Trên cơ sở phân tích những quan điểm pháp lý của Trung Quốc về vụ kiện lên Tòa Trọng tài, nhiều khả năng một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ được đưa ra. Như vậy, sau phán quyết, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao và Mỹ cần có những bước đi cần thiết nào để bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ đồng minh và duy trì ảnh hưởng tại khu vực?
"Nội soi" yêu sách chủ quyền của Trung Quốc
Trung Quốc tìm cách định hình luật biển như thế nào để hợp pháp hóa các tuyên bố chủ quyền của mình.
Cách đây 1 năm rưỡi, vùng Biển Đông đang tranh chấp bị ngập trong các mưu đồ quốc tế và thủ đoạn pháp lý. Vào ngày 7/12/2014, hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lập trường pháp lý của Washington về tuyên bố “đường 9 đoạn” gây tranh cãi trên Biển Đông của Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra một văn kiện lập trường thể hiện sự phản đối của nước này đối với quyền hạn xét xử của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye trong khi nhắc lại mục đích của mình là không tham gia vụ kiện pháp lý do Philippines khởi xướng. Vào ngày 11/12/2014, Việt Nam cũng đưa ra một tuyên bố chính thức tới Tòa ủng hộ vụ kiện ra Tòa Trọng tài của Philippines và bày tỏ sự phản đối của riêng mình đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển tại Biển Đông của Trung Quốc.
Cả 3 lập trường pháp lý này đều được đưa ra trước ngày 15/12/2014, hạn chót để Trung Quốc có phản hồi chính thức về vụ kiện do Philippines khởi xướng lên PCA vào đầu năm 2013. Thời điểm đưa ra lập trường cho thấy Bắc Kinh, Washington và Hà Nội đều nhận ra sự cấp thiết mang tính chiến lược của việc có được các cơ sở về pháp lý và đạo đức nổi bật và gây ảnh hưởng tới Tòa án trước khi có phán quyết về quyền tài phán vào tháng 10/2015 và phán quyết sắp được đưa ra.
Quãng nghỉ chiến lược, trong khi PCA xem xét tất cả các lập luận pháp lý, đem lại cơ hội nghiên cứu các hàm ý pháp lý trong tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông – đặc biệt khi chúng liên quan tới việc phân định ranh giới các khu vực trên biển, khẳng định chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình và khả năng cho phép thực hiện các hoạt động quân sự tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Bằng cách này, người ta có thể đánh giá đúng hơn sự phức tạp và các sắc thái pháp lý đang được Tòa xem xét và hiểu rõ hơn các hệ quả của phán quyết sắp tới đối với các bên tuyên bố chủ quyền, khu vực lớn hơn, Mỹ và trật tự thế giới (pháp trị quốc tế). Sau đó, luận bàn địa chính trị có thể được xem xét bằng việc dự doán PCA có thể ra phán quyết như thế nào trong vụ kiện ra Tòa Trọng tài và sau đó xác định các cơ hội chiến lược tiềm tàng của Mỹ như là kết quả của phán quyết.
Chiến lược mơ hồ và "sự đã rồi" của Bắc Kinh
Trung Quốc cho rằng vụ kiện phân xử không phải là về việc diễn giải Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) liên quan tới các tuyên bố trên biển, mà là về chủ quyền lãnh thổ của các tuyên bố này, mà UNCLOS không có quyền hạn xác định. Hơn nữa, bản thân Tòa Trọng tài không có thẩm quyền tài phán để xác định chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình trong khu vực vì quyền tài phán của Tòa chỉ giới hạn ở các vấn đề liên quan tới việc diễn giải và áp dụng UNCLOS, và một lần nữa UNCLOS không xem xét vấn đề chủ quyền.
Cuối cùng, Bắc Kinh khẳng định rằng Manila đã vi phạm các thỏa thuận song phương trước đó – cụ thể là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) của ASEAN năm 2002 – nhằm giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc thông qua đàm phán song phương chứ không phải sự phân xử quốc tế.
Tháng 10/2015, PCA hầu như đã bác bỏ các lập luận pháp lý nêu trên của Trung Quốc. Thay vào đó, Tòa đã công nhận tính ưu việt của UNCLOS trong việc xác định các quyền trên biển và giải quyết tranh chấp trên biển; bác bỏ việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện như là sự kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp của UNCLOS; tuyên bố rằng Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) và DOC của ASEAN không ngăn chặn bất cứ bên tham gia nào tìm kiếm sự phân xử của bên thứ ba.
