Ông Donald Trump: “Trung Quốc đã phá hoại đàm phán”
Hôm 19.5, ông Donald Trump đã nhận lời trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình FoxNews về cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung. Donald Trump nói, việc ông đánh thuế hàng hóa Trung Quốc đã khiến rất nhiều công ty rời bỏ Trung Quốc chuyển tới Việt Nam và các quốc gia châu Á khác để sản xuất hàng hóa,
Về cuộc đàm phán mậu dịch giữa hai bên, ông Trump nói: Mỹ và Trung Quốc lẽ ra đã có được một bản hiệp nghị rất vững chắc, một hiệp nghị tốt, nhưng người Trung Quốc đã sửa đổi nó. Ông nói: “Tôi bảo không sao, chúng ta sẽ đánh thuế sản phẩm của họ”.
Ông Donald Trump cũng phản bác lại những ý kiến của Joe Biden, cựu Phó Tổng thống, ứng cử viên Đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 chỉ trích việc ông gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc . Ông Ttrump nói: “Ông ta (Joe Biden) nói Trung Quốc không phải là kẻ cạnh tranh với chúng ta. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nước Mỹ chúng ta; họ muốn tiếp quản cả thế giới kia, đúng không? Họ có một cái gọi là Kế hoạch 2025”.
Ông Donald Trump đòi điều tra quan hệ giữa gia đình Joe Biden với Trung Quốc
|
Ông Trump còn nói, gia đình ông Joe Biden đã nhận rất nhiều tiền từ Trung Quốc, cần phải điều tra quan hệ giữa gia đình Biden với Trung Quốc. Ông cho rằng, con trai của Joe Biden là Hunter Biden đã liên quan đến việc nhận phi pháp một khoản tiền lớn của Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ cần phải tiến hành điều tra vụ này. Phái bảo thủ ở Mỹ cho rằng, năm 2013, chỉ 2 tuần sau khi Phó Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc, Hunter Biden đã đạt được một giao dịch cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD với một công ty con của Ngân hàng Trung Quốc.
Gọi Joe Biden là “con sâu ngủ”, ngày hôm sau, 20.5 khi phát biểu tại cuộc gặp gỡ cử tri ở bang Pennsylvania, ông Trump đã nói: “ Xin đừng quên, Biden đã bỏ rơi các bạn. Tôi nghĩ tuy ông ta sinh ra tại bang Pennsylvania này, nhưng đã bỏ rơi các bạn để lựa chọn một bang khác. Xin hãy nhớ kỹ điều này”.
Phát biểu trên FoxNews, ông Trump còn biện hộ cho việc ông đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc: “Trung Quốc đã triệt để bị bóp chết”. Ông nói, tình hình kinh tế Mỹ hiện rất tốt, là lợi thế rất lớn với ông trong cuộc bầu cử năm 2020.
Donald Trump: tình hình kinh tế Mỹ hiện rất tốt, là lợi thế rất lớn với ông trong cuộc bầu cử năm 2020
|
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Donald Trump bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc đuổi kịp và vượt Mỹ. Hồi tháng 4.2019 khi gọi điện cho cựu Tổng thống Jimmy Carter, ông Trump đã đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ. Hôm 2.4.2019, tại một bữa tiệc tối, ông Trump cũng từng nói, nếu không phải ông đã thu thuế thì kinh tế Trung Quốc chỉ trong vòng mấy năm sẽ vượt qua Mỹ. Ông nói: “Họ sẽ đuổi kịp chúng ta chỉ trong một thời gian rất ngắn, chỉ trong 2 năm khi mà nhiệm kỳ này của tôi kết thúc. Nhưng hiện nay thì sao? Họ phải mất một thời gian rất dài nữa mới có thể đuổi kịp chúng ta”.
Ông Donald Trump nhấn mạnh, bất cứ hiệp nghị nào giữa Mỹ với Trung Quốc đều không thể là hiệp nghị “50-50” (any agreement with China cannot be a “50-50” deal). Ông nói, do kiểu mậu dịch của Trung Quốc trước đây nên nay hiệp nghị cần phải có lợi cho phía Mỹ.
Cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung dai dẳng kiểu “đánh lâu dài” bắt đầu bùng phát từ ngày 6.7.2018; gần đây cuộc chiến này lại một lần nữa leo thang. Trước khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Mỹ, ngày 5.5 ông Trump bất ngờ viết một bản twitt trên mạng xã hội Twitter tuyên bố sẽ nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% lên 25%, nguyên nhân là bởi “Trung Quốc lật lọng, muốn đàm phán lại”.
Hôm sau, ngày 6.5 Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gặp gỡ báo chí tại Washington. Robert Lighthizer nói: “Chúng tôi vốn cảm thấy đã hy vọng đạt được kết quả, nhưng chỉ sau 1 tuần, chúng tôi đã thấy sự tráo trở lật lọng của Trung Quốc”. Ông nói, Trung Quốc định sửa đổi về thực chất văn bản hiệp nghị gồm 7 chương. Còn ông Steven Mnuchin thì nói, vào dịp cuối tuần các quan chức Mỹ đã được biết Trung Quốc “muốn thay đổi lại một số từ ngữ”. Những từ ngữ này đều đã đạt được thỏa thuận chung sau 10 vòng đàm phán. Steven Mnuchin nói, Mỹ không muốn đàm phán lại những điều đã cam kết và nói 90% nội dung văn bản hiệp nghị đã được xác định lần cuối.
