Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội nhằm mục đích gì?

VietTimes -- Theo Diplomat, quân đội Trung Quốc sẽ trở thành một đội quân được "Mỹ hóa" lớn nhất có khả năng áp chế quân đội các nước phát triển.
Năm 2015, hai lữ đoàn thiết giáp của Trung Quốc đã tập luyện trong một cuộc tập trận kéo dài một tuần tại Căn cứ huấn luyện Chu Hòa Nhật nằm trong khu vực tự trị Nội Mông. Cả hai lữ đoàn đều được trang bị xe thiết giáp cùng vũ khí tương tự nhau. Lữ đoàn Xanh (màu xanh) được tổ chức và chiến đấu giống như một lữ đoàn của Mỹ. 
Lữ đoàn Đỏ (màu đỏ) đã bị "nghiền nát". "Trong một giờ, chúng tôi bị đánh bại bởi không kích, vệ tinh do thám và tấn công mạng... Nói một cách thẳng thắn, tôi chưa bao giờ tưởng tượng trận đánh khó khăn tới vậy", Vương Tử Tường chỉ huy lữ đoàn Đỏ nói. Lưu Hải Đào - chính ủy của lữ đoàn Đỏ đã bật khóc trên camera sau khi toàn quân bị tiêu diệt.
Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã đăng đoạn tư liệu này vài ngày trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc vào tháng 10.2015. Lưu Hải Đào nói rằng lúc đầu đội của anh ta rất tự tin sẽ chiến thắng đội Xanh, vốn bị coi là yếu hơn. "Nhưng sau cuộc tập trận 7 ngày, chúng tôi đã bị đánh bại... Chúng tôi thua bởi đã không tiếp cận thực tế về những tiêu chuẩn chiến tranh hiện đại khi huấn luyện".
Tập trận tại Căn cứ huấn luyện Chu Hòa Nhật.
Cuộc huấn luyện dưới chuẩn trên chỉ nói lên một phần của sự thật. Giữa 2014-2016, đội Xanh đã lập kỷ lục thắng tổng cộng 32 lần với 1 lần tiêu diệt toàn quân đội Đỏ vốn được trang bị những thiết bị tốt nhất của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trung bình, đội Đỏ duy trì được khoảng 70% quân số sau mỗi lần chiến đấu với đội Xanh. Biểu hiện yếu kém của quân đội khi tác chiến với một đơn vị quân sự hiện đại khiến cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đủ lý do để rà soát lại toàn bộ quân đội. 
Vào tháng 9.2015, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tái cơ cấu toàn bộ quân đội trong đó bao gồm cả việc cắt giảm 300.000 quân. Ông muốn tạo ra một cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp và một tổ hợp quân sự - công nghiệp, giống với Luật Goldwater-Nichols của Mỹ - một chương trình hợp nhất dân sự - quân đội. Trong bài phát biểu tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình xác định 3 mục tiêu cho PLA: Tới năm 2020, cơ bản đạt được mục tiêu cơ giới hóa, có bước tiến triển rõ rệt trong việc sử dụng công nghệ thông tin và nâng cao khả năng chiến lược; Tới năm 2035, trở thành một lực lượng quân sự hiện đại; Tới 2050, trở thành đội quân đẳng cấp thế giới. 

Nếu ông Tập Cận Bình thi hành được đầy đủ chính sách tái cơ cấu và giải quyết được những quan điểm đối lập về chính trị và quân sự thì quân đội Trung Quốc sẽ có phương pháp tổ chức và điều hành gần như quân đội Mỹ. Đội quân PLA tái cơ cấu, sẽ không hơn quân đội Mỹ trong một cuộc chiến quy ước vì những lỗ hổng kỹ thuật và sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng với nhân tố chính là chiến thuật trong một cuộc chiến đặc biệt cùng với kỹ thuật thế hệ mới, PLA có thể có cơ hội trở thành một lực lượng mạnh nhất thế giới. 

Hoài bão quyền lực

Việc ông Tập Cận Bình tái cơ cấu quân đội có 2 lý do: Trung Quốc cần một hoài bão về quyền lực trên thế giới với một đội quân hiện đại có thể chiến đấu và chiến thắng. Đồng thời ông đang cần phải củng cố quyền lực trong Đảng. 

Với mong muốn trở thành một quyền lực trên thế giới, các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những hành động tái cơ cấu và hiện đại hóa vũ khí quân đội nhưng quân đội vẫn được tổ chức theo mô hình Liên Xô cũ. Chiến thuật tác chiến và học thuyết chiến tranh không thay đổi nhiều lắm vì những kỹ thuật thô sơ và lực lượng lục quân cồng kềnh có từ thời chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Trong khi quân đội thế giới đã chuyển sang tác chiến phối hợp từ những năm 1980, lục quân vẫn là một nhánh phục vụ chủ yếu nhất trong PLA. Hải quân và không quân chỉ có vai trò phụ trợ.
Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội  nhằm mục đích gì? ảnh 1Ông Tập Cận Bình cùng các tướng lĩnh Trung Quốc.

Từ quan điểm quốc phòng và an ninh đối ngoại, sự yếu kém của PLA tạo ra mối lo ngại cho chính quyền. Trung Quốc đã quyết định rót hàng trăm tỷ USD vào ván bài "Vành đai-Con đường" một kế hoạch phát triển lớn đa quốc gia để thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và các nước Á-Âu qua đường bộ và đường biển. PLA hiện đang phải đối mặt với những vấn đề biên giới với Ấn Độ và những tranh chấp trên Biển Đông. Ở phía Đông, Trung Quốc phải dè chừng Triều Tiên đã có khả năng hạt nhân. 

Sự cần thiết về tác chiến hiện đại và việc liên hợp các lực lượng đã gây ấn tượng mạnh với những chỉ huy tham gia hoặc quan sát cuộc tập trận tại căn cứ Chu Hòa Nhật. Trước đây, những cuộc huấn luyện đều là những trận nhỏ đánh theo công thức và thường kết thúc với việc những đội Đỏ tiêu diệt các đội Xanh. Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu một đội Xanh chuyên nghiệp nghiêm túc kiểm tra hiệu quả của các đội quân PLA. Giữa 2013 tới tháng 04.2014, lữ đoàn bộ binh cơ giới số 195 dưới sự chỉ huy của Hạ Minh Long đã trải qua việc tái tổ chức và đảm nhận nhiệm vụ làm đội Xanh. Khi đó, truyền thông Trung Quốc ám chỉ "học thuyết quân sự" được đội Xanh sử dụng giống như của quân đội Mỹ và cách tổ chức của nó càng gần với một lữ đoàn Mỹ hơn. Một buổi huấn luyện điển hình tại Chu Hòa Nhật sẽ bao gồm những hoạt động của đội Xanh như tấn công hạt nhân, trải thảm bom, tấn công điện tử chống lại các cuộc tấn công của đội Đỏ cũng như chỉ đạo các cuộc đột kích ban đêm. Các cách tác chiến đặc biệt cũng được áp dụng - Đội Xanh đại diện cho chính phủ để đội Đỏ chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn thành công giáp mặt và bắt giữ được chỉ huy của họ. Đội Xanh được trang bị những chiếc xe tăng lỗi thời Type 59 và xe thiết giáp Type 63, nhưng cách họ chiến đấu giống như đang sử dụng xe tăng M1 Abrams và xe thiết giáp BFV với các hệ thống tích hợp laser. Cuối cùng, đội Xanh thường chiến thắng áp đảo cả ở mặt phòng thủ lẫn tấn công. 
Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội  nhằm mục đích gì? ảnh 2Quân đội Trung Quốc được tổ chức thành các lữ đoàn thay vì sư đoàn.

Kết quả huấn luyện rõ ràng của các đơn vị PLA tại Chu Hòa Nhật đủ cho ông Tập Cận Bình thuyết phục những lãnh đạo cao cấp nhất của PLA chấp nhận tái cơ cấu ở mức độ cao để quân đội có thể đứng vững. Việc tái cơ cấu được thực hiện với rất nhiều chi tiết học được từ các nghiên cứu về quân đội Mỹ:

