Số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế (SIPRI) ở Stockholm, Thụy Điển, cho thấy, 43 trong số 50 tên lửa klub chống tàu Việt Nam đặt mua của Nga đã được bàn giao từ năm 2013 tới năm 2015. Các tên lửa tối tân này được trang bị cho các tàu hộ vệ Gepard và tàu hộ tống Tarantul mà Hà Nội cũng mua của Moscow. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua và đã được Nga giao 3 hệ thống tên lửa đất đối không Pechora. Việt Nam cũng đã “tậu” 400 quả tên lửa phòng không của Nga và đã được bàn giao.
Trong các phi vụ mua bán vũ khí với Nga, cho tới nay, 65 trong số 80 quả ngư lôi Việt Nam đặt mua để trang bị cho các tàu ngầm đã được bàn giao. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mua và đã được giao bàn 12 máy bay chiến đấu SU-30MK trong thương vụ trị giá lên tới 600 triệu USD.
Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ. Việc trực tiếp gây hấn những năm gần đây rõ ràng chỉ có Trung Quốc...đứng cạnh một nước lớn, lúc nào cũng nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông, bồi lấp, tôn tạo đảo nhân tạo, xây sân bay, đưa tên lửa, pháo ra Hoàng Sa, Trường Sa, gần như áp sát, đe dọa đến an ninh quốc phòng của Việt Nam thì Việt Nam phải tăng cường quốc phòng là đúng, VOA nhận xét.
Năm 2009 là thời điểm Việt Nam đặt mua nhiều vũ khí của Nga nhất, trong đó đáng chú ý hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm lớp kilo, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nga.
Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế, Hà Nội “tậu” nhiều vũ khí hơn cả các quốc gia giàu có hơn trong khu vực như Singapore và Hàn Quốc.
Trả lời VOA, ông Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho rằng tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cũng như nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội “có thể làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á”. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay lên tới mức 141 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái.
Một báo cáo của SIPRI công bố năm ngoái cho biết, mức tăng chi tiêu quân sự của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%.
Không chỉ mua vũ khí của Nga, Việt Nam còn tiếp cận vũ khí của nhiều nước khác. Hà Nội đã đặt mua của Israel 20 tên lửa dẫn đường “nhằm mục đích phòng thủ duyên hải” và tất cả loại vũ khí này đã được bàn giao trong khoảng thời gian từ năm 2014 tới 2015. Ngoài ra, Việt Nam cũng mua 3 radar phòng không được sản xuất tại Canada với thiết bị từ Israel và được cải tiến tại Mỹ.
Việt Nam cũng rút hầu bao mua 2 khẩu súng hải quân “siêu nhanh” 76 li từ Italia để trang bị cho 2 chiếc tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan. Việt Nam cũng mua của một nước châu Âu khác là Tây Ban Nha 3 máy bay vận tải C-295 và đã được bàn giao hết trong khoảng thời gian từ 2014 tới 2015.
Năm 2009, Việt Nam cũng đặt mua từ Pháp 2 chiếc trực thăng vận tải Super Couger và đã được bàn giao năm 2011. Ngoài ra, Hà Nội còn “tậu” 40 quả tên lửa phòng không VL MICA, 25 quả tên lửa chống tàu Exocet và 2 hệ thống tên lửa MICA để trang bị cho 2 các chiến hạm Sigma mua của Hà Lan.
Đáng chú ý, trong phần dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế chưa có các thông tin về vũ khí Việt Nam mua của Mỹ. Hoa Kỳ năm ngoái đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam với mục đích tăng cường phòng thủ duyên hải và trên biển.
Việt Nam chưa thông báo sẽ mua vũ khí gì của Mỹ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, Hà Nội có thể mua “các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo” và “có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà Việt Nam chưa có”.
Ngoài ra, Việt Nam những năm qua còn mua một loạt các thiết bị quân sự của Ukraine như máy bay chiến đấu SU-22 và 3 hệ thống radar tìm kiếm trên không.
Gần đây, cũng đã có thông tin về việc Việt Nam sẽ trang bị thêm các máy bay chiến đấu mới của Nga như các tiêm kích Su-30SM, Su-35, MiG-29, cường kích bom Su-34. Ngoài ra một số nguồn tin phương Tây cho biết, nhằm tránh phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất, Việt Nam có thể đang đàm phán mua các chiến đấu cơ nguồn gốc phương Tây như Gripen (Thuỵ Điển), Rafale (Pháp), F-15 (Mỹ), máy bay săn ngầm P-3 Orion và máy bay trinh sát, cảnh báo sớm...Có thể những chiến đấu cơ này của Việt Nam một ngày nào đó sẽ tuần tra Biển Đông, theo the Diplomat (Nhật Bản).
Một số nguồn tin Nga cho biết quá trình hiện đại hoá lục quân của Việt Nam cũng đã bắt đầu với việc mua sắm các xe tăng T-90 của Nga. Hà Nội có kế hoạch trang bị một số loại tên lửa phóng loạt và tên lửa đất đối đất tầm xa hiện đại ngoài tên lửa đạn đạo Scud thế hệ cũ. Bên cạnh đó, nhằm tự chủ về trang bị, vũ khí, Việt Nam đã tự chế tạo một số loại radar, cũng như sản xuất một số loại tên lửa chống hạm và phòng không theo chuyển giao công nghệ của Nga và Israel...