Đối với Hải quân Mỹ, năm 2017 là một năm có nhiều "cảm xúc" lẫn lộn. Một mặt, hải quân Mỹ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong các hành động tấn công của cuộc chiến chống khủng bố và các hành động "uy hiếp" nhằm vào Nga và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn nữa được lợi từ tình hình tăng trưởng chi tiêu quân sự gần đây, có thể thúc đẩy chế tạo các vũ khí như tàu sân bay động cơ hạt nhân mới, tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu tàng hình F-35B/C.
Mặt khác, lực lượng tác chiến hải quân Mỹ đại diện là Hạm đội 7 đã bị “thiệt hại” nhiều trong luyện sẵn sàng chiến đấu, sửa chữa, bảo dưỡng và cơ chế quản lý; liên tục gặp sự cố va chạm tàu, va chạm đá ngầm trong năm 2017, khiến cho một loạt tướng lĩnh cao cấp hải quân bị cách chức hoặc mất tiền đồ. Đồng thời, quy mô hạm đội hiện có của Hải quân Mỹ cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu to lớn mà chiến lược quốc phòng mới đặt ra đối với lực lượng trên biển.
Cục diện phức tạp này làm cho hải quân Mỹ bắt tay nghiên cứu các loại biện pháp để bảo đảm năng lực tác chiến và phát triển quân chủng của lực lượng hải quân. Từ thông tin trên báo chí Mỹ gần đây có thể khái quát những biện pháp này là "tăng cường cải cách quân bị, thay thế tướng lĩnh phụ trách sẵn sàng chiến đấu".
Trước hết nói về tăng cường quân bị. Từ khi quy mô tàu chiến của hải quân Mỹ "chạm đáy" với 278 chiếc đến nay, hải quân Mỹ luôn coi mở rộng quy mô hạm đội là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển hải quân. Báo cáo cuối năm 2016 của Cơ quan nghiên cứu hải quân Mỹ cho rằng hiện nay nhiệm vụ triển khai và tác chiến toàn cầu của hải quân Mỹ cần ít nhất 355 tàu chiến mới có thể đáp ứng. Trong khi đó trên cơ sở nhu cầu triển khai và thay phiên bảo vệ cấp bách nhất của hải quân, hải quân Mỹ cũng cần mở rộng quy mô hạm đội lên 308 chiếc.
Tuy nhiên, do ngân sách quốc phòng của Mỹ bị tranh cãi lâu dài trong chính giới, hải quân phải chạy đua tranh thủ ngân sách với các quân chủng khác. Vì vậy, mặc dù kế hoạch đóng tàu của hải quân Mỹ những năm gần đây luôn thúc đẩy vững chắc, nhưng việc mở rộng hạm đội quy mô lớn chưa thực hiện được. Kế hoạch tăng cường quân bị do hải quân Mỹ đưa ra gần đây được xây dựng lại trên cơ sở kế hoạch vốn có và trong tình hình mục tiêu mở rộng trước đây chưa đạt được.
Theo trang web Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ gần đây, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson cho biết kinh phí dành cho xây dựng hải quân giai đoạn 2018 - 2019 sẽ hỗ trợ cho hải quân khôi phục quy mô hạm đội đạt mục tiêu 355 chiếc. Đây không phải là quy định cứng về mở rộng số lượng tàu chiến của hải quân, nhưng có một "đồng thuận" là để đảm bảo khả năng tác chiến, hải quân Mỹ cần có lực lượng tác chiến nhiều hơn.
Tuy nhiên, khác với tư duy mở rộng quy mô hạm đội để đáp ứng "nhu cầu" mà hải quân Mỹ nhiều lần nhấn mạnh trước đây, Đô đốc John Richardson bắt đầu nhấn mạnh đến vấn đề thực tế là mở rộng năng lực đóng tàu. Hiện nay, ngành đóng tàu của Mỹ đã suy yếu trên quy mô lớn, chỉ còn vài nhà máy đóng tàu duy trì hoạt động dựa vào nhu cầu của hải quân, hơn nữa vẫn liên tiếp có nhà máy bị đóng cửa.
