Trung Quốc: Triển vọng kinh tế lạc quan hơn khi CPI tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Áp lực giảm phát giảm nhẹ, nhu cầu tín dụng phục hồi, thêm vào những dấu hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định.

Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định trở lại, sau khi ghi nhận CPI tăng (Ảnh: Bloomberg)
Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định trở lại, sau khi ghi nhận CPI tăng (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc đã tăng 0,1% trong tháng 8, mặc dù không cao, sau khi giảm trong tháng 7, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tuần trước.

Giới phân tích kỳ vọng rằng, các khoản vay trung và dài hạn sẽ tăng trở lại trong tháng 8, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7.

“Nhiều dữ liệu mà chúng tôi có hiện nay cho thấy sự suy thoái của nền kinh tế có thể chậm lại trong những tháng tới”, Raymond Yeung, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đến từ Australia & New Zealand Banking Group Ltd, cho biết. “Đây sẽ giống như một sự ổn định hơn là một sự phục hồi hoàn toàn.”

Những nỗ lực hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh - bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay chính sách, lãi suất thế chấp và yêu cầu trả trước khi mua nhà - có thể sẽ giúp ích phần nào. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính rằng, tác động chính sách của Chính phủ tương đương với khoảng 60 điểm cơ bản, hay 0,6% GDP.

Mặc dù những nỗ lực khôi phục niềm tin thị trường đã giúp chứng khoán Trung Quốc phục hồi trong ngắn hạn, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chờ đợi những dấu hiệu đảo chiều mạnh mẽ hơn. Chỉ số CSI 300 giảm hơn 10%, so với mức cao nhất trong tháng 1 năm nay. Đồng NDT cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, so với đồng USD vào tuần trước, mặc dù đã tăng trong hôm đầu tuần.

Gần đây nhất, Trung Quốc cho biết sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu trong nước. Chỉ số CSI 300 chỉ tăng 0,4% vào đầu ngày 11/9, chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm điểm. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong giảm tới 1,9% khi tiếp tục giao dịch trở lại, sau khi mưa lớn chưa từng thấy buộc thị trường phải đóng cửa trong hôm thứ Sáu tuần trước.

Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố vào Chủ nhật vừa qua, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã nhấn mạnh rằng các chính sách gần đây "có thể tạo ra sự phục hồi ngắn hạn trong thị trường bất động sản, nhưng không đủ để đảm bảo sự ổn định trong dài hạn". Họ kỳ vọng sự nới lỏng hơn nữa, bao gồm cắt giảm lãi suất hoặc các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, nếu doanh số bán nhà tiếp tục trượt dốc và tăng trưởng chậm hơn nữa.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng dịch vụ đang suy yếu sau khi trở thành động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào đầu năm nay. Điều đó cho thấy có thể cần thêm hỗ trợ chính sách để tăng cường chi tiêu hộ gia đình.

Áp lực giảm phát cũng không hoàn toàn biến mất: CPI vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức của Chính phủ là khoảng 3% trong năm./.

Theo Bloomberg