Trung Quốc giục Mỹ 'không kích động tranh chấp Biển Đông'

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/3 lớn tiếng thúc giục Washington không kích động tranh chấp ở Biển Đông nhằm đáp trả lời cảnh báo từ bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 1/3.
Trung Quốc thực hiện các hoạt động cải tạo trái phép tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP
Trung Quốc thực hiện các hoạt động cải tạo trái phép tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngang ngược như trên một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu về các động thái hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, gồm việc triển khai các tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thời gian qua. Ông Carter cũng cảnh báo Trung Quốc không được theo đuổi quân sự hoá ở Biển Đông.

Liên quan tới việc ngư dân Philippines tố cáo các tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lý lẽ rằng, mục đích của các tàu này là kéo một tàu neo đậu ở bờ. Bắc Kinh cũng khẳng định những tàu này đã rời khỏi khu vực, theoReuters.

Eugenio Bito-onon Jr, thị trưởng thành phố Kalayaan khẳng định Trung Quốc đã điều 7 tàu tới bãi Hải Sâm (Philippines gọi là Quirino, tên quốc tế là Jackson). Các tàu này xua đuổi tàu của các nước khác tới khu vực mà ngư dân Philippines thường xuyên đánh bắt, theo Philippines Star.

Khu vực này nằm cách đảo Palawan khoảng 140 hải lý về phía tây và cách 33 hải lý so với đá Vành Khăn, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp.

Vào giữa tháng 2, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.

Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.

Những hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới, bao gồm giới chức quân sự Mỹ. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cảnh báo tham vọng của Trung Quốc là muốn giành quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Ông lo ngại “khả năng nước này tiến tới tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” ở Biển Đông.

Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, các hành động quân sự hoá của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Zing