Sau khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 7/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Kiev, thủ đô của Ukraine hôm 8/2 để hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trước cuộc hội đàm chính thức với ông Zelensky, Tổng thống Macron nói với các phóng viên rằng ông đã nhận được "sự đảm bảo" từ Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “cục diện tình hình Nga và Ukraine sẽ không xấu đi hoặc leo thang thêm”, và “quân đội Nga đã triển khai tới Belarus sẽ rút về nước sau cuộc tập trận”. Tuy nhiên, lời "đảm bảo" của ông Putin qua miệng ông Macron đã nhanh chóng bị Nga phủ nhận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày 8/2 khẳng định: giữa Nga và Pháp không có bất cứ thỏa thuận nào.
Theo một bản tin của Tổng công ty Phát thanh truyền hình Anh (BBC) ngày 8/2, những phát biểu này của ông Macron đã được đưa ra cho các phóng viên trước khi ông gặp Tổng thống Ukraine Zelensky. Ông nói khi đó rằng, ông Putin đã đảm bảo với ông rằng quân đội Nga sẽ không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng gần biên giới Ukraine, và "Tôi nhận được sự đảm bảo rằng tình hình sẽ không xấu đi hoặc leo thang."
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov phủ nhận việc Tổng thống Putin đưa ra các đảm bảo như ông Macron nói với báo chí (Ảnh: TASS). |
Ngoài ra, một quan chức Pháp tiết lộ, hai nhà lãnh đạo của Nga và Pháp đã xác nhận rằng sau khi kết thúc cuộc tập trận giữa Nga và Belarus ở khu vực gần biên giới phía bắc Ukraine, Nga sẽ rút quân khỏi Belarus.
Tuy nhiên, phía Nga đã rất nhanh chóng vào cuộc để làm rõ.
Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố trước đó, Nga và Belarus sẽ tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung mang tên "Alliance Resolve-2022" tại nhiều bãi tập khác nhau ở Belarus từ ngày 10 đến 20/2. Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 8/2 tuyên bố: "Mátxcơva và Paris đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Điều này căn bản là không thể. Pháp tuy vẫn là một thành viên của EU, là nước chủ tịch luân phiên của EU, lại còn là nước thành viên NATO, nhưng tại đây Pháp không có quyền lãnh đạo. Vì vậy, báo chí đã viết sai."
Ông Peskov cũng nói rằng quân đội Nga sẽ trở về căn cứ sau khi cuộc tập trận Nga - Belarus kết thúc, Nga chưa bao giờ nói rằng họ sẽ ở lại Belarus.
Tổng thống Ukraine Zelensky (phải) và Tổng thống Pháp Macron tại cuộc họp báo hôm 8/2 (Ảnh: Guancha). |
Vào ngày 8/2, sau khi kết thúc cuộc hội đàm, hai ông Macron và Zelensky đã tổ chức một cuộc họp báo chung. Ông Macron vẫn lạc quan, nói rằng giờ đã đến lúc xúc tiến các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, và ông thấy có "các biện pháp cụ thể" có thể được thực hiện để giảm bớt xích mích. Ông cũng chỉ ra rằng tất cả các bên đều quyết tâm thực hiện Thỏa thuận Minsk giữa Nga, Pháp, Đức, Ukraine và Belarus, nhưng có thể mất nhiều tháng để đi đến giải pháp.
Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ra kém lạc quan hơn, nói rằng: "Tôi thực sự không tin vào lời nói, tôi tin rằng mọi chính trị gia đều có thể minh bạch bằng cách thực hiện các bước hành động cụ thể”. Zelensky cho biết, ông dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Nga, Pháp và Đức về tình hình miền đông Ukraine trong tương lai gần, đồng thời ông cũng yêu cầu Putin thực hiện các biện pháp nghiêm túc để xoa dịu tình hình. BBC cho rằng ông Zelensky đang kêu gọi Tổng thống Nga Putin áp dụng các biện pháp hòa dịu.
Nga triển khai các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 ở căn cứ không quân Engels gần Ukraine (Ảnh: Dwnews). |
Tổng thống Pháp Macron gần đây đang cố gắng hạ nhiệt tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Trước khi sang Nga, trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với tờ Journal du Dimanche của Pháp vào ngày 5/2, một mặt, ông kêu gọi thiết lập một "sự cân bằng mới" để bảo vệ các nước châu Âu, mặt khác, ông cố gắng thúc đẩy phương Tây hạ nhiệt "Thuyết về mối đe dọa của Nga". Macron cảnh báo, đừng chỉ mong đợi Nga thực hiện các biện pháp đơn phương để làm dịu tình hình căng thẳng, Nga có quyền nêu lên các quan ngại của mình.
Sau khi kết thúc cuộc gặp kéo dài gần 5 giờ với ông Putin hôm 7/2, ông Macron đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng ông đã đề xuất với ông Putin "các đảm bảo an ninh cụ thể", và Putin cũng đảm bảo rằng ông đã sẵn sàng cho việc này, và hy vọng giữ cho Ukraine ổn định và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng ông Macron không nói rõ về nội dung cụ thể của những đề xuất đó.
Về vấn đề này, ông Putin ca ngợi Pháp đã có nhiều nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời cho biết ông "rất có khả năng" xúc tiến một số đề xuất của Macron. Mặc dù hiện nói đến nó còn quá sớm, nhưng những ý tưởng đó có thể tạo cơ sở thêm cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Đầu năm nay, Pháp đã tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), thêm vào đó, cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra vào tháng 4 tới, trang mạng tin tức Politico của Mỹ đã đưa tin cho rằng việc ông Macron làm trung gian trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine là nhân cơ hội này để tạo ra vai trò là một người “kiến tạo hòa bình” cho riêng mình, nâng cao uy tín chính trị của nước Pháp và cá nhân ông.
Nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Macron sau đây là sẽ tới Berlin, gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Tuy nhiên, về cơ bản, Macron không thể giải quyết vấn đề cốt lõi của Nga, cụ thể là ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO. BBC cho rằng, Pháp không phải là nhà lãnh đạo của NATO, vì vậy hai nước Nga và Ukraine không thể đạt được một thỏa thuận thực chất, và "mối quan tâm chính của Nga là nước Mỹ."
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington hôm 7/2 (Ảnh: The Guardian). |
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Washington hôm thứ Hai và đe dọa sẽ vô hiệu hóa đường ống khí đốt tự nhiên quan trọng "Nord Stream-2" dẫn khí đốt của Nga tới Đức “nếu Nga xâm lược Ukraine”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã thể hiện sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp trừng phạt. Ông nói trên tờ The Times hôm thứ Ba (8/2) Anh đang xem xét triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến "để bảo vệ đông nam châu Âu".
Các nước phương Tây đã từ chối một số yêu cầu của Nga, bao gồm việc liên minh quân sự NATO loại trừ việc kết nạp Ukraine làm thành viên và NATO cắt giảm sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Thay vào đó, họ đề xuất các lĩnh vực đàm phán khác với Nga như về cắt giảm vũ khí hạt nhân.