CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thông báo về việc mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã TNGCB2224003.
Theo đó, Trungnam Group dự kiến chốt danh sách trái chủ vào ngày 12/10 và mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 17/10. Giá mua lại sẽ bằng tổng mệnh giá trái phiếu, lãi chưa thanh toán và các khoản lãi, phí phát sinh khác.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lô trái phiếu TNGCB2224003 có giá trị 2.000 tỉ đồng, được phát hành vào ngày 5/4/2022, kỳ hạn 2 năm. Bên cạnh đó, Trungnam Group còn lô trái phiếu mã TNGCB2124001, sắp đến hạn thanh toán trong năm 2024, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.000 tỉ đồng.
Ngoài Trungnam Group, nhiều thành viên khác trong 'hệ sinh thái' của tập đoàn này cũng huy động cả nghìn tỉ đồng qua kênh trái phiếu trong giai đoạn 2021 - 2022, kể như: CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam và CTCP Điện mặt trời Trung Nam.
Như VietTimes từng đề cập, tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của Trungnam Group đạt 96.024,2 tỉ đồng, trong đó phần vốn hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 70,9%, tương đương 68.110,2 tỉ đồng. Dư nợ trái phiếu ở mức 24.285,2 tỉ đồng.
Hạ tuần tháng 7/2023, Trungnam Group đã chậm thanh toán lãi một lô trái phiếu với lý do là các nhà máy điện thuộc sở hữu của tập mới vận hành thương mại (COD) vào cuối năm 2021 và vẫn trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất thiết kế.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước khiến doanh thu các dự án điện gió không đạt theo kế hoạch. Ngoài ra, tình hình lãi suất tăng cao đã làm giảm dòng tiền ròng của các công ty dự án thuộc sở hữu của Trungnam Group.
Hạ tuần tháng 9/2023, thông tin tại họp báo kinh tế xã hội TP.HCM, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, cho biết dự án chống ngập giai đoạn 1 gần 10.000 tỉ đồng đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc.
Tuy nhiên, do vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính nên thành phố chưa thể thanh toán tiền và quỹ đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng). “Hiện UBND TP đang giải trình các vấn đề cho Chính phủ liên quan đến việc thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ thì chỉ cần 6 - 8 tháng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành khối lượng công việc còn lại”, vị này nói.
Được biết, dự án chống ngập khu vực TP.HCM do CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam thực hiện từ năm 2015 theo hợp đồng BT. Dự án ban đầu có tổng vốn đầu tư 9.566 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay), sau đó tăng vốn lên khoảng 10.000 tỉ đồng./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu