Tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã cử tàu cứu hộ một tàu cá bị mắc cạn gần bãi Hải Sâm ở quần đảo Trường Sa hồi cuối năm 2015 và gây nguy cơ với hoạt động hàng hải.
Bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng cũng là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines.
Trong thời gian hoạt động, tàu Trung Quốc “đã thuyết phục các thuyền đánh cá rời khỏi vùng biển này trong nỗ lực đảm bảo các điều kiện an toàn cho hoạt động hàng hải thường lệ”, ông Hồng nói với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng các tàu Trung Quốc đã trở về nước sau khi hoàn thành công việc.
Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, không chắc chắn các tàu Trung Quốc có trở lại hay không và các quan chức quốc phòng Philippines đang theo dõi ở khu vực tranh chấp này. “Họ có thể trở lại vào ngày mai hoặc có thể không”, ông del Rosario nhận định.
Thị trưởng Eugenio Bito-onon Jr., người đứng đầu một khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, cho biết ông cũng thấy các tàu Trung Quốc tại bãi Hải Sâm 2 ngày liên tiếp hồi tuần trước, trong khi đi trên một máy bay khảo sát trên khu vực này.
Một quan chức an ninh Philippines nói rằng một máy bay giám sát của không quân không thấy các tàu Trung Quốc trong chuyến bay hôm 2.3.
Trong một mối quan ngại khác, ông Bito-onon cho hay các máy bay của Philippines cất cánh và hạ cánh tại đảo Thị Tứ thường xuyên bị lực lượng của Trung Quốc đồn trú trên đá Subi cảnh báo phải rời khỏi đó.
Theo ông Bito-onon, những cảnh cáo của Trung Quốc là hành động hăm dọa và cho thấy nguy cơ đe dọa tự do hàng không trong khu vực.
THEO AP, Lao Động