Nếu tình hình này tiếp tục mở rộng, cho dù trong tương lai có thể cấp đủ kinh phí cho tăng cường quân bị hải quân, năng lực sản xuất của ngành đóng tàu Mỹ cũng sẽ là trở ngại chính của tăng cường quân bị.
Vì vậy, hải quân Mỹ trước hết sẽ ra sức khôi phục nền tảng của công nghiệp đóng tàu Mỹ, rót vốn và duy trì năng lực sản xuất cho nó. Trong khi đó, kế hoạch 355 tàu chiến mặc dù cũng là một mục tiêu phát triển hiện thực, nhưng vẫn cần có thời gian và nền tảng công nghiệp tương ứng mới có thể từng bước khôi phục quy mô này.
Đồng thời, với thể chế Bộ Quốc phòng và bộ hải quân mới, xây dựng lại thể chế trang bị hiện có như thế nào để nâng cao hiệu quả cũng là vấn đề trọng điểm đòi hỏi hải quân Mỹ phải nghiên cứu. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có nghĩa là hải quân Mỹ khó có thể có được quy mô hạm đội tương ứng nhu cầu trong ngắn hạn.
So với kế hoạch tăng cường quân bị đang thực hiện, phương án "cải cách" do hải quân Mỹ đưa ra gần đây có những ý mới. Gần đây, tờ Defence News Mỹ cho biết sau nhiều lần đánh giá đối với Hạm đội Thái Bình Dương, hải quân Mỹ cho rằng cần thực hiện các biện pháp cải cách thể chế để khắc phục hạn chế về sẵn sàng chiến đấu và trách nhiệm quá nặng của Hạm đội Thái Bình Dương. Trọng điểm của cải cách thể chế này chính là tiến hành giảm bớt quyền lực và trách nhiệm đối với hạm đội này.
Phương án cải cách này không chỉ có nghĩa là giảm cấp của cơ quan binh chủng thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, mà còn cho thấy hải quân Mỹ có ý đồ tìm cách xây dựng lại thể chế quản lý, tăng lớn quyền kiểm soát của cơ quan lãnh đạo hải quân đối với lực lượng tuyến đầu.
Do khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, nhiệm vụ phức tạp và đa dạng, trước đây hải quân Mỹ luôn cho rằng Hạm đội Thái Bình Dương cần được hưởng quyền tự chủ trong quản lý và triển khai lực lượng. Vì vậy, trong cải cách thể chế hải quân Mỹ năm 2001, đã giữ lại 2 cơ quan quản lý binh chủng cấp trung tướng cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Trong khi đó, theo đánh giá của hải quân Mỹ đối với Hạm đội Thái Bình Dương gần đây, cấp cao hải quân Mỹ cho rằng thể chế hiện nay làm cho năng lực chỉ huy và kiểm soát đối với đơn vị tác chiến hải quân bị giảm đi, dẫn đến đơn vị có trách nhiệm quá nặng và không rõ ràng về quyền lực và trách nhiệm, đã làm giảm hiệu quả sử dụng tàu chiến.
Một khi biện pháp cải cách này được thực hiện sẽ có thể "giải phóng" chức năng quản lý, bảo trì nặng nề hiện nay của Hạm đội Thái Bình Dương, từ đó tập trung cho vấn đề tác chiến và chiến lược trên biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nội bộ hải quân Mỹ còn chưa đi đến thống nhất về phương án cải cách này. Nhìn vào các thông tin hiện nay, tầng lớp lãnh đạo hải quân Mỹ hầu như kỳ vọng cải cách có thể tăng cường kiểm soát tập trung của Trung ương để nâng cao hiệu suất tác chiến, điều này được một số tướng lĩnh cấp cao nghỉ hưu từng phục vụ ở khu vực Đại Tây Dương ủng hộ.