  • Quân Ủy Trung ương Trung Quốc được cải tổ lại để phù hợp với  cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp. Điều này phản ánh việc bãi bỏ 4 cơ quan trực thuộc, cơ cấu lại thành 15 đơn vị bao gồm cả các tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng hải quân và không quân trong Quân ủy vào Đại hội 19.
  • Hệ thống chỉ huy được chia làm 2: hệ thống tác chiến và hệ thống quản lý. Ví dụ, các vùng tác chiến sẽ giám sát các kế hoạch chiến dịch... Trong khi, các quân chủng tổ chức, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị tác chiến. 
  • PLA được tổ chức lại thành các lữ đoàn thay vì các sư đoàn.
  • Chương trình hợp nhất quân sự với dân sự mới của Trung Quốc hướng tới việc phát triển một tổ hợp quân sự - công nghiệp giống của Mỹ.
  • Vào 10.11, Quân Ủy trung ương Trung Quốc thông báo đưa ra chương trình nghĩa vụ quân sự mới.
  • Ngày 24.11, truyền thông Trung Quốc thông báo về việc thí điểm một chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp.
Sau khi tái cấu trúc, PLA sẽ giống với cơ cấu của quân đội Mỹ nhưng với cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp hai cấp vẫn cho phép đảng toàn quyền kiểm soát quân đội. Sự thành công của ông Tập sau khi tái cơ cấu quân đội xoay quanh những cố gắng để củng cố quyền lực trong Đảng. Ông Tập nổi bật trong đại hội 19 nhưng vẫn đối mặt với sự chống đối của các bè phái đối lập. Những nhân vật cấp cao trong Quân ủy Trung ương và báo chí của PLA hiện vẫn đang tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gạt bỏ "mối nguy hại do ảnh hưởng của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu" - hai vị cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương bị khai trừ khỏi Đảng và bắt giam vì tham nhũng. 64 vị tướng cao cấp cũng bị trừng phạt trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Ngoài ra, còn có nhiều tướng lĩnh bất mãn với chương trình tái cơ cấu của ông. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ  Nếu ông Tập thi hành tái cơ cấu thành công, PLA có thể trở thành một đội quân hiện đại nhưng chưa chắc đã vượt trội hơn quân đội Mỹ trong một cuộc chiến thông thường.  Mỗi năm, Mỹ dành 3,3% GDP (khoảng 611 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng. Quân đội Mỹ được coi là đội quân mạnh nhất thế giới. Về trang bị, Mỹ có 10 tàu sân bay, các phương tiện hiện đại như xe tăng M1 Abrams, trực thăng Apache các loại máy bay tiêm kích thế hệ mới như F-35, hệ thống liên lạc vệ tinh quân đội tân tiến và khoảng 6.800 đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 1,3 triệu quân thường trực trong đó có 200 nghìn quân nhân được triển khai ở nước ngoài. Quân đội Mỹ có tiêu chuẩn huấn luyện và tác phong chuyên nghiệp cao, thường xuyên tham gia vào các cuộc xung đột trên thế giới kể từ Thế chiến II.
Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội  nhằm mục đích gì? ảnh 3Máy bay tiêm kích tàng hình J-31 của Trung Quốc.

Trung Quốc dành 1,9% GDP (khoảng 216 tỷ USD vào năm 2016) cho ngân sách quốc phòng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận "khoảng cách rõ ràng" giữa kỹ thuật quân sự của PLA và các nước phát triển khác. Ví dụ, tàu sân bay Liêu Ninh là tàu được cải tiến lại từ chiếc tàu tua bin hơi nước do Liên Xô đóng. Còn máy bay tiêm kích J-31 thế hệ mới của PLA thiếu động cơ tân tiến để có thể bay với vận tốc siêu thanh như chiếc F-35. Xe tăng Type 99 là xe tăng hiện đại nhưng chưa từng được đưa ra thực chiến. Tiếp theo, đội quân 2 triệu binh sĩ của Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Chưa kể từ 1997 tới 2012, rất nhiều tướng Trung Quốc tham nhũng, quân đội không được huấn luyện tốt, thiếu tác phong chuyên nghiệp.

Vượt qua khoảng cách

Để cân bằng hay thậm chí vượt qua khoảng cách với Mỹ, quân đội PLA hiện đại sẽ sử dụng chiến tranh theo cách không thông thường mà họ đã thử nghiệm trong những năm gần đây.
Trong cuốn sách 100 năm Marathon, cố vấn của Lầu Năm Góc, ông Michael Pillsbury đã mô tả một cuộc chiến tưởng tượng giữa quân đội Mỹ và PLA. Phe Trung Quốc đã chiến thắng sau khi sử dụng phương pháp Sát Thủ Giản. Sát Thủ Giản là các vũ khí mà PLA phát triển để phá hoại và vượt qua những công nghệ quân sự cao cấp.
Các vũ khí này bao gồm: chống vệ tinh và chống tên lửa phóng từ tàu sân bay, vũ khí sóng ngắn cao tần, vũ khí xung điện từ, thiết bị làm nhiễu radar. Những vũ khí Sát Thủ Giản rẻ hơn rất nhiều so với các tàu sân bay hay máy bay tiêm kích thế hệ mới. Vì thế, Sát Thủ Giản là phương pháp hiệu quả để PLA thắng trận khi đối đầu với những đội quân mạnh liên lạc dựa vào vệ tinh, mạng, internet. 
Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội  nhằm mục đích gì? ảnh 4Máy bay không người lái Trung Quốc.

