật thiết hỗ trợ lẫn nhau. Nhà trường với tư cách là người "sản xuất trí thức" để cung cấp cho doanh nghiệp thì phải làm sao để doanh nghiệp sử dụng được. Muốn sinh viên ra trường đáp ứng những yêu cầu mà doanh nghiệp cần thì nhà trường phải hiểu doanh nghiệp cần gì.
Nếu nhà trường không hiểu doanh nghiệp cần gì thì đào tạo ra sản phầm không phù hợp (sản phẩm lỗi phải đào tạo lại). Về phía doanh nghiệp: nếu cứ than vãn là sinh viên ra trường phải mất công sức, tiền bạc đào tạo lại mới dùng được thì tại sao lại không đến với các trường Đại học để đặt hàng đầu ra của sinh viên để về doanh nghiệp làm việc có lợi ngay.
Cho nên, mổi quan hệ này phải được xây dựng bình đẳng (Win - Win), có lợi ích cho cả 2 phía và cho đất nước. Tuy nhiên thực tế ở nước ta: nhà trường đang cần hơn phía doanh nghiệp hợp tác để cùng đào tạo. Phần lớn các doanh nghiệp chưa thật sự thấy điều ngược lại của sự hợp lực này.
Sinh viên ngành Dược của Đại học Đại Nam chụp ảnh kỷ niệm tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2019 |
Để có được sự tương tác tích cực của cả hai phía, đặc biệt để tạo điều kiện cho các trường đại học cho sinh viên nhiều cơ hội trải nghiệm tại các doanh nghiệp thì rất cần một chính sách từ Nhà nước. Chính sách mà một số nước đã làm để buộc các doanh nghiệp phải gắn kết với các trường chính là thuế tuyển dụng lao động.
PV: Giáo dục Đại học là phải biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo thì sinh viên mới trưởng thành và hữu ích khi ra trường. Ông nghĩ gì về thực tế này?
TS Lê Đắc Sơn: Tại sao giáo dục Đại học của các nước phát triển lại thành công? Thực chất là họ đã dạy sinh viên trở thành người biết tự học. Các giảng viên không còn dạy sinh viên theo mô hình cũ: Người thầy là trung tâm, sinh viên là đối tượng nghe, ghi chép, học thuộc để thi cử... như của các Đại học ở Việt Nam hiện nay.
Chúng ta buộc phải thay đổi mô hình giảng dạy Đại học theo con đường: Lấy sinh viên là trung tâm; Giảng viên là những huấn luyện viên, là người thắp lửa đam mê cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên tự học theo quy định của bài giảng dạy tích cực được xây dựng bởi người thầy. Khi và chỉ khi sinh viên biết tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của người thầy thì giáo dục đại học sẽ thành công.
Con đường để đi tới mục tiêu đó đang được các nhà giáo dục đại học trong nước quan tâm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, sinh viên đang phải học trực tuyến một cách bị động, thì việc làm thế nào để sinh viên tự học đang được các trường tìm cách thực hiện. Chuyển đổi số sẽ là giải pháp tích cực và hiệu quả nhất để ước muốn để sinh viên tự học sẽ thành hiện thực.
PV: Xin cảm ơn ông!