Năm 2015 là năm cuối cùng ngành ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh tay đang được NHNN thực hiện để quá trình tái cấu trúc cán đích đề ra. Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ sáp với nhau hoặc ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn là điều tất yếu, nhất là trong tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu không mở rộng quy mô, nâng cao sức mạnh ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại.
Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập thành công, 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng, hệ thống được thanh lọc và đến nay hệ thống còn 34 ngân hàng và thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.
Sau khi mua lại bắt buộc và chuyển đổi mô hình, vốn điều lệ của Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) được NHNN công bố là 3.000 tỷ đồng - mức tối thiểu theo quy định hiện hành. Tương tự, vốn điều lệ của Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí (GP.Bank) là 3.018 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của 12 ngân hàng bé bằng ...1 ngân hàng lớn
Cho đến thời điểm này, Vietinbank vẫn là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ với 37.234 tỷ đồng. Tuy nhiên khác với trước, Vietinbank cao hơn trên dưới chục nghìn tỷ so với 3 ngân hàng ở vị trí tiếp theo là Agribank, BIDV và Vietcombank thì đến nay, BIDV đã theo sau khá sát với 31.481 tỷ đồng, sau khi nhận sáp nhập với MHB.
Xét về số vốn điều lệ trong số 34 ngân hàng hiện nay, có thể chia làm 3 top. Top 1 với 9 ngân hàng có vốn lớn hơn 10.000 tỷ đồng; top 2 gồm 9 ngân hàng có vốn từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng và top 3 là còn lại với 16 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng.
Hiện trong hệ thống có 9 ngân hàng có vốn tròn hoặc nhỉnh hơn 3.000 tỷ đồng bao gồm: BaoVietBank, KienLongBank, NamABank, PGBank, VietcapitalBank, CBBank, NCB, GP.Bank và NamABank.
Điều thú vị là vốn điều lệ của 12 ngân hàng cuối bảng cộng lại là 37.694 tỷ đồng, cao hơn vỏn vẹn 460 tỷ đồng so với vốn điều lệ hiện có của Vietinbank. Trong khi đó, Vietinbank đang nỗ lực tăng vốn lên 49.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015.
Trong năm nay, hàng loạt ngân hàng có kế hoạch tăng vốn. Theo số liệu thống kê của CafeF, có đến 12 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn ngay trong năm 2015. Trong đó, một số ngân hàng đã tăng vốn thành công như VPBank tăng từ 6.348 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 8.056 tỷ đồng cuối quý II/2015. BacABank cũng đã tăng vốn thành công lên 4.400 tỷ đồng, nhờ đó mà tỷ lệ sở hữu của bà Trần Thị Thoảng, Chủ tịch HĐQT và bà Thái Hương, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BacA Bank đã về mức cho phép.
Một số ngân hàng khác cũng đang triển khai tăng vốn như MBBank, ngân hàng này có ý định tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng. Theo dự đoán của một công ty chứng khoán mới đây, có thể MBBank sẽ sớm tăng vốn trong vài tuần tới, từ đó sẽ dẫn tới việc hở room cho khối ngoại.
Thực tế, kế hoạch tăng vốn này đã được chuẩn bị từ 2 năm qua và năm 2015 là cơ hội cuối cùng để hoàn thành kế hoạch. Nếu thành công, MBBank sẽ vươn lên đứng thứ 5 trong hệ thống xét về vốn điều lệ, chiếm vị trí của Sacombank hiện tại.
Một số ngân hàng có vốn thấp như VietABank cũng có kế hoạch tăng từ 3.098 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
NamABank cũng có kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng tuy nhiên đến nay ngân hàng này vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu. Tổng số tiền thu từ việc bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu mới đây chỉ đạt 21,16 tỷ đồng và sau đợt chào bán, vốn điều lệ của Nam A Bank tăng lên 3.021 tỷ đồng.
Dưới đây là tình hình vốn điều lệ của các ngân hàng được tổng hợp từ báo cáo tài chính, các số liệu ngân hàng công bố tính đến cuối quý II/2015.
Theo Trí thức trẻ