Apple dịch chuyển 'cỗ máy khổng lồ' khỏi Trung Quốc: Cơ hội nào cho Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Apple nhận ra rằng họ chịu tác động lớn như thế nào từ đối trọng địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Nhưng Apple liệu có dễ dàng chuyển dịch một phần 'cỗ máy' sản xuất của mình khỏi Trung Quốc?

Tháng 12/2022, khi Tim Cook có cuộc gặp riêng với các nhà lập pháp kỳ cựu của Hoa Kỳ tại Đồi Capital, mối quan hệ giữa Apple với Trung Quốc nhận được sự quan tâm đặc biệt, theo Financial Times.

Trước đó, chính sách COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến hàng nghìn nhân công rời khỏi nhà máy sản xuất iPhone ở Trịnh Châu do Foxconn vận hành.

Sự cố ở 'Thành phố iPhone' trở thành bài học cho thấy rủi ro chính trị mà một công ty Mỹ phải đối diện.

Cook và Apple đưa ra rất ít phát ngôn về cuộc biểu tình, chỉ nói rằng họ đang “làm việc chặt chẽ với Foxconn để đảm bảo rằng các quan ngại của nhân viên được giải quyết”. Apple sau đó kết luận rằng tình trạng ở Trịnh Châu đã gây ra sự gián đoạn “đáng kể” trong chuỗi cung ứng. Giới phân tích dự báo rằng sẽ có khoảng 78 triệu chiếc iPhone được phân phối trong đợt nghỉ lễ kéo dài, thiếu hụt khoảng 6 triệu chiếc.

Apple được cho là đã nhận ra việc họ bị ảnh hưởng lớn tới mức nào từ đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Họ đối diện với sức ép về mặt chính trị, chiến lược và sức ép từ các nhà đầu tư trong việc cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Công ty này đứng trước nguy cơ bị áp hàng rào thuế quan từ thời chính quyền Donald Trump, và chính quyền hiện tại của Tổng thống Joe Biden càng tỏ ra cứng rắn hơn với Bắc Kinh – như việc ngăn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng của Mỹ, bao gồm bán dẫn.

Tuy nhiên, theo Financial Times, dây chuyền sản xuất mà Apple tạo dựng ở Trung Quốc quá lớn và phức tạp, đến nỗi công ty lớn nhất thế giới khó có lựa chọn sẵn có để thay đổi cách mà họ sản xuất ra lượng thiết bị điện tử trị giá 316 tỉ USD mỗi năm. Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc giờ trở thành điểm yếu lớn nhất của họ.

“Apple không thể đa dạng hóa,” một cựu kỹ sư của Apple nói với Financial Times. Người này cho hay Apple đã cố gắng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn rất ít tiến triển. “Trung Quốc sẽ còn thống trị lĩnh vực sản xuất công nghệ và lao động trong 20 năm nữa", ông nói.

Thách thức về đa dạng hóa

Một cửa hiệu của Apple tại Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Một cửa hiệu của Apple tại Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Không có công ty nào thuộc nhóm Big Tech lại dễ chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc như Apple. Meta và Alphabet dựa vào tiếp thị kỹ thuật số để làm ăn kinh doanh. Amazon không có sự hiện diện thực sự trong khu vực, trong khi tỷ lệ doanh thu từ phần cứng của Microsoft chỉ chiếm chưa đến 6%.

Ngay cả Samsung của Hàn Quốc, công ty duy nhất bán được nhiều smartphone hơn Apple, cũng chịu ít ảnh hưởng từ Trung Quốc hơn. Samsung đã đóng cửa các nhà máy của họ ở Trung Quốc từ năm 2019, sau khi thị phần của họ giảm xuống dưới 1%, từ mức gần 20% trong năm 2013, trong bối cảnh các đối thủ trong nước như Huawei, Xiaomi và Oppo trỗi dậy mạnh mẽ.

