Tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu lãi suất 16%/năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu xét thuần về lãi suất, trái phiếu do tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành thường kém hấp dẫn so với thị trường. Nhưng trong năm 2022, lãi suất áp dụng cho loại trái phiếu này được đẩy lên tới 16%/năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – Mã CK: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 4.510,2 tỉ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trên bảng cân đối, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LPB ở mức 327.745,8 tỉ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 235.506,8 tỉ đồng, tăng 26.552 tỉ đồng so với đầu năm.

Bên cạnh đó, LPB còn dành nguồn lực lớn cho danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, với số dư đạt 42.007,2 tỉ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản.

Tại thời điểm cuối năm 2022, LPB nắm giữ 14.091,8 tỉ đồng trái phiếu do các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong nước phát hành.

Theo thuyết minh, các trái phiếu này có kỳ hạn từ 6 tháng đến 10 năm và có lãi suất từ 2,3% - 16%/năm. Trong khi đó, ở thời điểm cuối năm 2021, các trái phiếu do TCTD phát hành mà LPB nắm giữ chỉ có lãi suất từ 2,3 – 8,80%/năm.

LPB không phải ngân hàng duy nhất ghi nhận mức lãi suất đột biến áp dụng cho chứng khoán nợ do TCTD phát hành.

Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank – Mã CK: MBB), nhà băng này nắm giữ 66.307,3 tỉ đồng chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành (thường là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi), tăng 19.900 tỉ đồng so với đầu năm. Số chứng khoán này có kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 năm, với lãi suất từ 2,7% - 15%/năm.

Nên biết, trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát (từ năm 2019 – 2021), chứng khoán nợ loại này do MBB nắm giữ cũng chỉ áp dụng mức lãi suất dao động từ 2,8% - 9,5%/năm.

Mặt khác, xét ở thời điểm cuối năm 2022, MBB còn nắm giữ trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành nhưng số trái phiếu này cũng chỉ có mức lãi suất từ 3,79% - 10,5%/năm (với kỳ hạn từ 8 tháng đến 15 năm).

Theo khảo sát của VietTimes, trong 5 năm gần nhất, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh gom mua chứng khoán nợ do các TCTD khác trong nước phát hành và hạch toán ở khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán.

So với cuối năm 2018, số dư loại chứng khoán này ở BIDV đã tăng tới 11 lần (ở mức 97.316,9 tỉ đồng), lần lượt tăng gấp 3 và 4 lần ở MBBank và VietinBank. ACB, Sacombank và Techcombank cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Chứng khoán nợ do các TCTD trong nước phát hành thường bao gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Đây cũng là những công cụ huy động vốn phổ biến của các nhà băng Việt, bên cạnh tiền gửi khách hàng.

Ngân hàng cũng là nhóm ngành có quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuộc tốp đầu thị trường trong thời gian qua.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), ngân hàng là nhóm ngành phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2022, vượt qua cả nhóm doanh nghiệp bất động sản. Đáng chú ý, báo cáo cho biết phần lớn lượng mua trái phiếu TCTD đến từ chính nhóm ngân hàng.

Dù có mức lãi suất kém hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung của thị trường, nhưng như VietTimes từng phân tích, vì nhiều lý do, trái phiếu ngân hàng vẫn rất ‘đắt hàng’.

Là công cụ huy động vốn, các chứng khoán nợ có thể là ‘bộ đệm’ được các nhà băng sử dụng linh hoạt trong những trường hợp cấp thiết, kiểu như việc giải quyết tình trạng ‘đứt gãy’ thanh khoản sau sự kiện ở ngân hàng SCB trong năm 2022./.