Theo dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không của CAAV, sản lượng vận chuyển của các hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025. Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng tàu bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 vào năm 2020 và 384 tàu bay vào năm 2025.
Song, theo thống kê của đơn vị này, dù chưa tính đế kế hoạch đội tàu bay của Vinpearl Air, Vietravel Airlines, hay Cánh Diều (Kite Air), kế hoạch phát triển đội tàu bay của những hãng hàng không trong nước đang được cấp phép hoạt động đã lên tới 397 chiếc vào năm 2025, vượt quá nhu cầu thị trường là 13 chiếc.
Trước tình hình đó, trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP Du lịch Thiên Minh, CAAV khuyến cáo số lượng máy bay vào năm 2025 chỉ từ 20 - 25 chiếc thay vì 30 tàu bay như hãng đề xuất.
Nỗi lo nguồn cung máy bay “vượt quá nhu cầu thị trường” cũng là điều Bộ GTVT lưu ý trong văn bản (do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội mới đây có liên quan đến dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.
Theo truyền thông trong nước, Bộ GTVT đánh giá kế hoạch khai thác vận chuyển hàng không thường lệ, vận chuyển hành khách, hàng hóa với quy mô 6 máy bay vào năm 2020 và 36 chiếc vào năm 2025 của Vinpearl Air là không trái với quy hoạch phát triển hàng không mới, đồng thời tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, Bộ GTVT lưu ý về quy mô đội bay của Vinpearl Air tới năm 2025 “có khả năng sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường” trong trường hợp các hãng hàng không khác thực hiện theo kế hoạch phát triển đội bay.
Do đó, Bộ GTVT “khuyến cáo” quy mô đội bay của hãng nên dừng ở mức 30 chiếc vào năm 2025. Mặt khác, Bộ GTVt lưu ý Vinpearl Air cần bổ sung kế hoạch đỗ máy bay đến 2025 khi sân bay Tân Sơn Nhất không còn chỗ đỗ và slot (lượt cất, hạ cánh) từ năm 2022.
Dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air vẫn được Bộ GTVT đánh giá đủ điều kiện để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Không chỉ riêng các hãng bay đang “xếp hàng” chờ giấy phép, quay trở với đánh giá của CAAV, đơn vị này đặc biệt chú ý đến kế hoạch phát triển đội bay của CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air). Hãng bay này dự kiến phát triển đội tàu bay lên 102 chiếc vào năm 2020 và 200 tàu bay vào năm 2025. CAAV cho rằng kế hoạch phát triển của Vietjet Air là “quá nhanh”, cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trong khi đó, việc “giảm tốc” kế hoạch phát triển đội bay của Vietjet Air lại giúp nhóm hãng hàng không Vietnam Airlines (với vai trò là “lực lượng vận tải hàng không nòng cốt” theo quy hoạch hàng không đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ban hành ngày 23/2/2018) đảm bảo mục tiêu chiếm 51% tổng ghế cung ứng trên thị trường nội địa.
Nhưng cần lưu ý rằng, Vietnam Airlines (Mã CK: HVN) hiện đã trở thành doanh nghiệp cổ phần, mặt khác còn là công ty đại chúng, có vốn của cổ đông chiến lược nước ngoài.
Vậy cách bảo hộ hãng bay này liệu có hợp lý và công bằng với các hãng hàng không tư nhân khác đang có đóng góp lớn cho ngành như Vietjet Air cũng là vấn đề có lẽ cần được đặt ra một cách nghiêm túc và thấu đáo (!?). Chưa kể việc "kiềm chế" Vietjet Air để dành suất cho các hãng bay chưa ra đời cũng có thể gây ra những phản ứng.
Đảm bảo tính khả thi của dự án hàng không Vietravel Airlines Ngày 20/8/2019, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, góp ý đối với dự án vận tại hàng không lữ hành Việt Nam của Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Theo đó, cơ quan này cũng đánh giá dự án hàng không của Vietravel Airlines đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tuy nhiên, vẫn cần điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo tính khả thi. Trong đó, Bộ GTVT nhận định khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm lớn như Tp. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Vì vậy, trong trường hợp khai thác thuê chuyến không hiệu quả, Vietravel Airlines sẽ phải sử dụng đến các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài để đậu máy bay qua đêm. Điều này phần nào gây khó khăn cho hệ thống giao thông. Mặt khác, Vietravel Airlines cũng sẽ “khó có được slot” tại các cảng hàng không này vì mới tham gia thị trường và không có slot lịch sử. Điểm nổi bật trong dự án hàng không của Vietravel Airlines được Bộ GTVT ghi nhận là việc hãng có kế hoạch đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không tạo áp lực với tổng thề nguồn nhân lực của ngành. Trong giai đoạn đầu, hãng bay này sẽ chủ yếu thuê phi công nước ngoài. Sau đó, hãng sẽ thực hiện đào tạo và tim kiếm phi công có bằng lái cơ bản, phi công quân sự nhằm rút ngắn thời gian đào tạo và chi phí. Đội ngũ tiếp viên sẽ được đào tạo tại Trường Cao đẳng quốc tế Kent, do Vietravel nắm giữ 66% vốn điều lệ./. |