Trung Quốc rầm rộ tập trận đánh chiếm đảo, tập trận trên Biển Đông “dằn mặt” Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quân đội Trung Quốc lại tổ chức thêm một cuộc tập trận đổ bộ và đánh chiếm đảo nhằm tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan.
Quân đội Trung Quốc tập trận đánh chiến đảo, nhằm tăng cường sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: CCTV)
Quân đội Trung Quốc tập trận đánh chiến đảo, nhằm tăng cường sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: CCTV)

Ngoài cuộc tập trận nói trên, quân đội Trung Quốc (PLA) cũng đang tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông, trong lúc mà tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đi qua vùng biển này.

Lữ đoàn tổng hợp hạng nặng đổ bộ của Tập đoàn quân 73 của Chiến khu phía Đông đóng tại Hạ Môn, Phúc Kiến mới đây đã tổ chức một cuộc tập trận ở vùng bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng thực hiện chiến dịch vượt biển đánh chiếm đảo.

PLA đã tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận như vậy nhằm tập trung vào vấn đề Đài Loan trong những năm gần đây. Bắc Kinh xem Đài Loan là một vùng lãnh thổ không thể tách rời và cần tái thống nhất bằng mọi giá, không ngoại trừ sử dụng vũ lực.

Theo dữ liệu được hãng SCMP tổng hợp, Trung Quốc đã thực hiện 20 cuộc tập trận hải quân liên quan tới đánh chiếm đảo chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2021, vượt qua con số 13 cuộc tập trận tương tự thực hiện trong cả năm 2020.

Trong cuộc tập trận chiếm đảo gần đây nhất, quân đội Trung Quốc triển khai hỗn hợp rất nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó bao gồm 2 loại drone, các phương tiện tấn công lưỡng cư, pháo tự hành, các hệ thống rocket đa nòng…theo đoạn video được kênh truyền hình quốc gia CCTV đăng tải.

Cuộc tập trận được tổ chức trong môi trường rất sát với chiến trường thực tế, trong đó một nhóm nhỏ binh sĩ tiền tuyến thực hiện các nhiệm vụ trong đêm, các phương tiện tấn công đổ bộ nổ súng trên biển trong khi đang tiến tới bờ biển và phần lớn cuộc tập trận được thực hiện trong lúc nhiệt độ vượt 40 độ C.

Song Zhongping, một cựu giáo quan của PLA, cho hay cuộc tập trận này – mặc dù chỉ tái hiện một phần nhỏ trong một chiến dịch thực sự nhằm đánh chiếm Đài Loan – sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội và phản ánh được sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thực hiện nhiệm vụ quân sự.

“Sự răn đe không thể giải quyết được các vấn đề, chỉ có những hành động kiên quyết mới có thể có tác dụng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc” – ông Song nói.

Trung Quốc cũng đang tổ chức các cuộc tập trận trên Biển Đông. Cơ quan hàng hải Trung Quốc đã đưa ra 2 thông báo nói rằng nước này sẽ tổ chức 2 cuộc tập trận quân sự riêng rẽ trên Biển Đông, lần lượt ở các khu vực ngoài khơi thành phố Giang Môn và Mậu Danh thuộc tỉnh Quảng Đông.

Hình ảnh binh sĩ PLA tập trận ở bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc (Ảnh: CCTV)

Hình ảnh binh sĩ PLA tập trận ở bờ biển phía Đông Nam Trung Quốc (Ảnh: CCTV)

Cuộc tập trận ở Giang Môn bắt đầu từ ngày 27/7 và kết thúc vào ngày 29/7, bao gồm các nội dung bắn đạn thật, trong khi cuộc tập trận ở Mậu Danh, bắt đầu từ Chủ nhật đến thứ Ba, là một cuộc tập trận quân sự bình thường; theo Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc.

Cuộc tập trận trên Biển Đông được tổ chức trong lúc mà tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, tàu lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Anh và có khả năng chở 40 máy bay, đã đi vào khu vực Biển Đông lần đầu tiên trong hôm đầu tuần này. Con tàu cũng dẫn theo một hạm đội hùng hậu.

Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc- nói trong một bài viết hôm 27/7 rằng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ không chỉ dừng lại ở việc thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” trên Biển Đông.

Nếu con tàu này đi vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo mà Trung Quốc kiểm soát, Bắc Kinh “cần phải đáp trả để cho chúng trả giá và ngăn các nước khác làm điều tương tự ở Biển Đông”; ông Ngô Sĩ Tồn nói.

Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh thậm chí còn đưa ra một tuyên bố kêu gọi chính phủ Anh tôn trọng thực tế rằng chủ quyền, quyền và lợi ích của Trung Quốc trên Biển Đông “có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử”.