“Canh bạc” đất hiếm của Trung Quốc phản tác dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Một lần nữa, chiến thuật “nhe nanh vuốt” của Trung Quốc đã kết thúc một cách không như mong muốn.
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Và lần này là về đất hiếm, thứ được sử dụng trong chế tạo chiến đấu cơ hiện đại, phương tiện chạy bằng điện, máy tính, DVD, pin có thể sạc lại, smartphone, và rất nhiều ứng dụng khác.

Lời đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm ra thế giới mà Trung Quốc đưa ra giờ bắt đầu gây tác dụng ngược – thừa nguồn cung và vỡ giá – theo tạp chí Forbes.

Những tín hiệu quan trọng của sân chơi mới này đã bắt đầu ở Australia, nguồn đất hiếm lớn thứ hai thế giới, và Trung Quốc, nơi mà việc đẩy mạnh sản xuất đất hiếm để chờ thời điểm được giá đã làm ảnh hưởng tới giá cả của nhiều mặt hàng khác.

Những diễn biến trên thị trường các loại nguyên liệu như praseodymium và neodymium – được sử dụng để chế tao nam châm vĩnh cửu trong các máy bay hiện đại như F-35, xe hơi chạy điện – cũng đồng nhất với những diễn biến trên nhiều thị trường tài chính, nơi bắt đầu một cuộc chạy đua để phát hiện mỏ mới và xây dựng cơ sở chế biến nhằm đối phó với sự thống trị của Trung Quốc; theo Forbes.

Tuần trước, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing nói trong một cuộc họp báo rằng một số loại nguyên tố đất hiếm đang được bán với giá quá rẻ mạt do “cạnh tranh trong nước khốc liệt”. Theo một báo cáo của Reuters, ông Xiao nói rằng một số loại đất hiếm đang không được bán với “giá hiếm” mà với cái giá rẻ như đất.

Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 70% tổng lượng đất hiếm của toàn cầu, và trong quá khứ từng lợi dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực này để gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế và địa-chính trị.

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong chế tạo nhiều thứ, từ máy tính, TV, smartphone cho tới chiến đấu cơ hiện đại...(Ảnh: Handout)

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong chế tạo nhiều thứ, từ máy tính, TV, smartphone cho tới chiến đấu cơ hiện đại...(Ảnh: Handout)

Dẫn một số nguồn giấu tên, tờ Bloomberg nói rằng Bắc Kinh có thể cấm xuất khẩu công nghệ tinh chế đất hiếm cho một số quốc gia hoặc công ty mà họ cho là mối đe dọa. Và mặc dù Trung Quốc chưa có kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế xuất khẩu đất hiếm, nhưng họ vẫn đang giữ nguyên lựa chọn đó trong “túi sau” của mình nếu như quan hệ với Mỹ tiếp tục suy giảm; theo Money Week.

Bản chất của phần lớn các quặng đất hiếm là chúng chứa hỗn hợp 17 nguyên tố được xếp vào mục đất hiếm, và rất khó để có thể tách chúng ra thành dạng có thể sử dụng được, chưa kể tới việc quá trình này gây hại cho môi trường.

Có một vấn đề ở đây là, trong khi nhu cầu praseodymium và neodymium cao, thì lượng cầu với các nguyên tố khác lại rất hạn chế, như cerium và lanthanum; theo Forbes.

Ở Australia, Amanda Lacaze – Giám đốc điều hành của Lynas Corporation, công ty sản xuất đất hiếm lớn nhất nước – đã cảnh báo về rủi ro “xây dựng quá nhiều” các khu mỏ và cơ sở chế biến, do quan ngại về lời đe dọa cấm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc.

Lacaze nói rằng hiện tượng trên có thể gây tổn thất túi tiền của các nhà đầu tư. Nhưng bất chấp cảnh báo, các nguồn đầu tư vẫn đổ vào các hãng sản xuất đất hiếm ở bên ngoài Trung Quốc.

Đã có nhiều tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang đổ tiền vào lĩnh vực này: Hàng loạt công ty startup trong lĩnh vực đất hiếm đã huy động vốn thành công, trong đó phải kể tới Hastings Technology Metals, thu hút được 78 triệu USD vốn đầu tư cho dự án Yangibana ở Tây Australia; theo Forbes.

Hãng khai khoáng titanium Iluka Resouces cũng đang đàm phán với chính phủ một số nước đề khai thác đất hiếm.

Những động thái tương tự nhằm làm tăng nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc cũng đang diễn ra năng động ở Mỹ và Canada, thậm chí là ở Greenland, ở mọi nơi – tất cả đều được chính phủ Mỹ khuyến khích nghiên cứu tính dễ tổn thương của chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng.

Greenland hiện sở hữu cái mà Cơ quan Khảo sát Mỹ (USGS) gọi là mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới chưa được khai thác; theo VOA News. Kết quả là, 2 công ty khai khoáng của Australia đang chạy đua giành quyền khai thác trong các dự án có thể có chi phí lên tới 500 triệu USD mỗi dự án.

Tranh luận về các mỏ khai thác có thể mở đã gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị ở Greenland. Tháng 4 năm nay, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức tại hòn đảo 56.000 dân này. Nhiều người dân Greenland lo ngại về ô nhiễm khi khai thác, nhưng họ tin rằng khai khoáng là ngành quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng trước đã thưởng cho công ty Lynas của Australia 30 triệu USD để mở cơ sở chế biến đất hiếm ở bang Texas, theo trang tin Quartz.com. Năm ngoái, Lầu Năm Góc cũng rót vốn cho một công ty liên doanh giữa Lynas và Blue Line có trụ sở tại Texas để tách các nguyên tố đất hiếm nặng ở Mỹ.

Một cơ sở chế biến đất hiếm trị giá 24,5 triệu USD cũng đang được xây dựng ở Saskatoon, Saskatchewan, Canada; theo CBC News. Cơ sở này lần đầu được công bố vào tháng 8/2020 và sẽ được rót vốn bởi tỉnh Saskatchewan, thuộc sở hữu và vận hành bởi Hội đồng Nghiên cứu Saskatchewan (SRC). Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động hết công suất vào cuối năm 2022.

Một công ty khác, Appia Energy Corp, còn cho hay họ đã phát hiện ra pegmatites, một loại đá có chứa đất hiếm chất lượng cao, ở khu vực phía Bắc Saskatchewan; theo CBC News.

Sau khi Trung Quốc ngừng vận chuyển các lô vaccine COVID-19 cho Canada – thậm chí sau khi đạt nhất trí về một thỏa thuận – dường như chính quyền nước này không còn tin vào Bắc Kinh nữa.

Vũ khí hóa đất hiếm đã được chứng minh là “con dao hai lưỡi” – nó có thể khiến một số quốc gia lo lắng, nhưng cũng gây vỡ giá do nguồn cung quá nhiều trong tương lai. Trớ true thay, điều này gây ảnh hưởng nặng nề tới các nhà sản xuất đất hiếm ở Trung Quốc.

Theo Asia Times