Tòa chấp nhận khẳng định pháp lý của Philippines rằng 15 yêu cầu nước này nộp cho Tòa chỉ liên quan tới việc diễn giải và áp dụng UNCLOS, chứ không liên quan tới các tuyên bố chủ quyền khác nhau trên khắp Biển Đông, và vì vậy nằm trong quyền hạn phân xử. Nói ngắn gọn, Manila sẽ có ngày phán quyết được chờ đợi từ lâu của nó tại tòa án quốc tế khi PCA cân nhắc và đưa ra phán quyết vào tháng 7.
Làm phức tạp hơn nữa các vấn đề chính trị và pháp lý hiện có, Đài Bắc đã tái khẳng định rằng đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Đài Loan chiếm đóng trái phép và tuyên bố chủ quyền đáp ứng các tiêu chuẩn cho một hòn đảo (so với một đá) theo các điều khoản của UNCLOS và vì vậy có quyền hưởng một Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý. Đây không phải là một vấn đề pháp lý thông thường. Vị thế pháp lý của đảo Ba Bình, cấu trúc địa hình tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, sẽ là một yếu tố quan trọng trong các cân nhắc của Tòa và có các hệ quả chiến lược đối với Đài Loan, Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông.
Nếu PCA ra phán quyết coi Ba Bình chỉ là một đá và không đủ điều kiện hưởng EEZ, nhiều khả năng Tòa án này sẽ ra phán quyết tương tự với các cấu trúc địa hình còn lại trong quần đảo Trường Sa – qua đó hạn chế đáng kể các quyền trên biển mà bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào cũng có quyền hưởng dựa trên việc chiếm đóng và kiểm soát hành chính các cấu trúc đó, và đem lại lợi ích lớn cho các quốc gia ven biển như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Tuy nhiên, nếu phán quyết cho rằng Ba Bình là một hòn đảo và có quyền hưởng EEZ, thì các quyền lợi hàng hải đi kèm sẽ bao trùm phần lớn quần đảo Trường Sa. Và do Tòa không thể xác định chủ quyền, nó sẽ đem lại một cơ hội cho các bên tuyên bố chủ quyền khác trên Biển Đông – bao gồm cả Trung Quốc – đòi hỏi EEZ. Vì vậy, Bắc Kinh có thể tiếp tục có một tuyên bố chủ quyền đối với một diện tích rộng lớn trên Biển Đông – cho dù thông qua Đài Bắc.
Nhìn chung, văn kiện pháp lý của Trung Quốc gửi tới Tòa là sự biểu hiện mới nhất chiến lược chiến tranh pháp lý của nước này – sử dụng mang tính chiến lược luật pháp và các tuyên bố pháp lý để đạt được hay chống lại một mục tiêu quân sự hay quốc gia. Mục tiêu chiến lược là duy trì sự không rõ ràng về mặt pháp lý liên quan tới phân định ranh giới trên biển và chủ quyền của nhiều cấu trúc địa hình khác nhau trên Biển Đông.
Sự mơ hồ về mặt pháp lý khiến các bên tuyên bố chủ quyền khác do dự và ngập ngừng, và cho phép Bắc Kinh tự do hành động để thúc đẩy và khẳng định hơn nữa các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình thông qua các biện pháp khác. Nói đơn giản, Trung Quốc khẳng định và thúc đẩy các tuyên bố, tạo sự đã rồi trên thực địa để củng cố các tuyên bố đó và định hình luật biển để hợp pháp hóa các tuyên bố của mình, bao gồm phân định ranh giới các khu vực trên biển, khẳng định chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình và khả năng cho phép thực hiện các hoạt động quân sự trong EEZ.
Phân định ranh giới các khu vực trên biển
UNCLOS đã hiện đại hóa sự sắp xếp các khu vực trên biển kéo dài từ bờ biển một quốc gia. Điều 3 ghi rõ vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Điều 33 cho phép một khu vực tiếp giáp rộng 12 hải lý vượt ra ngoài ranh giới lãnh hải, tại đó các nước có thể tham gia các hoạt động thực thi pháp luật liên quan tới các quy định về hải quan, nhập cư và vệ sinh. Điều 57 xác định EEZ rộng 200 hải lý ở vùng biển liền kề. Cuối cùng, Điều 76 cho phép tuyên bố một thềm lục địa rộng hơn 200 hải lý, nhưng không rộng hơn 350 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển. Mỗi khu vực này được xác định bởi đường cơ sở của quốc gia đó phù hợp với các điều khoản trong Điều 5.
