Ngày 05/12/2018, nhân sự kiện “Internet Day 2018”, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức công bố “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2018”. Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012 và từ đó đến nay đã trở thành báo cáo thường niên cung cấp số liệu và kết quả phát triển tài nguyên Internet hàng năm của Việt Nam qua đó phản ánh về hoạt động Internet và sự tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam trên khía cạnh phát triển tài nguyên Internet.
Tài nguyên Internet (tên miền, địa chỉ), là tham số định danh cho các thực thể tham gia vào hoạt động Internet, vì vậy là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động của hệ sinh thái số. Tại Việt Nam, tài nguyên Internet song hành và là nhân tố góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của mạng và dịch vụ tại Việt Nam.
Năm 2018 đánh dấu bước cải tiến quan trọng trong việc quản lý hồ sơ đăng ký tên miền “.vn”. Tên miền “.vn” đã chính thức được đăng ký hoàn toàn trực tuyến qua hồ sơ điện tử mà vẫn đảm bảo tính pháp lý, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng. Tính tới hết ngày 31/10/2018, có 460.412 tên miền “.vn” đang duy trì sử dụng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tên miền “.vn” đăng ký mới năm 2018 đạt 119.737 tên. Tên miền “.vn” có tỉ lệ tăng trưởng thực dương trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của tên miền quốc tế, bao gồm cả tên miền cấp cao dùng chung mới (New gTLD). Nhiều ccTLD khác trong khu vực và trên thế giới suy giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.
Nổi bật nhất trong mảng tài nguyên số năm 2018 là sự bứt phá trong kết quả ứng dụng triển khai IPv6 của Việt Nam. Tính đến 31/10/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 21%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada). Năm 2018, Việt Nam vượt qua Australia và New Zealand lên vị trí thứ 19 toàn cầu với hơn 11 triệu người sử dụng IPv6 (công bố bởi tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương APNIC và Cisco). Đối với khối cơ quan Đảng, Nhà nước, năm 2018 đã ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong việc triển khai ứng dụng IPv6.
Được biết, Tập đoàn VNPT là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam, với tỷ lệ gần 63%. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của 2 đơn vị khác cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi IPv4/IPv6 là FPT Telecom và Viettel lần lượt llà 26,1% và gần 11%. Về kết nối IPv6 giữa VNPT với các doanh nghiệp trong nước, VNPT đã hoàn thành triển khai IPv6 trên kết nối peering với VNIX, FPT và Viettel từ tháng 8/2016. Tổng dung lượng IPv6 trong nước đạt 2.412 Gbps, bao gồm lưu lượng IPv6 peering và lưu lượng IPv6 của các hệ thống CDN. VNPT đã có gần 50 trang web cung cấp dịch vụ của VNPT sẵn sàng IPv6 như vnptdata.vn, vnpt-ca.vn, his.vnptsoftware.vn… VNPT cũng đã xây dựng nhiều phần mềm hỗ trợ IPv6.
Các cơ sở hạ tầng trọng yếu phục vụ cho hoạt động Internet Việt Nam (mạng máy chủ tên miền quốc gia DNS, Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX) duy trì hoạt động tốt. Mạng máy chủ tên miền quốc gia (DNS) gồm có 07 cụm máy chủ (5 trong nước, 2 nước ngoài với hơn 70 điểm trên toàn cầu), 05/07 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6, phục vụ truy vấn tên miền quốc gia, quốc tế. Lưu lượng trao đổi qua VNIX không ngừng tăng trưởng.
Tính đến hết 31/10/2018, tổng lưu lượng đã trao đổi qua VNIX đạt 541.008 Tetabyte. Trong năm 2018 (tính đến hết tháng 10), lưu lượng trao đổi qua VNIX là 61.048 Tetabyte. Hệ thống VNIX được xây dựng tại 4 điểm TP. Hà Nội (Yên Hòa, Hòa Lạc), TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, trong đó tổng lưu lượng trao đổi qua các điểm tại TP. Hà Nội chiếm 47,68%, TP. Hồ Chí Minh chiếm 51,81% và TP. Đà Nẵng chiếm 0,51%.
Tham khảo các thông tin chi tiết về Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2018 tại: https://vnnic.vn/sites/default/files/whitebook/BaoCaoTainguyenInternet2018.pdf.