Trung Quốc phục hồi đáng kinh ngạc: Cơ hội và rủi ro cho kinh tế toàn cầu ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đà phục hồi đáng kinh ngạc của nền kinh tế Trung Quốc một mặt thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng mặt khác cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực.
Nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân Trung Quốc tăng mạnh (Ảnh: Getty Images)
Nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân Trung Quốc tăng mạnh (Ảnh: Getty Images)

Đà phục hồi đáng kinh ngạc

Trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán ở Trung Quốc, kéo dài từ ngày 21/1 đến 27/2, nhiều du khách đổ tới lăng Taihao ở tỉnh Hà Nam. Lý do là trong lăng có bức tượng của một nhân vật lịch sử nổi tiếng, mới đây xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh ăn khách.

Cảnh dòng người tấp nập đi xem phim, vãng cảnh và du lịch là bằng chứng cho thấy đà phục hồi hết sức nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Lăng Taihao cho hay họ đã đón tiếp 300.000 lượt khách trong khoảng thời gian nghỉ lễ, nhiều nhất trong 3 năm qua. Doanh số các phòng bán vé xem phim không chỉ tốt hơn so với năm ngoái, mà còn cao hơn năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Cho đến gần đây, người dân Trung Quốc còn đang phải chờ xếp hàng để xét nghiệm COVID-19, giờ thì họ xếp hàng để đi xem phim.

Đà phục hồi của Trung Quốc đến sớm hơn so với kỳ vọng bởi COVID-19 lây lan nhanh hơn. Do Trung Quốc nhanh chóng gỡ bỏ các quy định trong chính sách zero-COVID, số lượng ca nhiễm dường như tăng nhanh đáng kể. Các chuyên gia bệnh dịch học nhà nước ước tính rằng, ít nhất 80% dân số Trung Quốc đã nhiễm bệnh.

Theo các con số thống kê chính thức, số bệnh nhân nhập viện đạt đỉnh trong ngày 5/1. Một làn sóng dịch thứ hai được dự đoán sẽ xảy ra sau kỳ nghỉ Tết – giai đoạn mà bệnh dịch lan từ thành phố tới làng mạc.

Mặc dù chưa rõ con số người tử vong từ những ca nhiễm này, nhưng tác động của nó tới nền kinh tế đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Khi người dân bị nhiễm và khỏi bệnh, nền kinh tế dịch vụ của Trung Quốc đang lấy lại sức sống. Một chỉ số đo lường hoạt động bên ngoài lĩnh vực sản xuất, dựa trên các báo cáo mua sắm hàng tháng, đã tăng từ 41,6 điểm trong tháng 12/2022 lên 54,4 điểm trong tháng 1/2023.

Đây là bước nhảy lớn thứ hai từng được ghi nhận. Hai nhà kinh tế học Xiaoqing Pi và Helen Qiao của Bank of America nhận định rằng hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ từng “bị ảnh hưởng bởi đại dịch” – như bán lẻ, nhà ở và nhà hàng – giờ tăng lên mạnh mẽ.

Trên nền tảng thương mại điện tử Meituan, một số nhà hàng có danh sách khách đặt bàn lên tới 1.000 người.

Nhiều người dân đã quá quen với việc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID, giờ lại chờ để được vào đền chùa lễ tết. Ở Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nhiều người đứng chờ từ 4h00 sáng bên ngoài đền Linshun để cúng Thần Tài. Nhiều người khác leo đến đỉnh núi Thiên Môn ở tỉnh Hồ Nam, vốn nổi tiếng với cây cầu bằng kính, đã phải chờ đến tận 9h tối để bắt xe cáp treo đi xuống, theo National Business Daily.

Ảnh: Tân Hoa xã
Ảnh: Tân Hoa xã

Bùng nổ chi tiêu

Liệu tốc độ hồi phục điên rồ này có thể được duy trì? Một số ý kiến lạc quan cho rằng các hộ gia đình Trung Quốc đang có thanh khoản cao bất thường. Khoản tiền gửi ngân hàng của họ giờ vượt trên 120 nghìn tỉ NDT (18 nghìn tỉ USD), cao hơn GDP năm ngoái, và nhiều hơn so với xu hướng tiền đại dịch là 13 nghìn tỉ NDT, theo Citigroup. Lượng tiền khổng lồ này có thể tiếp sức cho hoạt động “chi tiêu trả đũa” của họ.