Bắc Kinh cố gắng diễn giải các điều khoản này bằng cách tuyên bố chủ quyền tùy tiện đối với các khu vực trên biển thông qua các đường cơ sở chặt chẽ quá mức, các đường cơ sở trái pháp luật quanh quần đảo và các quyền mơ hồ dựa trên các vùng nước lịch sử. Nói ngắn gọn, Trung Quốc cuối cùng tìm cách chia tách các vùng biển cho quá trình phát triển kinh tế của riêng mình và tạo ra các khu vực phi quân sự hóa trên thực tế ở giữa Biển Đông cho các mục đích quân sự.
Tuyên bố “đường 9 đoạn” gây tranh cãi của Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho một khu vực trên biển phi lý chủ yếu dựa trên các quyền đối với vùng nước lịch sử. Lý thuyết về quyền lịch sử liên quan tới một số ít tình huống, bao gồm điều chỉnh ranh giới trên biển dựa trên các thông lệ đánh bắt cá trong lịch sử, thiết lập một quốc gia đảo và đi qua các eo biển. Không có nền tảng pháp lý cho một tuyên bố về các quyền lịch sử đối với một EEZ.
Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng Trung Quốc có bằng chứng mạnh mẽ để hỗ trợ các tuyên bố về quyền lịch sử của mình tại Biển Đông, nhưng lại cung cấp rất ít bằng chứng và những bằng chứng ít ỏi nước này cung cấp lại thiếu sự nhất quán và chính xác về lịch sử và địa lý. Hơn nữa, bằng chứng lịch sử được cung cấp bằng tài liệu cho thấy các vùng biển trong khu vực đã là các ngư trường và tuyến đường thương mại chung cho nhiều dân tộc trong khu vực, chứ không chỉ riêng người Trung Quốc.
Quả thực, bằng chứng đó, cũng như bằng chứng về khả năng có thể cư trú được của các cấu trúc địa hình mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền theo các quyền lịch sử, làm suy giảm nghiêm trọng khả năng Bắc Kinh đáp ứng các tiêu chuẩn cho quyền đối với vùng nước lịch sử như đã được Tòa án công lý quốc tế đưa ra năm 1951.
Mưu đồ thâm hiểm
Điểm then chốt trong lập luận pháp lý của Bắc Kinh là vụ kiện phân xử và hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, tranh chấp trên biển trong khu vực đều xoay quanh chủ quyền lãnh thổ. Vì vậy, câu hỏi chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình khác nhau phải được trả lời để giải quyết câu hỏi về lãnh hải, EEZ và đường cơ sở vì bản chất của cấu trúc địa hình quyết định liệu nó có quyền hưởng các khu vực trên biển nhất định hay không và chủ quyền đối với cấu trúc đó chịu trách nhiệm cho việc tuyên bố đường cơ sở mà từ đó các khu vực trên biển được vẽ ra.
Tuy nhiên, trước khi kết luận quốc gia nào có chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình đang tranh chấp trên Biển Đông, trước hết người ta phải xác định các cấu trúc này có phải là đảo hay không. Theo Điều 121, để trở thành một hòn đảo, một cấu trúc phải là một vùng đất được hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi biển và nằm cao hơn mực nước khi thủy triều lên. Ngoài ra, một hòn đảo phải duy trì được sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của riêng nó, nếu không cấu trúc chỉ được coi là đá chứ không phải đảo.
Điểm quan trọng nằm ở chỗ một hòn đảo có quyền hưởng cả lãnh hải và EEZ, nhưng một đá chỉ được hưởng lãnh hải – một sự khác biệt đáng kể về diện tích bề mặt (400 dặm vuông so với 120.000 dặm vuông). Tuy vậy, bất chấp lập trường pháp lý quốc tế (UNCLOS) rằng một cấu trúc nằm dưới mực nước biển hoặc một cấu trúc nửa chìm nửa nổi không thể được biến thành một hòn đảo có quyền hưởng các khu vực trên biển, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng nhiều cấu trúc địa hình của nước này là các đảo và tạo sự đã rồi trên thực địa để biến chúng thành các đảo, như trường hợp của nhiều phần đất mới nhô lên và các cải tạo hiện nay tại quần đảo Trường Sa.