Ông Robert Lighthizer: Trung Quốc đã tráo trở lật lọng về văn bản hiệp nghị mậu dịch song phương
|
Trung Quốc lên tiếng đáp trả mạnh mẽ
Trước việc ông Donald Trump quyết định tăng thuế và cho rằng “Trung Quốc đã phá hoại hiệp nghị”, ngày 20.5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lần đầu tiên trả lời thẳng vấn đề này.
Trang tin Đa Chiều cho biết, ông Lục Khảng đã nói: “Tôi không biết cái mà phía Mỹ gọi là “hiệp nghị” là cái gì? Phía Mỹ có lẽ luôn hy vọng có một bản “hiệp nghị” theo tham vọng quá đáng của họ, nhưng xin khẳng định đó không phải là một bản hiệp nghị mà Trung Quốc đồng ý”.
Lục Khảng nói: “Trung Quốc và Mỹ đàm phán mậu dịch 11 vòng không đạt được một hiệp nghị, nguyên nhân căn bản là do phía Mỹ mưu đồ thông qua gây áp lực hết mức để thực hiện những yêu cầu về lợi ích bất hợp lý của họ. Điều này ngay từ lúc bắt đầu đã không ổn”.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc: trước khi hai bên đồng ý thì mọi sự thay đổi trong văn bản hiệp nghị là điều bình thường
|
Lục Khảng nói: “Sau khi gây sức ép không có kết quả, dẫn đến dư luận trong ngoài nước Mỹ bày tỏ nghi ngờ và khiến thị trường biến động. Trong tình hình đó, Mỹ lại định đánh lừa dư luận, đổ vấy trách nhiệm, nhưng như thế cũng chỉ vô ích. Những thiện chí và thái độ xây dựng mà Trung Quốc thể hiện qua 11 vòng đàm phán, cộng động quốc tế đều thấy rõ”.
Lục Khảng nhấn mạnh: “Cuộc đàm phán mậu dịch Trung – Mỹ chỉ có thể đi theo quỹ đạo đúng đắn tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi thì mới có hy vọng thành công”.
Chiều 21.5, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Lục Khảng đã phản bác điều mà ông Donald Trump nói “Hiệp nghị với Trung Quốc không thể là đối đẳng (ngang bằng)”. Lục Khảng nói: “Tôi không phải là chuyên gia mậu dịch nhưng thấy cần làm rõ hai khái niệm “có đối đẳng hay không” và “ai được lợi nhiều hơn”; trong quan hệ mậu dịch hai cái đó không phải là một”.
Lục Khảng cho rằng, yêu cầu hai nền kinh tế tuyệt đối mở cửa đối đẳng về mậu dịch là không thể thực hiện được, huống hồ bản thân kinh tế toàn cầu hóa là các nước bù trừ cho nhau, là quá trình trao đổi qua lại giữa người có kẻ không. Ông nêu ví dụ: “Năm 2017, Trung Quốc thu thuế 15% đối với lạc vỏ, còn Mỹ là 163%, có thể nói một cách giản đơn là Mỹ chiếm lợi hay không?”. Ông nhấn mạnh: gọi là mậu dịch cùng có lợi, cần phải là tất cả các ngành đều mở cửa thị trường thực hiện tổng thể cùng có lợi và cân bằng lợi ích. Cho nên bản thân việc đàm phán hiệp nghị mậu dịch không thể yêu cầu tất cả mọi lĩnh vực phải tuyệt đối bình đẳng, nhưng hiệp nghị cần phải cân bằng hai phía và bình đẳng cùng có lợi.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 10.5 khi trả lời các cơ quan truyền thông Trung Quốc và quốc tế về thất bại của cuộc đàm phán đã nói: “Phía Mỹ cho rằng có vẻ trước đây trong văn bản chúng tôi đã cam kết một số điều, nay lại đòi thay đổi. Chúng tôi cho rằng trước khi hai bên đồng ý thì mọi sự thay đổi đều là bình thường. Đây là chuyện tất yếu xảy ra trong cả một quá trình, nên chúng tôi không cho rằng đó là sự thụt lùi hay “đòi bàn lại” (renege) của phía Trung Quốc. Chúng tôi không đồng ý với họ. Chúng tôi không thụt lùi, chúng tôi chỉ không đồng ý về cách viết trên một số chỗ, chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này; cho nên việc Mỹ phản ứng quá đáng trong vấn đề này, theo chúng tôi là không cần thiết”.
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tới đặt hoa tại Bua kỉ niệm cuộc Vạn lý Trường chinh vào lúc này được cho là mang hàm ý sâu xa
|
Cho đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình chưa chính thức phát biểu gì về việc đàm phán mậu dịch thất bại cũng như việc Mỹ tăng thuế và áp dụng các biện pháp mang tính trừng phạt Trung Quốc. Tuy nhiên hôm 20,5 ông đã về Giang Tây thị sát tình hình sản xuất đất hiếm và đặt vòng hoa tại Bia kỉ niệm Hồng quân trung ương xuất phát thực hiện cuộc Vạn lý Trường chinh khi xưa. Động thái này khiến giới quan sát quốc tế chú ý. Có ý kiến cho rằng, trước sự “vây quét” của Mỹ, lần này ông Tập Cận Bình tới đặt vòng hoa tại Bia kỉ niệm cuộc Trường chinh có ý đồ rõ ràng, tựa hồ ám chỉ Trung Quốc sẽ giống như Hồng quân trung ương tiến hành cuộc Vạn lý Trường chinh năm xưa, tự lực cánh sinh, từng bước thoát khỏi tình cảnh khó khăn, đập tan cuộc bao vây ngăn chặn của Mỹ đối với Trung Quốc về công nghệ.