Số tiền tiết kiệm trung bình hàng năm của một người dân Trung Quốc (Ảnh: The Economist)

Số tiền tiết kiệm trung bình hàng năm của một người dân Trung Quốc (Ảnh: The Economist)

Tuy nhiên, số tiền này cũng có khả năng được người dân Trung Quốc sử dụng cho các mục đích khác.

Các hộ gia đình có thể tiếp tục giữ tiền trong ngân hàng thay vì sử dụng để mua bất động sản hay dồn cho một quỹ tương hỗ.

Hiện tại, ít có khả năng họ sẽ chi tiền mạnh tay vào hàng hóa và dịch vụ.

Theo Citigroup, người dân Trung Quốc nay có xu hướng đầu tư mạo hiểm hơn, do đã có niềm tin để mua những trái phiếu và cổ phiếu ít an toàn hơn, nhưng mang lại lợi tức cao hơn ngân hàng. Xu hướng này sẽ làm tăng giá tài sản, và tạo cú hích cho thị trường nhà ở.

Cách chính xác hơn để đánh giá về đợt bùng nổ chi tiêu sắp tới là nhìn vào khoảng cách giữa thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tiêu dùng. Trong 3 năm trước đại dịch, các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm khoảng 30% thu nhập khả dụng của họ. Trong đại dịch, họ tiết kiệm 33%.

Hệ quả của hành động này là khoản tiền tiết kiệm dôi thừa 4,9 nghìn tỉ NDT. Nếu người tiêu dùng sử dụng số tiền đó để chi tiêu trong năm nay, nó sẽ làm tăng lượng tiêu thụ của họ thêm 14% (chưa điều chỉnh theo lạm phát).

Quy mô của đợt bùng nổ mua sắm này còn tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế. Giá bất động sản đã giảm và thị trường việc làm suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 16%. Nhưng thị trường lao động của Trung Quốc đã trở lại nhanh chóng sau nhiều bước lùi do COVID-19, và những người trẻ tuổi thất nghiệp chỉ chiếm có 1% lực lượng lao động ở đô thị.

Nếu may mắn, việc người dân tăng chi tiêu sẽ giúp thúc đẩy lương và hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp, và từ đó lại tạo động lực ngược cho chi tiêu. Điều này có nghĩa rằng, sức tiêu thụ sẽ góp phần lớn trong động cơ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay: khoảng 80%, theo Citigroup, nếu như tính cả chi tiêu công.

Thận trọng với đà tăng trưởng

Sức mua của Trung Quốc cũng sẽ đóng góp cho đà tăng trưởng toàn cầu. Theo dự báo của IMF, công bố ngày 30/1, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm nay, đóng góp 2/5 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi Mỹ và toàn khu vực châu Âu chỉ đóng góp ít hơn 1/5.

Đóng góp của tiêu dùng cho GDP của Trung Quốc (Ảnh: The Economist)

Đóng góp của tiêu dùng cho GDP của Trung Quốc (Ảnh: The Economist)

Một nghiên cứu mới đây của các nhà kinh tế học của Fed đã đưa ra một quan điểm cơ bản với tiêu đề: “Điều xảy ra ở Trung Quốc không chỉ bó gọn trong Trung Quốc”.

Ước tính mà họ đưa ra cho thấy, cứ mỗi 1% GDP của Trung Quốc sẽ đóng góp 0,25% cho GDP của thế giới sau 1 hoặc 2 năm. Các tác giả không nghiên cứu về tác động từ việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Nhưng kết quả của họ đã cho thấy một chỉ số dự báo tương lai. Nếu việc Trung Quốc mở cửa làm tăng tốc độ tăng trưởng nội địa từ 3% lên 5-6% trong năm nay, thì GDP của toàn thế giới có thể tăng 0,5-0,75%, tương đương 400-600 tỉ USD.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng như vậy không phải luôn là điều tốt. Các ngân hàng trung ương vẫn muốn giảm lạm phát. Nếu nhu cầu của Trung Quốc làm tăng sức ép giá, các nhà hoạch định chính sách có thể cảm thấy cần phải làm chậm lại nền kinh tế bằng cách nâng lãi suất hoặc hoãn giảm lãi suất.

Lael Brainard, Phó Chủ tịch Fed, đã nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc từ bỏ chính sách zero-COVID gây ra tác động khó lường đối với nhu cầu và lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt là với hàng hóa.

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, từng cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng “sức ép lạm phát”, bởi nước này sẽ tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Theo Goldman Sachs, điều này có thể khiến giá dầu thô Brent tăng thêm khoảng 15-21 USD/thùng, trong khi mức giá hiện tại khoảng 80 USD/thùng./.

Theo The Economist