Tờ Tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 15/2 đăng bài viết phân tích sự phát triển của tàu chiến hải quân Mỹ trong tương lai của nhà nghiên cứu Chí Vĩ, Viện nghiên cứu kinh tế, kỹ thuật tổng hợp công nghiệp tàu thủy Trung Quốc.
Theo bài viết, phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách ngân sách hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Brian Luthor tiết lộ, số lượng tàu chiến hải quân Mỹ sẽ tăng trên 40 chiếc trong 5 năm tới. Đồng thời, ngân sách sửa chữa tàu năm 2019 sẽ tăng trưởng ổn định so với năm ngoái, cộng với kế hoạch kéo dài chu kỳ hoạt động tàu chiến và một loạt tàu khu trục mới và tàu tuần duyên mới sắp đi vào hoạt động sẽ làm cho quy mô tàu chiến tăng lên 326 chiếc vào năm 2023, tăng thêm 46 chiếc so với quy mô 280 chiếc hiện nay.
Tuy nhiên, sau năm 2023, mức tăng số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ nhanh chóng chậm lại, căn cứ vào mục tiêu đạt được 355 tàu chiến trước năm 2050 đặt ra trước đó, dự tính trong 25 năm hải quân Mỹ sẽ có thêm khoảng 35 tàu chiến.
"Kế hoạch đóng tàu 30 năm" mới của hải quân Mỹ đề xuất đạt mục tiêu 308 chiếc trước năm 2020, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch của chính quyền Barack Obama, đồng thời đạt 326 chiếc trước khi kết thúc chương trình kế hoạch quốc phòng 5 năm tới, tăng hơn 10 tàu so với kế hoạch cùng một thời điểm của chính quyền Barack Obama.
Hải quân Mỹ sẽ còn thông qua tiến hành nâng cấp kéo dài tuổi thọ của 6 tàu khu trục cũ, cộng với hiện nay đang thông qua giai đoạn 1 của kế hoạch hiện đại hóa tàu chiến, tiến hành nâng cấp đối với 11 tàu khu trục mới nhất, hải quân Mỹ sẽ tiến hành nâng cấp hiện đại hóa 17 trong số 22 tàu khu trục.
Hiện nay vẫn chưa rõ những tàu khu trục nào sẽ được nâng cấp hiện đại hóa và điều này sẽ có ảnh hưởng gì đối với kế hoạch nghỉ hưu của tàu khu trục trước năm 2020, kế hoạch đóng tàu hoàn toàn không đề xuất kế hoạch nghỉ hưu của tàu chiến mặt nước cỡ lớn trước năm 2024.
Ngoài ra, 5 năm tới hải quân Mỹ sẽ tăng thêm gần 17.000 binh sĩ để đáp ứng mức tăng số lượng tàu chiến.
Theo kế hoạch hiện nay, trước năm 2023, số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ tăng lên 326 chiếc, sẽ đạt mức cao. Bắt đầu từ năm 2024, sẽ liên tục có tàu chiến nghỉ hưu, làm chậm lại tăng trưởng tổng số tàu chiến. Chẳng hạn, tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles và hàng loạt tàu chiến mặt biển cỡ lớn như tàu tuần dương và tàu khu trục lần lượt nghỉ hưu sẽ làm cho tổng số tàu chiến giảm xuống còn 313 - 315 chiếc, mãi cho đến năm 2030 tổng số tàu chiến mới bắt đầu tăng trở lại.
Mặc dù hải quân Mỹ hiện có kế hoạch mỗi năm mua 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia, tổng số tàu ngầm tấn công vẫn sẽ giảm từ 52 chiế xuống 42 chiếc vào năm 2019, trong khi đó đến năm 2048 hải quân Mỹ cần có 66 tàu ngầm hạt nhân tấn công.
Thomas Callender, nhà phân tích của Quỹ Truyền thống (Heritage Foundation) Mỹ cho rằng hiện nay hải quân Mỹ vẫn tồn tại khoảng cách năng lực, đối mặt với vấn đề giảm số lượng tàu ngầm, buộc Mỹ phải mất nhiều thời gian hơn để đạt mục tiêu kế hoạch, sẽ tạo ra sức ép to lớn cho hải quân.
Trong khi đó, Nga lại đang gấp rút chế tạo tàu ngầm nới, Trung Quốc cũng như vậy. Hải quân Mỹ coi “chống can thiệp/chống tiếp cận” là mối đe dọa hàng đầu, nhưng giảm ngân sách tàu ngầm tấn công (có thể đi vào khu vực phong tỏa của kẻ thù) là điều rất không hợp lý, đi ngược với mục đích ban đầu của hải quân Mỹ.
Nhà phân tích Jerry Hendrix từ Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng mặc dù bày tỏ hài lòng với kế hoạch tăng số lượng tàu chiến về tổng thể, nhưng hải quân Mỹ có thể đã bỏ lỡ một số cơ hội.
Jerry Hendrix mong muốn hải quân Mỹ có thể tìm được nhiều sự lựa chọn sáng tạo hơn để tiếp tục xây dựng cơ cấu lực lượng, chẳng hạn mua nhiều tàu hộ vệ hơn và ít tàu khu trục cao cấp hơn để tăng tổng số tàu chiến, sửa chữa nâng cấp lại một bộ phận tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles để kéo dài tuổi thọ hoạt động, làm chậm mức giảm tổng số tàu ngầm, có lợi cho hải quân Mỹ đạt được mục tiêu đóng tàu tốt hơn.