Giới chuyên gia phân tích đã đánh giá như trên sau khi xuất hiện nhiều thông tin về việc Mỹ triển khai hàng chục chiến đấu cơ F-22 Raptors để tham gia cuộc tập trận quân sự Operation Pacific Iron 2021 ở Guam và đảo Tinian, Tây Thái Bình Dương trong tháng này.
Pacific Iron 2021 là một hoạt động của Không quân Mỹ với mục đích là bơm sức mạnh vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và huấn luyện lực lượng này trở nên “chết chóc, dễ thích nghi và kiên cường hơn”; theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.
Khoảng 25 chiếc F-22 Raptors thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia trên không ở Hawaii và Căn cứ hỗn hợp Elmendrf-Richardson ở Alaska sẽ được triển khai; CNN dẫn lời tướng Ken Wilsbach, người đứng đầu Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho hay.
“Chúng tôi chưa từng có nhiều chiếc Raptors được triển khai cùng lúc như thế này ở khu vực hoạt động của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương” – ông Wilsbach nói với CNN.
Tướng không quân nghỉ hưu Dan Leaf, cựu phó tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và hiện đang là giám đốc điều hành hãng tư vấn an ninh Phase Minus 1, nói rằng ông chưa từng thấy đợt tập trận nào lại có số lượng F-22 lớn như vậy được triển khai.
F-22 là mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, mẫu chiến đấu cơ thuộc hàng tối tân nhất thế giới, có tích hợp công nghệ tàng hình và kết nối với nhiều hệ thống cảm ứng, các hệ thống thông tin ngoại vi để cho phép phi công có góc nhìn chi tiết về không gian chiến đấu.
Cuộc tập trận Pacific Iron sắp tới sẽ có sự tham gia của 35 máy bay, trong đó có 10 chiếc F-15E Strike Eagles và 2 chiếc máy bay chuyên chở quân sự C-130J Hercules, hơn 800 phi công; theo một tuyên bố của Mỹ. Các phi công của Mỹ sẽ mài giũa kỹ năng và thực hiện các cuộc chiến giả định trên không, xuất phát từ các sân bay ở đảo Guam và Tinian.
Leung Kwok-leung – một chuyên gia quân sự ở Hong Kong – nói rằng đợt triển khai số lượng lớn các chiến đấu cơ tối tân này có thể là nhằm đối phó với các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc.
“Tôi cho rằng nguyên nhân chính của việc triển khai F-22 tới Tây Thái Bình Dương chính là để ngăn chặn các máy bay ném bom chiến lược có khả năng tấn công nước Mỹ, trong đó có máy bay ném bom thế hệ tiếp theo của Trung Quốc” – ông Leung nói.
Mẫu máy bay ném bom thế hệ tiếp theo đầy bí ẩn của Trung Quốc, Xian H-20, được tin là có thiết kế phần cánh tàng hình giúp nó tấn công các mục tiêu thuộc “chuỗi đảo thứ hai” và xa hơn nữa. H-20 được trang bị cả các tên lửa truyền thống và tên lửa hạt nhân, có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 200 tấn và tải được khoảng 45 tấn đạn dược. H-20 được kỳ vọng đạt vận tốc cận âm và có thể phóng 4 tên lửa hành trình tàng hình siêu thanh.
Mỹ đưa ra tuyên bố về cuộc tập trận giữa lúc mà nước này đang tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và tăng sự đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực, từ nhân quyền cho tới phát triển quân đội.
Tháng 5 vừa qua, Lầu Năm Góc đã gửi một bản kế hoạch tới Quốc hội, trong đó đề xuất khoản ngân sách 27 tỉ USD trong vòng 6 năm tới để tang cường sức mạnh ở khu vực Thái Bình Dương, đối phó với Trung Quốc – kế hoạch có tên “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương” – và trong đó bao gồm việc triển khai các vũ khí có khả năng tấn công tầm xa.
Zhou Bo – một tướng lĩnh nghỉ hưu và giờ là chuyên gia tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc – nói rằng việc triển khai số lượng lớn chiến đấu cơ trong một cuộc tập trận gần Trung Quóc sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực.
“Nhiều cuộc tập trận của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đều nhằm vào Trung Quốc, và cần phải nhấn mạnh rằng số lượng lớn chiến đấu cơ như vậy được triển khai trong một đợt có thể được xem là một thông điệp gửi Trung Quốc” – ông Zhou nói – “Nó không giúp gì cho việc giảm thang căng thẳng trong khu vực, trong khi có nguy cơ xảy ra các vụ việc mới”.