Đất hiếm trở thành điểm nóng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (Ảnh: NBC) |
Cuộc tranh luận mới đây về việc liệu Trung Quốc có hiện thực hóa lời đe dọa của họ, ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ hay không, là đặc biệt quan trọng. Nó làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc tự chủ nguồn cung cho công nghiệp quốc phòng. Nhưng sự độc quyền của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp đất hiếm toàn cầu mang ý nghĩa còn hơn là một quân bài trong cuộc chiến thương mại. Ván cờ này còn lớn hơn là điều mà giới chuyên gia an ninh quốc gia tưởng tượng.
Trong tư tưởng của các chiến lược gia Trung Quốc, vấn đề này thực chất là về quốc gia nào - Trung Quốc hay Mỹ - sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21. Rõ ràng là họ muốn thắng, và phải thắng lớn.
Trung Quốc coi đất hiếm như một nhân tố quan trọng đối với sức mạnh đang trỗi dậy của họ và kiềm chế nước Mỹ. Nhiều chương trình nghị sự của Trung Quốc mới đây còn gọi đất hiếm là "nguồn tài nguyên chiến lược" đối với "6 nhóm công nghệ mới" mà Bắc Kinh xem là "những bộ động cơ" tiếp sức mạnh cho Trung Quốc trong tương lai. Các nhóm này bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ dược phẩm, vật liệu mới, các nguồn năng lượng mới, công nghệ vũ trụ và đóng tàu công nghệ cao. Theo một nghiên cứu mới, cứ mỗi 5 năm Trung Quốc lại đạt bước đột phá trong việc ứng dụng đất hiếm, và cứ mỗi 6 năm lại có 1 phát mình mới liên quan tới loại khoáng sản này.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã xem đất hiếm như lĩnh vực cạnh tranh chiến lược. Năm 2015, một trong những hãng truyền thông chính thức của quân đội Trung Quốc đăng tải một bài viết trong đó nói rằng, đất hiếm sẽ trở thành "nguồn khoáng sản chiến lược, đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và chiến thắng chiến tranh hiện đại". Bài viết này còn gọi đất hiếm là "sinh mạng của quốc phòng" và thêm rằng: "Giờ đây cuộc cạnh tranh giữa các nước đối với nguồn lực chiến lược này (đất hiếm) đang ngày càng trở nên căng thẳng. Bởi vậy chúng ta cần...tăng cường sự bảo vệ và kiểm soát đối với các nguồn lực chiến lược này".
Và để thực hiện chiến lược đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thành công trong việc thực thi hàng loạt kế hoạch nhằm khóa chặt thị trường đất hiếm toàn cầu. Đất hiếm cũng là một phần trong "Made in China 2025" - một kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm làm xói mòn ngành công nghiệp công nghệ cao và vị trí kinh tế đầu bảng của Mỹ bằng cách áp dụng các hoạt động thương mại không công bằng. Đất hiếm cũng được nêu bật trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) về khoa học và công nghệ của Trung Quốc, trong đó nhắc tới việc sử dụng đất hiếm để phát triển các công nghệ tương lai, giúp thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Dưới thời của Chủ tịch Tập Cận bình, chiến lược "hợp nhất quân sự-dân sự" đã quân sự hóa nhiều lĩnh vực kinh tế dân sự của Trung Quốc. Và một lần nữa, đất hiếm lại đóng vai trò quan trọng. Đất hiếm là thứ không thể thiếu trong việc sản xuất các thiết bị điện tử được ứng dụng trong mọi hệ thống quân sự hiện đại của Trung Quốc, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa, tàu ngầm, siêu máy tính và radar. Nó cũng đóng vai trò chủ chốt trong chương trình tăng cường sức mạnh hạt nhân. Tháng 7/2018, Viện Đất hiếm Hạ Môn Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang thực hiện các dự án kỹ thuật hạt nhân quy mô lớn cho quân đội Trung Quốc.
Để đào tạo đội ngũ chất xám cần thiết duy trì sự thống trị ngành công nghiệp đất hiếm, Trung Quốc đã đưa ra Kế hoạch Ngàn người tài - một chương trình của Chính phủ nhằm đào tạo, thu hút hàng nghìn nhân lực trình độ cao để làm việc ở Trung Quốc và đóng góp cho các chương trình chiến lược của họ. Dù Chính phủ Trung Quốc giấu kín danh tính của những công dân Mỹ đã bị thu hút bởi chương trình này, nhưng một trong số các tổ chức chiêu mộ này là Khu Công nghiệp Công nghệ cao Đất hiếm Baotou nằm ở vùng núi non miền trung Trung Quốc. Đây là khu phức hợp được cho là một phần của chương trình hạt nhân Trung Quốc.