Nhưng các tướng lĩnh của Hạm đội Thái Bình Dương lại không hoàn toàn tán thành với phương án cải cách này. Là tướng sắp nghỉ hưu, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Scott Swift cho rằng Hạm đội Thái Bình Dương hoàn toàn không tồn tại vấn đề thiếu năng lực quản lý sẵn sàng chiến đấu. Việc thiếu lực lượng mới là nguyên nhân dẫn tới xảy ra các sự cố liên tiếp của Hạm đội Thái Bình Dương.
Xét tới các vấn đề như quản lý, huấn luyện, bảo trì, bảo dưỡng còn hạn chế, phương án cải cách hiện có của hải quân Mỹ thực sự đem lại một cảm giác là "trị ngọn" chứ không phải "trị gốc".
Tương ứng với kế hoạch cải cách, tái tổ chức quy mô lớn này là thay đổi nhân sự được hải quân Mỹ thúc đẩy gần đây. Sau khi cách chức nhiều sĩ quan chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương vì các sự cố liên tiếp, các sĩ quan chỉ huy mới đã liên tục được bổ nhiệm.
Người lên làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương là John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội 5 hải quân Mỹ, trước đây từng phụ trách khu vực Trung Đông. Trong khi đó, do bị liên lụy bởi vô số sự cố, Đô đốc Scott Swift đã không thể được thăng chức làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương như Đô đốc Harry Harris.
Đồng thời, Đô đốc Harry Harris, người nhiều lần đưa ra tuyên bố cứng rắn trong vấn đề liên quan đến Trung Quốc, tới đây cũng sẽ rời nhiệm, chuyển sang làm Đại sứ Mỹ tại Australia, tiếp tục đóng góp cho "cạnh tranh chiến lược" của Mỹ.
Hiện nay còn chưa rõ phương án nhân sự cho chức Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, hải quân Mỹ tập trung sự chú ý vào Tư lệnh Bộ tư lệnh hạm đội đương nhiệm Philip Davidson. Đồng thời tư lệnh không quân Thái Bình Dương Terence Oshioni cũng có triển vọng đảm nhiệm chức vụ này.
Việc thay thế nhân sự nêu trên chủ yếu là gạt bỏ những sĩ quan chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương, dựa vào những tướng lĩnh đến từ các quân chủng và khu vực chiến lược khác để ứng phó với nhu cầu phòng thủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đã cho thấy sự thiếu tin cậy của quân đội Mỹ đối với những tướng lĩnh từng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng, "người ngoài" mới nhậm chức có thực hiện tốt hơn chức trách hay không là một điều đáng nghi ngờ.
Trong bối cảnh chiến lược quốc phòng mới của Mỹ đề xuất tiến hành "cạnh tranh chiến lược" với Trung Quốc và Nga, lực lượng quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ "răn đe" đối với Trung Quốc và Nga, ứng phó vấn đề bán đảo Triều Tiên và củng cố quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hàng loạt biện pháp do Hải quân Mỹ thúc đẩy thực hiện gần đây hầu như cũng tiến hành chuẩn bị cho việc thực hiện chiến lược mới. Tuy nhiên, trong tình hình quy mô lực lượng hải quân khó có thể nhanh chóng được bổ sung, dựa vào thể chế quản lý tập trung và "được cải thiện", cộng với bổ nhiệm các tướng lĩnh cao cấp "trong sạch", có thể ứng phó với các thách thức phức tạp, đa dạng và nhu cầu "cạnh tranh" của khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay không? Tư duy thông qua cải thiện thể chế và nhân sự quản lý để nâng cao hiệu quả có tránh được căn bệnh khó chữa hiện nay của hải quân Mỹ hay không? Tất cả những vấn đề này còn phải chờ thời gian kiểm nghiệm.