Theo Tân Hoa xã, Quy định mới được đề ra nhằm khắc phục một vấn đề tồn tại từ lâu, theo đó các cán bộ được đề bạt hoặc duy trì ở một cấp bậc, song không bị giáng cấp trừ khi vi phạm kỷ luật của CPC hoặc phạm pháp.
Củng cố bộ máy, đấu với quan tham
Theo đó, các cán bộ đương nhiệm cần tuân thủ các nguyên tắc của CPC, trung thực, liêm khiết, có trách nhiệm, mẫn cán và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. CPC sẽ đề bạt các cán bộ có năng lực, thay thế những cá nhân yếu kém và sa thải những người không đủ khả năng hoặc có hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, CPC đặt mục tiêu củng cố bộ máy cán bộ bằng cách bổ nhiệm các quan chức có năng lực vào vị trí phù hợp, loại trừ các tác phong công việc không lành mạnh như thiếu tích cực trong hoạt động chính trị, lơ là trách nhiệm và lạm dụng chức quyền. Các cán bộ bị phát hiện năng lực yếu kém hoặc thiếu chủ động trong việc hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cách chức.
Cùng với việc quy định minh bạch hóa việc xử lý cán bộ, Trung Quốc tiếp tục mạnh tay với tham nhũng. Cùng ngày 28/7, Tân Hoa xã đưa tin Dương Cương (Yang Gang), nguyên Bí thư Thành ủy Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, đã bị buộc tội tham nhũng. Ông Dương Cương bị buộc tội nhận hối lộ, “trục lợi cho người khác” và “nhận các tài sản khổng lồ từ người khác một cách phi pháp”. Cựu quan chức này giữ cương vị Bí thư Thành ủy Urumqi từ năm 1999 - 2006.
Chưa hết, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc (miền Bắc nước này) Chu Bản Thuận cũng đã bị cách chức. Bên cạnh đó, Chu Bản Thuận còn bị cách chức Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân tỉnh Hà Bắc - cơ quan lập pháp địa phương. Hiện Chu Bản Thuận đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra với cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Trước đó, chính quyền Bắc Kinh thông báo cách chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao đối với ông Tiếu Thiên do bị điều tra tham nhũng. Theo CCDI, họ đã đặt ông Tiếu Thiên vào vòng điều tra do bị tình nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp”, cụm từ dùng để ám chỉ tội tham nhũng. Tờ Bắc Kinh Thời báo cho hay, nhân kỳ thanh tra hồi tháng 11/2014, Ban Kiểm tra và Kỷ luật cùng với Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã phát hiện nhiều vấn đề trong công tác quản lý ngành thể thao.
Ông Tiếu Thiên cùng với vợ là bà Điền Hoa, cũng là cán bộ nhà nước, bị nghi ngờ có hành động tuyển chọn mờ ám các vận động viên điền kinh và can thiệp vào nhiều giải đấu. Ông Thiên và vợ còn bị nghi ngờ hối lộ một số quan chức và trọng tài tại các giải đấu quốc gia hồi năm 2013. Từng là một tay kiếm thuật cừ khôi, ông Tiếu Thiên là quan chức cao cấp nhất trong ngành thể thao bị hạ bệ trong chiến dịch chống tham nhũng.
Bên lĩnh vực tư pháp, một quan chức cao cấp khác - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao - cũng đang nằm trong danh sách đối tượng bị điều tra vì tham nhũng, trở thành thẩm phán cao cấp nhất bị chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm tới. Ông Hề Hiểu Minh, 61 tuổi, là Thẩm phán tại Tòa án Tối cao từ năm 1982, bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật của Đảng” và “vi phạm luật pháp”, theo thông cáo của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước nữa, ông Lệnh Kế Hoạch, nhân vật thân tín của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng bị khai trừ khỏi Đảng và chính thức bị bắt giữ. Phóng viên LeFigaro Patrick Saint Paul ở Bắc Kinh nhận xét: “Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình quả là không ngơi nghỉ. Tư pháp Trung Quốc chuẩn bị xét xử một con “hổ” mới - Lệnh Kế Hoạch, nguyên là cố vấn của ông Hồ Cẩm Đào - và chỉ vài tuần sau khi kết án tù chung thân cựu Sa hoàng của ngành an ninh Chu Vĩnh Khang”.
