Theo tờ Nikkei Asia, Trung Quốc sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, yêu cầu các hãng xuất khẩu báo cáo các loại đất hiếm và điểm đến xuất khẩu của họ. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi trong nước phải đáp trả việc Mỹ siết chặt xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Những hạn chế mới của Trung Quốc dự kiến sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 10/2025. Các nhà quan sát cho rằng động thái của Trung Quốc nhằm thắt chặt kiểm soát các tài nguyên chiến lược có thể là một chiến thuật đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức trong tháng 11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ thương mại Trung Quốc thông báo đã bổ sung đất hiếm, bao gồm nhiều loại hợp chất và hợp kim, vào danh sách tài nguyên khoáng sản và các mặt hàng khác, yêu cầu các hãng xuất khẩu công khai thông tin như loại nguyên liệu và điểm đến xuất khẩu.
Trung Quốc chiếm 70% sản lượng đất hiếm của thế giới, rất cần thiết cho việc sản xuất xe điện và một số vũ khí, trong đó có tên lửa. Mỹ, nước đã tự khai thác một số khoáng sản quan trọng, đã vươn lên trở thành nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới. Nhưng nước này thiếu công suất luyện kim nên buộc phải xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc để chế biến trước khi tái nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tìm cách hợp tác với các đồng minh để thắt chặt xuất khẩu các thiết bị bán dẫn và sản xuất chip cao cấp sang Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu xem xét cấm xuất khẩu công nghệ sản xuất nam châm hiệu suất cao và các sản phẩm khác có sử dụng đất hiếm vào cuối năm ngoái. Do mâu thuẫn Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu gallium, một vật liệu bán dẫn, vào tháng 8.
Về nguyên tắc, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý về cuộc gặp mặt trực tiếp giữa ông Biden và ông Tập vào giữa tháng 11, và các nhà lãnh đạo có thể thảo luận về các hạn chế xuất khẩu cũng như cách quản lý sự cạnh tranh của hai nước tại hội nghị thượng đỉnh./.
“Canh bạc” đất hiếm của Trung Quốc phản tác dụng
Trung Quốc sẵn sàng sử dụng “vũ khí” đất hiếm trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ
Đất hiếm và chiến lược gọng kìm đầy hiệu quả của Trung Quốc
Theo Nikkei Asia