Những bức ảnh vệ tinh được công bố rộng rãi hôm 14/2 đã cho thấy hệ thống phòng không mới của Trung Quốc được triển khai trên đảo Phú Lâm, tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo Stratfor, sự kiện này nhấn mạnh tranh chấp tiếp tục diễn ra gay gắt trong khu vực. Tuy nhiên, những hình ảnh mới của Stratfor còn cung cấp những hình ảnh với độ chi tiết cao hơn về việc triển khai các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên đảo.
Các chuyên gia tại AllSource Analysis đã xác định được hai khẩu đội phòng không HQ-9 cũng như các xe hỗ trợ bao gồm hệ thống radar Type 305B AESA. Binh sĩ Trung Quốc cũng di chuyển gần các khẩu đội tên lửa, các hệ thống cáp kết nối các xe chiến đấu và thiết bị trong tổ hợp vào một hệ thống duy nhất.
Trung Quốc ngang ngược yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông chính là khởi nguyên gây căng thẳng với các 5 quốc gia ASEAN. Tham vọng của Bắc Kinh cũng mâu thuẫn với quan điểm về tự do hàng hải của Mỹ, mặc dù Mỹ không có tranh chấp ở Biển Đông. Nhằm ngăn chặn tham vọng thống trị của Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện hai cuộc tuần tra mỗi quý kể từ tháng 10/2015 với các chiến hạm hải quân và máy bay tiến sát các thực thể tranh chấp mà Mỹ không xem là có chủ quyền hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cáo buộc những động thái của Mỹ là gây bất ổn, và đã sử dụng chiến dịch của Mỹ và đồng minh trong khu vực để bao biện cho việc triển khai vũ khí tại các đảo, đá trên Biển Đông.
Theo Stratfor, các hệ thống phòng không nói trên thể hiện ý đồ biểu dương sức mạnh của Trung Quốc. Khu vực này được Trung Quốc xây dựng trong những tháng gần đây với những hình ảnh được chụp vào tháng 12/2015 cho thấy việc cải tạo, bồi đắp được thực hiện tại vị trí này.
Việc Bắc Kinh cố ý để lộ việc triển khai các khẩu đội HQ-9 là có ý phát đi một thông điệp đối tới tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã từng bàn bạc với các nhà lãnh đạo ASEAN thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một phán quyết của Toà Trọng tài thường trực quốc tế về tính pháp lý trong yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Bên cạnh các hệ thống phòng không mới được phát hiện gần đây, Trung Quốc còn có các hoạt động quân sự quan trọng khác trên các khu vực khác của đảo Phú Lâm. Một điểm chủ chốt của căn cứ trên đảo Phú Lâm là đường băng, cho Trung Quốc khả năng cất hạ cánh các loại máy bay chiến đấu. Vào tháng 11/2015, các chiến đấu cơ J-11 được cho là đã triển khai tại căn cứ Phú Lâm.
Các chuyên gia tại AllSource Analysis đã xác định được 16 nhà chứa máy bay tai nhiều địa điểm khác nhau nằm dọc theo đường băng có vẻ được thiết kế để đón các chiến đấu cơ như J-11. Những vết bánh xe cũng cho thấy một khu thuộc những hầm chứa máy bay này đã được dùng để chứa máy bay, trong khi các hầm khác thì chưa. Các hình ảnh không loại trừ hoặc xác quyết sự hiện diện của các chiến đấu cơ bên trong các hangars. Tuy nhiên, Stratfor khẳng định căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm có thể tiếp nhận 16 chiến đấu cơ.
Cuối cùng, nhiều toà nhà được xây dựng tại một khu vực có thể được dành để chứa các vật liệu nổ hoặc vũ khí, đạn dược. Tổ hợp công trình được thiết kế có các đê kè để che chắn các toà nhà trước các vụ nổ hoặc kiềm chế các vụ nổ xảy ra bên trong. Các toà nhà này có thể tiếp nhận số lượng lớn xe cộ chở đạn dược, vũ khí dành cho các chiến đấu cơ hoặc tên lửa phòng không, có thể tháo lắp vũ khí bên trong các toà nhà và đi ra ở phía bên kia.
Việc xây dựng vẫn đang được tiếp tục trên đảo Phú Lâm và có thể thấy các trang thiết bị, máy móc đặt gần các công trình xây dựng cũng cho thấy các hoạt động cụ thể. Tất cả đều cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình quân sự hoá Biển Đông.
Ảnh vệ tinh mới nhất vừa được công bố hôm qua, 22/2 cho thấy Bắc Kinh đang lắp đặt các hệ thống radar trên một số đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS ở Washington, hành động này của Trung Quốc có nguy cơ tăng cường đáng kể quyền khống chế Biển Đông của Bắc Kinh.
Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên được trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố, cho thấy một cơ sở có dáng dấp của một giàn radar tần số cao radar, cùng với một ngọn hải đăng, một lô cốt ngầm, một bãi đáp trực thâng và một sô thiết bị thông tin liên lạc khác.
Ảnh chụp các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng gần đó như Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và Đá Gạc Ma (cũng cho thấy một số công trình đang xây dựng mà trung tâm CSIS dự đoán là tháp radar, ụ pháo, lô cốt, bãi đáp trực thăng, và bến cảng.
Các phát hiện mới trên đây đã làm tăng thêm mối quan ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông, một tuần sau khi vệ tinh phát hiện các giàn tên lửa địa đối không mà Bắc Kinh triển khau trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.
Theo CSIS, việc bố trí một đài radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát lưu thông trên không và trên biển, đi qua eo biển Malacca ở phía bắc cũng như nhiều tuyến lưu thông chiến lược quan trọng khác.
CSIS cho rằng việc triển khai tên lửa HQ-9 tại Hoàng Sa là một diễn biến đáng chú ý, nhưng không làm thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông. Ngược lại «các đài radar mới được bố trí tại vùng quần đảo Trường Sa, có thể thay đổi đáng kể cục diện về phương diện tác chiến».
Vào tuần trước, Trung Quốc xác nhận đã triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, cho rằng họ có toàn quyền làm như vậy trên lãnh thổ của mình. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh còn ngang nhiên cho rằng việc mà Trung Quốc làm tại Hoàng Sa cũng giống như những gì Mỹ làm tại Hawaii.