Samsung giờ sản xuất hơn 3/4 lượng smartphone của họ ở 6 quốc gia, từ Argentian cho tới Việt Nam, và chỉ dưới 1/4 là đến từ các nhà sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc, theo Counterpoint Research.

Ngược lại, gần như tất cả phần cứng của Apple đều được sản xuất ở Trung Quốc. Công ty này trực tiếp thuê 14.00 nhân công ở quốc gia này, trong khi đó họ phải quản lý 1,5 triệu nhân công trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, phần lớn là ở Trung Quốc.

Ứng viên tiềm năng nhất có thể thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất mới của Apple chính là Ấn Độ, dự kiến sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới trong năm nay. Ấn Độ được báo giới phương Tây cho là có ít rủi ro địa chính trị hơn so với Trung Quốc, và với tầng lớp trung lưu đang tăng, có thể trở thành một thị trường lớn trong những thập kỷ tới. Hiện tại, thị phần của iPhone ở Ấn Độ chỉ là 5%, theo Counterpoint.

Nhờ vào những nỗ lực của Samsung, các hãng smartphone của Trung Quốc và nhiều nhà cung ứng, bao gồm cả các đối tác của Apple như Foxconn và Pegatron, Ấn Độ giờ sản xuất khoảng 16% sản lượng smartphone của thế giới trong năm 2022 – tương đương 200 triệu chiếc – từ 2% trong năm 2014.

Samsung trong những năm gần đây đã tăng gấp đôi sản lượng smartphone của họ ở Noida, gần thủ đô New Delhi, lên 120 triệu chiếc/năm.

Apple cũng đã sản xuất các mẫu iPhone giá rẻ ở Ấn Độ từ năm 2017 và bắt đầu chế tạo các mẫu chủ lực của họ tại quốc gia này từ mùa Thu năm ngoái. JPMorgan ước tính rằng Ấn Độ có thể chiếm tới 1/4 dây chuyền lắp ráp iPhone vào năm 2025, từ mức 5% hiện tại.

Rời Trung Quốc, Apple sẽ tìm đến Ấn Độ hay Việt Nam?

Bên trong một xưởng lắp ráp smartphone ở Ấn Độ (Ảnh: Forbes)

Bên trong một xưởng lắp ráp smartphone ở Ấn Độ (Ảnh: Forbes)

Tuy nhiên, một số chuyên gia về chuỗi cung ứng chỉ ra rằng số lượng iPhone được sản xuất ở Ấn Độ tăng lên là thiếu căn cứ,

Phần lớn hoạt động mà các hãng cung ứng thiết lập cho Apple ở Ấn Độ được gọi là FATP – lắp ráp cuối cùng, kiểm tra và đóng gói – một quy trình cần nhiều lao động được thực hiện với bộ phận chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và sau đó được lắp ráp chủ yếu bởi các công ty của Đài Loan.

Pegatron và Foxconn có thể chuyển dịch tới Ấn Độ, theo Steven Tseng, chuyên gia phân tích công nghệ đến từ Bloomberg Intelligence, nhưng các chuỗi cung ứng của họ thì không. “Không có chuỗi cung ứng ở Ấn Độ. Họ phải nhập khẩu gần như mọi thứ từ Trung Quốc", ông nói.

Mặc dù 200 triệu smartphone đã được chế tạo ở Ấn Độ trong năm ngoái, nhưng chúng không cùng đẳng cấp với các sản phẩm của Apple. Các mẫu điện thoại phổ biến nhất thường chỉ có giá dưới 250 USD, trong khi giá trung bình của một chiếc iPhone rơi vào khoảng gần 1.000 USD và đòi hỏi trình độ tự động hóa cao và nhiều lao động.

Giới chuyên gia lo ngại rằng Ấn Độ không thể sánh bằng Trung Quốc nếu xét về kỹ năng của người lao động, số lượng lao động nhập cư sẵn có, cơ sở hạ tầng hay sự hỗ trợ từ chính phủ - những thứ đã giúp cho Trung Quốc trở nên hấp dẫn với Apple.

“Cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ rõ ràng chưa đủ tốt,” seng nói. “Vấn đề giao thông, tiện ích, liên lạc đều có thể trở thành vấn đề. Và chất lượng ở Ấn Độ - có thể sánh ngang với Trung Quốc hay không – cũng là một câu hỏi lớn.”

Việt Nam cũng có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là xét về mức lương trung bình hiện nay chỉ bằng chưa đến một nửa của Trung Quốc. JPMorgan ước tính rằng đến năm 2025, Việt Nam sẽ chiếm phần lớn sản lượng AirPod, 20% iPad và Apple Watch, 5% MacBook.

Trước Apple, nhiều 'đại gia' công nghệ đã tìm đến Việt Nam. Sau khi được Microsoft mua lại vào năm 2013, các nhà máy của Nokia ở Trung Quốc đã đóng cửa và hoạt động sản xuất được chuyển sang Việt Nam, với hy vọng cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Nhưng Nokia đã gặp những thách thức về hạ tầng và thời tiết khó lường khiến các cảng thương mại phải đóng cửa.

“Đó là một thách thức nan giải để thiết lập và khiến hệ thống hoạt động giống như ở Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng hoặc rất mới và chưa được chứng minh hiệu quả - hoặc là không có”, vị cựu giám đốc của Microsoft cho hay.

Vị này nói rằng Việt Nam sẽ phải mất thêm “nhiều năm nữa” mới có thể tạo dựng được hoạt động cạnh tranh cho sản xuất công nghệ, trong khi thách thức về logistic có thể lớn hơn.

“Chúng tôi gặp nhiều thách thức về tìm kiếm nguồn cung ứng linh kiện, bởi tất cả nguồn cung cấp 2, cấp 3 của chúng tôi đều vẫn ở Trung Quốc,” người này nói thêm. “Bởi vậy chúng tôi đã phải nhập rất nhiều hàng hóa bán thành phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam đã lắp ráp khâu cuối.”

Theo một số ước tính, Trung Quốc có lượng nhân công nhà máy nhiều hơn cả dân số Việt Nam. Số lượng người lao động nhập cư ở nông thôn Trung Quốc trong năm 2021 là 293 triệu người, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia nước này, trong khi dân số Việt Nam là 100 triệu người.

Chuỗi cung ứng khó thay thế

Tim Cook tham quan nhà máy của Luxshare trong năm 2017 (Ảnh: Verdict)

Tim Cook tham quan nhà máy của Luxshare trong năm 2017 (Ảnh: Verdict)

Kể cả khi Apple nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc càng trở nên chặt chẽ hơn.

Suốt nhiều năm liền, công ty này đã thiết lập quan hệ gần gũi với nhiều công ty của đại lục để đổi lấy việc được hoạt động tự do hơn. Trong năm 2016, cá nhân Tim Cook đã ký thỏa thuận 5 năm, chi hơn 275 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế và lực lượng lao động của Trung Quốc, theo chuyên trang công nghệ The Information.

Kể từ đó, Apple đã gửi những đơn hàng béo bở cho các nhà sản xuất theo hợp đồng của Trung Quốc bao gồm Luxshare, Goertek và Wingtech, thiết lập nên một chuỗi cung ứng. Các bên cung ứng khác của Apple như Foxconn, Wistron và Pegatron không hề vui vẻ với điều này.

JPMorgan mới đây dự báo các công ty Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 24% sản lượng iPhone trong năm 2025, từ chỉ 7% trong năm 2022.

Luxshare, được điều hành bởi nữ tỉ phú Grace Wang, là bên hưởng lợi to nhất. KỂ từ khi giành được đơn hàng sản xuất AirPod năm 2017, doanh thu của họ từ mức dưới 2 tỉ USD (2016) đã tăng lên hơn 31 tỉ USD, và giờ còn đang lắp ráp cả Apple Watch và iPhone.

Năm 2017, Cook đồng ý chụp ảnh tại một dây chuyền sản xuất của Luxshare – điều giúp giá cổ phiếu của công ty này tăng mạnh. Tại đó, ông đã ngợi khen kỹ năng của nhân công và trả lời về việc liệu Apple có chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Đông Nam Á hay không.

“Chúng tôi sẽ không làm như vậy,” Cook trả lời. “Sản xuất các sản phẩm của chúng tôi đòi hỏi kỹ năng cao, quản lý linh hoạt chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe. Chúng tôi sẽ không chuyển dịch dây chuyền sản xuất để đổi lấy chi phí thấp.”

Tuy nhiên, Apple có nguy cơ mất kiểm soát về khâu đổi mới quy trình sản xuất do chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Một trong số nguyên nhân là do họ không còn kiểm soát nhiều máy móc sản xuất tại các nhà máy của bên cung ứng như trước đây – một chiến lược mà công ty áp dụng để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm của họ.

Giá trị “các tài sản dài hạn” của Apple ở Trung Quốc đạt đỉnh 13,3 tỉ USD trong năm 2018, và trong những năm sau đó đã giảm xuống còn 7,3 tỉ USD. Các cựu kỹ sư của Apple từng ở Trung Quốc nói rằng, sau khi doanh số iPhone đạt đỉnh vào năm 2015, công ty này trở nên dễ dãi hơn và tăng sự phụ thuộc vào các máy móc của bên cung ứng để giảm chi phí.

Chiến lược mà Apple đang áp dụng chỉ là "Trung Quốc+1", khó có thể tách hoàn toàn khỏi quốc gia này (Ảnh: Nikkei)

Chiến lược mà Apple đang áp dụng chỉ là "Trung Quốc+1", khó có thể tách hoàn toàn khỏi quốc gia này (Ảnh: Nikkei)

Một số chuyên gia tin rằng chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã phát triển nên rất khó thay thế, bởi vậy mà Apple gần như không có lựa chọn nào ngoài việc duy trì hoạt động sản xuất sẵn có ở nước này, và hứng chịu cái giá về kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Xét trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại chắc chắn sẽ làm giảm sức ép với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Kể cả khi mối quan hệ Mỹ-Trung có căng thẳng, vẫn có nhiều quan điểm khác biệt về nguy cơ hai nền kinh tế “tách rời” hoàn toàn và đi theo hai con đường song song.

Sự kiện như vậy khó có thể xảy ra, theo Bindiya Vakil, giám đốc điều hành của công ty thiết lập chuỗi cung ứng Resilinc, nhận định. Điều đó có thể sẽ mất “nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ - nếu không muốn nói là khó xảy ra.”

Theo bà Vakil, mặc dù nhiều công ty, như Apple, đang muốn đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng chiến lược của họ thực tế là “Trung Quốc+1” chứ không hoàn toàn thoát ly, bởi không có địa điểm nào khác sánh được với Trung Quốc về chất lượng và quy mô.

“Ngày nay, mọi linh kiện đều có sự phụ thuộc chuỗi cung ứng ở Trung Quốc,” bà nói. “Nó có thể được sản xuất trực tiếp ở Trung Quốc, hay ít nhất là có vài bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc.”

Woo-Jin Ho, chuyên gia phân tích phần cứng tại Bloomberg Intelligence, dự đoán rằng apple sẽ chỉ chuyển dịch 10% dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023, hoặc nhiều nhất là 20%.

“Hãy nhìn vào các trung tâm sản xuất smartphone mà Trung Quốc đã xây dựng nên. Tôi không biết một nơi nào khác có thể sao chép lại chúng", vị chuyên gia nhấn mạnh./.

Theo Financial Times