Việc các nước sử dụng các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc cho phần cứng công nghệ cao sử dụng trong quân đội cũng là một phương tiện để PLA chiếm ưu thế. Đã từng có vài trường hợp, microchip làm tại Trung Quốc là giả mạo hoặc chứa spyware. Năm 2010, Hải quân Mỹ phát hiện ra họ đã mua phải 59.000 microchip giả từ Trung Quốc. Những con chip này được dự định dùng trong tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu chiến và các thiết bị khác.

Năm 2014, Reuters đưa tin Lầu Năm Góc đã chấp thuận việc sử dụng nam châm Trung Quốc trong thành phần phần cứng đặc biệt của máy bay F-35. Kịch bản tốt nhất là những thiết bị Trung Quốc chế tạo hoạt động tốt. Nhưng ngược lại, điều xấu nhất là những thiết bị này có thể làm cho hệ thống hư hại hoặc hoạt động như thiết bị do thám cho PLA.

Một điều đáng chú ý hơn là những gì PLA có thể phát triển, chế tạo. Ngày 13.11, nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo tại đại học California, Stuart Russel đã đưa ra một đoạn phim tưởng tượng, nhấn mạnh khả năng hủy diệt của máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo, tiêu diệt các chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội ngay giữa ban ngày. Trung Quốc hoàn toàn có thể làm ra những gì Russell tưởng tượng.

Hiện tại, Trung Quốc đang đứng hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái và có thị phần lớn trong thị trường máy bay không người lái dân sự (chỉ riêng công ty Đại Cương đã chiếm 70% thị phần toàn cầu). Trong khi đó, Bắc Kinh đang có kế hoạch chi 100 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong chiến lược "Made in China 2025". Vì vậy, không kỳ lạ khi PLA có khả năng phát triển những chiếc máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo. 

Trung Quốc tích cực "Mỹ hóa" quân đội  nhằm mục đích gì? ảnh 5Tàu sân bay Liêu Ninh.

Cuối cùng, PLA có khả năng đe dọa an ninh mạng. Trong những năm gần đây, đơn vị an ninh mạng của PLA đã đột nhập thành công vào nhiều mạng trên thế giới và hạ tầng thông tin của các công ty và chính phủ. Tháng 5.2014, Bộ Tư Pháp Mỹ đã truy tố 5 thành viên thuộc đơn vị 61398 (thuộc Bộ tổng tham mưu cũ) vì đã đột nhập và lấy cắp thông tin của tập đoàn thép Mỹ Westinghouse Electric và các công ty khác. Hacker Trung Quốc cũng từng đột nhập thành công hệ thống máy tính của Cục quản lý nhân sự Mỹ có thông tin của 4 triệu nhân viên chính phủ.

Như vậy, PLA có đủ khả năng để cản trở các đội quân sử dụng mạng máy tính để liên lạc. Năm nay, 4 tàu của Hải quân Mỹ đã bị va chạm trong vùng biển Hoa Đông. Điều tra nội bộ cho biết sự việc xảy ra do sơ suất của thủy thủ đoàn. Nhưng các sự cố va chạm giữa 2 tàu chiến USS Fitzgerald và USS John S.McCain với những tàu thương mại theo tần suất và thời gian quá gần nhau đã khiến các nhà điều tra chính phủ và chuyên gia kỹ thuật xem xét về khả năng có thể đây là vụ tấn công mạng.

Việc tái cơ cấu quân đội của ông Tập Cận Bình có thể lấy cảm hứng từ tính ưu việt của quân đội Mỹ, phục vụ song song 2 mục đích: hiện đại hóa PLA và củng cố quyền lực trong đảng. Một đội quân Trung Quốc hiện đại có thể không vượt qua được Mỹ trong một cuộc chiến thông thường nhưng kết quả sẽ nghiêng về PLA nếu họ sử dụng những cách tác chiến và vũ khí đặc biệt. Trong kịch bản đó, PLA sẽ trở thành một đội quân "Mỹ hóa" lớn nhất có thể đe dọa tới Mỹ.