Ông Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc nhiều sai phạm nghiêm trọng: vi phạm kỷ luật tổ chức, kỷ luật bảo mật... lạm dụng quyền thế, tham ô, nhận đút lót, ngoại tình... Cũng theo Le Figaro, trong một xã luận của Hoàn Cầu Thời báo, tác giả Quốc Bình - bút hiệu được chính quyền sử dụng khi muốn cho ý kiến về một sự kiện chính trị hay kinh tế quan trọng – vụ án Lệnh Kế Hoạch được nêu lên như một lời cảnh cáo đối với đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, để họ không lập bè phái, tránh đeo đuổi quyền lợi cá nhân trong Đảng, hay có “những hành động chống đối hay tự phụ”.
Chu Vĩnh Khang trước Tòa
Quân đội phải chấm dứt tham nhũng
Còn theo một thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án những hành vi sai trái của cố Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu làm tổn hại đến uy tín của quân đội nước này.
Phát biểu trước các sĩ quan quân đội tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương một lần nữa nhấn mạnh đến mục đích bài trừ tham nhũng trong guồng máy quân đội. Lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc đã nêu đích danh cố Thượng tướng Từ Tài Hậu, người đã bị điều tra vì tham nhũng, bị phát hiện lợi dụng chức vụ giúp đỡ một số nhân vật thăng quan tiến chức trước khi qua đời vào tháng 3/2015 vì bệnh ung thư.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án: “Những hoạt động bất hợp pháp của tướng Từ Tài Hậu đã gây thiệt hại to lớn và ăn sâu trong hàng ngũ quân đội”. Ông Tập kêu gọi các tướng lĩnh Trung Quốc hãy “vứt bỏ ảnh hưởng của Từ Tài Hậu trong cách tư duy, trong cách tổ chức và trong công việc hàng ngày để quay trở lại với truyền thống vẻ vang của Hồng quân” - truyền thống anh hùng đã dẫn tới thắng lợi của cách mạng năm 1949.
Phó Chánh án TANDTC Hề Hiểu Minh
Thu hồi 38,7 tỷ NDT
Tại Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng đã được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh kể từ khi lên cầm quyền cách đây hơn 2 năm. Đã có khoảng 27.000 đảng viên, quan chức bị trừng phạt vì các hành vi tham nhũng.
Kể từ sau Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, hơn 100 quan chức từ cấp Thứ trưởng, Quân đoàn trở lên bị điều tra xử lý, trong đó có 4 Ủy viên Trung ương và 11 Ủy viên Dự khuyết.
Theo tờ “Nhân dân Nhật báo”, tính tới ngày 25/6, trong năm 2015, ở Trung Quốc đã có 14 quan chức cấp tỉnh, Bộ trở lên “ngã ngựa” vì nhúng chàm. Con số này của cả năm 2013 là 17 người và năm 2014 là hơn 40 người.
Các số liệu thống kê mới nhất vừa được công bố cũng cho biết, Trung Quốc đã truy thu 38,7 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 6,2 tỷ USD, thất thoát do hành vi hối lộ, trong bối cảnh nước này thực thi chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, các quan chức bị buộc tội tham nhũng của Trung Quốc đã phải trả lại đất đai và tài sản có được do nhận hối lộ.
Lệnh Kế Hoạch
Cơ quan chống tham nhũng cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay số tiền được thu hồi trên trong giai đoạn từ sau một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2012 đến tháng 6/2015. Những cá nhân và doanh nghiệp hưởng lợi bất hợp pháp từ các khoản miễn giảm thuế cũng phải hoàn trả số tiền có được.
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo thực hiện một chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt để trừng phạt các hành vi tham nhũng và hối lộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc trải rộng nhiều lĩnh vực bao gồm doanh nghiệp quốc doanh, năng lượng và quốc phòng…
Thành Trung - Nhất Đới theo Dân Trí