Tiêu chuẩn quốc tế cho quyền chủ quyền đối với các cấu trúc địa hình này đòi hỏi một quốc gia thể hiện sự chiếm đóng hiệu quả hay sự cai quản và kiểm soát liên tục. Các hành động của Trung Quốc cho tới nay đều hướng tới việc đáp ứng tiêu chuẩn này, và khi nước này có thể tiếp tục các hành động đó càng lâu, lập luận pháp lý cho chủ quyền của Trung Quốc càng trở nên mạnh hơn.
Nói cách khác, lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh nằm ở việc duy trì và kéo dài nguyên trạng đối với các cấu trúc nước này tuyên bố chủ quyền và kiểm soát. Các nỗ lực cải tạo đất đang diễn ra, sự chiếm đóng liên tục và các cuộc tuần tra trên biển đều đặn đều được thiết kế để củng cố tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Khả năng cho phép thực hiện các hoạt động quân sự trong EEZ
Lập luận của Trung Quốc về khả năng cho phép thực hiện các hoạt động quân sự trong EEZ có tính mở rộng và phát triển về mặt pháp lý. Bắc Kinh cho rằng các hoạt động quân sự tại vùng biển quốc tế và EEZ là phi pháp dựa trên tinh thần lập pháp của UNCLOS và một đòi hỏi từ hiệp ước đó rằng vùng biển quốc tế chỉ được sử dụng cho các mục đích hòa bình. Tuy ngôn từ trong UNCLOS chỉ đề cập tới vùng biển quốc tế, các học giả về luật pháp của Trung Quốc khẳng định hơn nữa rằng các hoạt động quân sự trong EEZ cũng là bất hợp pháp.
Lập luận của họ là nếu UNCLOS đòi hỏi các nước chỉ sử dụng vùng biển quốc tế vì mục đích hòa bình, thì các hoạt động của nước ngoài tại một EEZ (một khu vực đặc biệt được quốc gia ven biển quản lý) cũng phải mang tính hòa bình và vì thế mâu thuẫn với các hoạt động quân sự, mà đương nhiên không mang tính hòa bình. Các học giả về luật pháp của Mỹ đã đáp trả rằng hoạt động quân sự là một hoạt động hợp pháp được công nhận trên vùng biển quốc tế và trong một EEZ theo luật pháp quốc tế thông thường. Các hoạt động quân sự được thực hiện theo việc áp dụng quyền tự do hàng hải, được đảm bảo theo Điều 58.
Mặt khác, Trung Quốc lại phân loại nhiệm vụ của tàu khảo sát quân sự là nghiên cứu khoa học biển chứ không phải hoạt động khảo sát quân sự. Cách diễn giải này cũng là một cách hiểu mở rộng về quyền lực của quốc gia ven biển trong một EEZ. Theo UNCLOS, các quốc gia có quyền chủ quyền và quyền điều chỉnh đối với các tài nguyên sống trên biển và hoạt động bảo vệ môi trường, khác biệt so với nghiên cứu khoa học biển. Trung Quốc diễn giải sự khác biệt này có nghĩa là mọi hoạt động còn lại, và những hoạt động không phải là phát triển nguồn lực, hình thành nên một phần của nghiên cứu khoa học biển, để bao gồm hoạt động khảo sát quân sự. Kết quả của cách diễn giải hẹp này là để cho phép quốc gia ven biển điều chỉnh mọi hoạt động bên trong EEZ của nước này.
Tuy vậy, cách diễn giải của Bắc Kinh dường như bỏ qua Điều 58 của UNCLOS, điều lệ quản lý quyền và nghĩa vụ của các nước khác trong EEZ. Quả thực, Điều 58 nêu rõ rằng quyền tự do hàng hải, cũng như quyền tự do tham gia các hoạt động sử dụng biển phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan tới hoạt động bay qua cũng như đặt đường ống và cáp dưới biển, cũng có hiệu lực trong EEZ của một quốc gia ven biển. Vì vậy, tuy ngôn từ của điều khoản này không nhắc tới hoạt động quân sự, nhưng người ta có thể kết luận rằng hoạt động khảo sát quân sự là một trong số các quyền tự do liên quan tới các hoạt động được cho phép nêu trên.
(còn nữa)
* Bài viết đăng trên The Diplomat của tác giả, đại tá Tuan N. Pham là sĩ quan hải quân Mỹ, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tại các khu vực Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương.