Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Tencent Holdings đã để mất danh hiệu công ty lớn nhất Trung Quốc vào tay ‘gã khổng lồ’ bán rượu Kweichow Moutai. Chính những rủi ro pháp lý và triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của Trung Quốc đã cản trở sự phát triển của ngành công nghệ nước này.
Cổ phiếu được niêm yết trên sàn Hồng Kông của tập đoàn này đã giảm 64% giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 1/2021, ‘thổi bay’ 623 tỉ USD giá trị thị trường của Tencent. Chốt phiên 30/9, Tencent được định giá thấp hơn Moutai khoảng 5,4 tỉ USD.
Từ một công ty đang trên đà trở thành ‘ông trùm công nghệ’ nghìn tỉ đô la thứ hai châu Á vào đầu năm 2021, sự thoái trào của Tencent đã phản ánh nhiều rủi ro lĩnh vực công nghệ phải đối mặt. Trong đó, việc Bắc Kinh ‘đại tu’ lại các công ty trò chơi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc vẫn là những trở ngại lớn nhất cho sự phục hồi của lĩnh vực này.
Tại thời điểm đóng cửa hôm 30/9, Tencent được định giá thấp hơn Moutai khoảng 5,4 tỉ USD (Nguồn: Bloomberg) |
Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại KGI Asia nhận định, “Không có chất xúc tác tích cực để thúc đẩy tăng trưởng của Tencent trong nửa cuối năm vì công ty vẫn phải chịu áp lực từ môi trường vĩ mô suy yếu. Hơn nữa, chúng ta đang ở trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ nên khó có thể phục hồi như trước”.
Thật vậy, Tencent đang phải chịu thách thức từ nhiều bên. Đầu tiên là sự chậm trễ trong việc phê duyệt trò chơi mới cũng như giới hạn thời gian chơi với trẻ vị thành niên đã tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Chính sách zero-COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh và các lệnh phong tỏa cũng cản trở tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo của Tencent.
Ngoài ra, đợt bán tháo lớn của nhà đầu tư do lo ngại về những động thái gần đây của Fed cũng đang khiến cổ phiếu của Tencent đi xuống.
Ngân hàng Morgan Stanley cho biết không chỉ các quỹ lớn nhận thấy khó khăn của Tencent. Từ đầu năm, các nhà đầu tư đã bán ròng 30 tỉ USD cổ phiếu Tencent và con số này đang tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, các cổ đông lớn nắm quyền kiểm soát Tencent cũng bán cổ phiếu.
Tencent là cổ phiếu công nghệ được bán nhiều nhất bởi các quỹ dài hạn trong năm nay (Nguồn: Morgan Stanley) |
Trong khi cổ phiếu Tencent trượt giá không phanh, cổ phiếu của Moutai lại duy trì được tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng ở mức 8,7% trong năm nay, đánh bại chỉ số CSI 300 (chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu giao dịch trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến). Công ty này đang gần đạt được các mục tiêu doanh thu năm 2022 và sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế do Covid-19.
Hiện các nhà đầu tư đang bất đồng quan điểm về tương lai của Tencent. Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư tại GAM Investment Management cho rằng cổ phiếu của Tencent đang được định giá quá rẻ và các rủi ro chính sách đã đạt đỉnh.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại không bị thuyết phục bởi lập luận đó và cho rằng triển vọng lợi nhuận của Tencent vẫn bị hạn chế.
“Khi một ngành cần phải dựa vào việc cắt giảm chi phí để duy trì tỷ suất lợi nhuận thì có nghĩa là nó đang ở giai đoạn cuối của tăng trưởng. Tencent là một ví dụ điển hình”, chủ tịch của China Vision Capital, Sun Jianbo cho biết không có phương thức kiếm tiền nào của Tencent tỏ ra hiệu quả. Ông thậm chí không mua cổ phiếu Tencent ngay cả khi mức định giá có vẻ rẻ./.