Đất hiếm tại một nhà máy sản xuất ở Trung Quốc (Ảnh: NewAPI)
|
Chiến lược tổng thể của Trung Quốc đối với đất hiếm dựa vào các chính sách kinh tế tước đoạt của họ. Một mặt, các công ty nhà nước của Trung Quốc lợi dụng sự cởi mở của các hệ thống quốc tế để tấn công các công ty của Mỹ cạnh tranh với họ, đánh cắp công nghệ, thu hút nhân tài của các công ty này, và rồi bán chúng với giá thấp để làm suy giảm sức cạnh tranh của đối thủ.
Mặt khác, Trung Quốc tận dụng chính sách bảo hộ của họ để ngăn các công ty nước ngoài tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước. Các công ty Mỹ ở Trung Quốc, dù ban đầu thu được lợi nhuận, nhưng theo thời gian lại thường bị thâm nhập, bị thao túng, và cuối cùng là bị các công ty nhà nước của Trung Quốc thôn tính hoặc phải cuốn gói về nước. Hậu quả là, các sản phẩm sử dụng đất hiếm trước kia chỉ có các công ty Mỹ mới sản xuất được giờ lại được chế tạo dễ dàng bởi các tập đoàn nhà nước có quan hệ với quân đội ở Trung Quốc.
Chiến lược của Trung Quốc hữu hiệu đến bất ngờ. Trung Quốc giờ là nước có lượng đất hiếm dự trữ lớn nhất thế giới và là quốc gia duy nhất có khả năng cung cấp mọi loại đất hiếm. Đáng ngại hơn, Trung Quốc kiểm soát khoảng 80-90% các sản phẩm đất hiếm trên thị trường toàn cầu, khiến Mỹ phụ thuộc một cách nguy hiểm vào họ. Đây là điều rất bất ngờ, nếu xét đến thực tế rằng trong những năm 1980, Mỹ từng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Và trong lúc Trung Quốc thay thế vị trí nước xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, họ cũng là nước tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm sản xuất trong nước.
Đối với các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, câu chuyện Trung Quốc thống trị đất hiếm được coi là một bài học cay đắng. Cũng chiến lược tương tự đang được Trung Quốc áp dụng cho cả mảng công nghệ, quân sự, và tăng trưởng kinh tế, từ dược phẩm cho tới hàng không và từ trí tuệ nhân tạo cho tới mạng 5G.
Theo National Interest
Các tập đoàn lớn của Trung Quốc không cần phải tạo ra lợi nhuận, chúng thuộc về nhà nước, được nhà nước và quân đội trợ cấp theo rất nhiều cách. Và các tập đoàn này không phải tuân thủ bất kỳ luật lệ quốc tế nào. Điều duy nhất mà các tập đoàn này cần làm đó là tuân thủ mệnh lệnh của chính quyền và lật đổ các công ty đối thủ từ Mỹ. Nếu Mỹ không có chiến lược ngăn chặn, đây sẽ tiếp tục là công thức chiến thắng của Bắc Kinh.
Nhờ có đất hiếm, Trung Quốc đã tìm ra được một yếu điểm của Mỹ để tận dụng. Dù cho đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế công nghệ cao của Mỹ, nhưng sản lượng của nước này lại giảm dần. Việc cấp thiết nhất với nước Mỹ bây giờ là phải nhận thức rõ được chiến lược của Trung Quốc, nếu không muốn an ninh và sự thịnh vượng của họ tiếp tục bị đe dọa.
Đến nay, Mỹ vẫn khó có thể tự lo nguồn cung đất hiếm mà họ cần có. Điều này khiến cho nước Mỹ, đặc biệt là quân đội của họ, bị đặt trong tình trạng hoang mang. Chính phủ Trung Quốc coi Mỹ là một địch thủ và từng thể hiện rõ rằng họ sẽ làm mọi thứ để làm xói mòn các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Bởi vậy, giới lãnh đạo Mỹ sẽ cần phải đưa ra mọi biện pháp có thể để thoát khỏi gọng kìm này.