Với tình trạng phân tán và cát cứ thông tin hiện nay thì khả năng cao là mỗi ví điện tử vẫn cứ phát triển theo cách đi riêng của mình, tự ai nấy làm. Ảnh: Thành Hoa |
Mỗi ví một lối đi riêng
Theo số liệu, hiện cả nước có khoảng 100 công ty công nghệ tài chính (FinTech) tham gia cung ứng dịch vụ, trong đó có 29 công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, và thị trường có khoảng 23 loại ví điện tử tính đến thời điểm hiện tại.
Bên cạnh các doanh nghiệp trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ ví điện tử như Payoo, Momo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, Mobivi, AirPay, VnMart, Vimo, VTCPay..., còn có sự tham gia tích cực của các ngân hàng như ví VCB Pay (của Vietcombank), YOLO (VPBank), SacombankPay (Sacombank), QuickPay (TPBank), ví Việt (LienVietPostBank)...
Các chức năng cơ bản của ví điện tử là có thể nhận/chuyển tiền, thanh toán các loại hóa đơn, mua sắm và tiêu dùng. Tuy nhiên, tùy vào nguồn vốn, chiến lược hướng đến dải khách hàng (người dùng) muốn nhắm vào, mỗi loại ví điện tử tại Việt Nam hiện nay đều vạch ra một con đường đi riêng.
Payoo đang đi theo hướng B2B. Không chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của chính mình, Payoo còn cung cấp hạ tầng ví điện tử/các phương thức trung gian thanh toán để kết nối với các doanh nghiệp lớn nhằm tạo kênh thanh toán hiện đại cho khách hàng của các doanh nghiệp này, cụ thể là dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, viễn thông... Việc kết nối này giúp các bên liên kết giảm thiểu đáng kể về thời gian và chi phí, đồng thời giữ chân được khách hàng của chính họ trong thị trường rất cạnh tranh như hiện nay.
Với định hướng tập trung vào người dùng cuối, Momo là một trong những ví điện tử dẫn đầu về độ phủ, được nhiều người dùng biết đến và sử dụng nhất hiện nay. Ngoài tính năng thanh toán các hóa đơn điện, nước, Internet, dịch vụ truyền hình cáp, các khoản vay tiêu dùng cá nhân, bảo hiểm, mua vé máy bay, vé xem phim..., người dùng ví Momo cũng dễ dàng chi trả khi mua hàng trên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) hoặc ở các quán cà phê, quán ăn.
Tại những thành phố lớn như TPHCM, hình ảnh khách hàng đi uống cà phê và thanh toán bằng mã QR Code của Momo thay vì trả bằng tiền mặt đang dần trở nên quen thuộc.
Cung cấp và cho phép thanh toán qua ví điện tử nhiều dịch vụ tiện lợi, sát sườn nhu cầu sinh hoạt của người dùng hàng ngày, từ vận chuyển đi lại, đến giao hàng, giao thức ăn, thanh toán hóa đơn điện, nước..., sự kết hợp giữa Grab và Moca (ví GrabPay by Moca) đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những đối thủ đáng gờm trên thị trường FinTech Việt Nam.
Cùng với Grab, VinID thuộc VinGroup cũng là một đơn vị mạnh về tiềm lực tài chính và hệ sinh thái. Gần đây công ty này đã hoàn tất việc mua lại People Care (chủ sở hữu ví điện tử MonPay). Trong khi đó, ví ZaloPay được thụ hưởng hệ sinh thái của VNG, có lợi thế về lượng lớn người dùng mạng xã hội Zalo - cán mốc 100 triệu người dùng từ giữa năm 2018, và cả trong lĩnh vực phát hành game.
Các ví khác như ViettelPay (của Viettel), AirPay (của Foody, Now, Shopee, Garena)..., mỗi ví đều có thế mạnh và tập khách hàng rộng lớn của mình.
Ai là người sống sót?
Lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đang trong giai đoạn có tốc độ tăng trưởng lý tưởng 30%/năm. Theo dự báo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong giai đoạn 2019-2025. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, quy mô doanh thu TMĐT của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015 lên gần 8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018. Thị trường TMĐT phát triển được kỳ vọng sẽ kéo theo sự thịnh hành trong thanh toán trực tuyến, trong đó ví điện tử đóng vai trò trung gian thanh toán quan trọng.
Nhưng nếu so sánh với Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới song chỉ có hai thương hiệu ví điện tử là WeChat Pay và Alipay chi phối gần như toàn bộ thị trường, thì số lượng thương hiệu ví của Việt Nam như thế là quá nhiều. Câu hỏi đặt ra: ai là người có thể trụ lại trong cuộc chiến giành thị phần của thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam?
Hầu hết những người am hiểu trong lĩnh vực này đều cho rằng, với tình trạng phân tán và cát cứ thông tin hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia chúng ta không có, thì khả năng cao là mỗi ví điện tử vẫn cứ phát triển theo cách đi riêng của mình, tự ai nấy làm. Tuy nhiên, đơn vị nào có tiềm lực tài chính mạnh, hệ sinh thái đa dạng sẽ tạo nền kinh tế cho thanh toán trực tuyến. Dịch vụ nào tiện lợi hơn, số hóa hơn sẽ có cơ hội phát triển theo đúng phạm vi thị trường của nó.
Để thu hút đông đảo người dùng và đạt được quy mô thị trường lớn, các ví điện tử chấp nhận lỗ trong một thời gian dài khi liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi như tặng tiền, tặng voucher, giảm giá... cho người sử dụng ví. Nhưng bên cạnh những ưu đãi và sự tiện lợi, người sử dụng ví điện tử đồng thời gặp không ít khó khăn trong vấn đề về bảo mật và sự không liên thông giữa các ví.
Thử tưởng tượng, mỗi chiếc điện thoại của người dùng phải tải hàng chục loại ví, rồi tại mỗi quầy thanh toán, chủ quán phải trưng hàng chục mã QR Code (mỗi ví ứng với một QR Code), khiến người dùng phải loay hoay khi thanh toán. Vì vậy theo các chuyên gia công nghệ, bài toán liên thông giữa các ví điện tử với các ngân hàng cần được giải quyết một cách triệt để về mặt chính sách. Riêng về mặt công nghệ, yêu cầu phải có hạ tầng để liên thông hết các ví là hoàn toàn có thể làm được.
Hiện các cơ quan hữu quan đang trong quá trình nghiên cứu lấy ý kiến để xây dựng khung pháp lý cho việc triển khai dịch vụ thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money) áp dụng cho các công ty viễn thông. Về bản chất, Mobile Money cũng là một dạng của ví điện tử nhưng không cần có tài khoản ngân hàng, và tài khoản có thể sẽ được nạp từ các đại lý bán thẻ.
Đây là dịch vụ có trải nghiệm rộng và đi đến những vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu thanh toán, đặc biệt là những thanh toán nhỏ. Nhưng cũng chính vì không phải qua ngân hàng, nên dịch vụ Mobile Money có nhiều yếu tố mà chúng ta cần nghiên cứu kỹ để phòng chống nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố, và nhiều mặt tiêu cực khác có thể xảy ra.
Theo TBKTSG
Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/td/289724/Tram-vi-dua-no.html/#284814